Tam Đảo vẻ đẹp cổ kính
Bên cạnh vẻ đẹp cổ kính mang dáng dấp của kiến trúc Pháp, Thị trấn Tam Đảo còn hấp dẫn du khách bởi vẻ đẹp hoang sơ của núi rừng.
Đó cũng là lý do, nơi đây vừa được Tổ chức Giải thưởng du lịch Thế giới vinh danh là “Thị trấn điểm đến hàng đầu thế giới” năm 2022.
Đã rất nhiều lần đến Tam Đảo, nhưng hàng năm tôi vẫn chọn nơi này làm điểm dừng chân cho kỳ nghỉ cuối tuần của mình bởi rất nhiều lý do. Trong đó, bên cạnh khoảng cách địa lý rất gần Thủ đô Hà Nội, Tam Đảo còn cho tôi một trải nghiệm thú vị về khí hậu trong một ngày mà ít nơi nào có được. Đặc biệt, đến với vùng đất này, tôi không chỉ có dịp khám phá kiến trúc Pháp tại những công trình được xây dựng nơi đây mà còn được hòa mình vào thiên nhiên, với cỏ cây hoa lá và thưởng thức những sản vật của núi rừng...
Tam Đảo là địa danh thuộc tỉnh Vĩnh Phúc, nằm cách Thủ đô Hà Nội 60 km, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ ngồi xe ô tô từ Hà Nội, du khách có thể đặt chân đến vùng đất này. Chuyến đi của tôi bắt đầu lúc 5 giờ sáng từ Thủ đô Hà Nội vào ngày cuối tuần tháng 7 và đặt chân đến Tam Đảo khi mới hơn 6 giờ sáng.
Không còn cảnh ồn ào, náo nhiệt và dòng người đông đúc, cũng chẳng còn hiệu ứng đô thị khiến cái nóng mùa hè miền Bắc càng trở nên khắc nghiệt như tại các thành phố lớn, vừa đặt chân đến Tam Đảo, tôi như được hòa mình vào thiên nhiên, vào khung cảnh núi rừng và cảm nhận rõ ràng hơn, trọn vẹn hơn vẻ đẹp của thiên nhiên, đất trời ban tặng cho vùng đất này.
Điểm đặc biệt nhất ở Tam Đảo mà ít đâu có được đó là sự thay đổi thời tiết nhanh chóng trong một ngày. Buổi sáng khi chúng tôi đặt chân đến, cảm nhận được rõ ràng tiết trời của mùa xuân với không khí se se lạnh, những màn sương dày đặc giăng kín núi đồi, khiến không gian trở nên mờ ảo, giống như khung cảnh trong những câu chuyện cổ tích.
Nhưng khi buổi trưa đến, màn sương mỏng dần, trời bỗng trở nên trong xanh và không khí mùa hè bao trùm, dù cái nắng không quá gay gắt. Khoảng thời gian này, du khách có thể phóng tầm mắt của mình, quan sát trọn vẹn hơn vẻ đẹp của núi rừng Tam Đảo với một màu xanh biếc của những tán rừng, xen kẽ là những đám mây trắng trôi bồng bềnh, giống như một bức tranh phong cảnh.
Buổi chiều, thời tiết bắt đầu chuyển dần sang mùa thu, với những làn gió heo may thổi mang theo mùi hương hoa cỏ từ những cánh rừng, quện vào không khí, mang lại cảm giác thật dễ chịu. Nhưng có lẽ, đặc sắc nhất vẫn là buổi tối ở Tam Đảo, thời tiết chuyển dần sang mùa đông, thời điểm này du khách cảm nhận rõ hơn về cái lạnh của mùa đông miền Bắc. Trong không gian ấy, tôi đã chọn một góc quán trong thị trấn Tam Đảo, nhâm nhi một tách trà ấm để cảm nhận rõ hơn về không khí của vùng đất xinh đẹp này.
Thị trấn Tam Đảo được người Pháp khởi công xây dựng từ năm 1906 với mục đích ban đầu làm trạm nghỉ mát mùa hè với quy mô 100 biệt thự lớn nhỏ cùng với sân vận động, bể bơi và nhà thờ. Nên đến với vùng đất này, du khách sẽ được chiêm ngưỡng những công trình mang dáng dấp của nước pháp. Trong đó, nổi bật là nhà thờ đá Tam Đảo với lối kiến trúc Gothic nổi tiếng được xây dựng từ năm 1937.
Một người bạn của tôi là TS. Nguyễn Tiến Long từng học tập, nghiên cứu tại Trường Học viện Khoa học Ứng dụng Quốc gia Rennes (INSA de Rennes), Cộng hòa Pháp đã đưa ra cảm nhận trong một lần về thăm Tam Đảo: “Khi khám phá nhà thờ đá Tam Đảo, bên tai tôi như vang lên những tiếng chuông của nhà thờ Notre-Dame de Paris, Saint- Corentin de Quimper, hay bất kỳ nhà thờ chúa Jesus nào khác mà khi ở châu Âu chúng tôi thường được nghe vào mỗi buổi sáng chủ nhật”. Có lẽ bởi những cảm nhận giống như thế, nên Tam Đảo luôn có sức hút đặc biệt với du khách châu Âu, nhất là du khách Pháp.
Sau khi khám phá nhà thờ đá Tam Đảo, là lúc tôi khám phá những cánh rừng nguyên sinh thuộc vườn quốc gia Tam Đảo. Cảnh rừng rậm nguyên sơ hòa quyện với lớp sương mù cùng những tia nắng được xuyên qua những kẽ lá, với tiếng suối chảy róc rách xa xa vọng lại giống như tiếng nhạc rừng. Hòa quyện trong âm thanh trong trẻo đó là những tiếng chim hót thánh thót… khiến tôi có cảm giác mình như đang lạc vào thế giới cổ tích.
Đang chưa tìm được “lối ra” từ thế giới cổ tích được tạo ra từ khu rừng Tam Đảo thì tôi choàng tỉnh bởi giọng nói trong vắt như tiếng suối chảy của cô gái dân tộc Cao Lan - cũng là người dẫn đường đưa tôi tiếp tục cuộc hành trình đến quần thể di tích và danh thắng Tây Thiên - một trong những nơi phát tích sớm nhất của Phật giáo Việt Nam. Trong đó, tiêu biểu là đền Tây Thiên nơi thờ Quốc Mẫu Lăng Thị Tiêu - vợ của Hùng Chiêu Vương, bà là người đã có công giúp vua trong những ngày đầu dựng nước và giữ nước. Tại đây bà đã kết duyên cùng hoàng tử Lang Liêu, vị hoàng tử đầy nghị lực và trí tuệ gắn liền với câu chuyện về sự tích bánh chưng, bánh dày, hai món ăn đã trở thành quốc hồn, quốc túy của dân tộc Việt Nam và là món ăn không thể thiếu của mỗi gia đình trong những ngày Tết Nguyên đán hay những dịp quan trọng…
Không thể nhắc đến điều đặc biệt trong hành trình khám phá Tam Đảo lần này là tôi đã được gặp gỡ, tiếp xúc với rất nhiều người dân tộc như Cao Lan, Sán Dìu, Tày Nùng… đang sinh sống tại huyện Tam Đảo, tỉnh Vĩnh Phúc. Họ giống như những hướng dẫn viên du lịch thực thụ khi chỉ đường cho chúng tôi đến từng địa điểm tại vùng đất này, đồng thời, chia sẻ bí quyết chế biến các món ăn từ những sản vật nổi tiếng tại địa phương như rau su su, gạo nếp, đỗ xanh… để tạo ra những món ăn hấp dẫn như cơm lam, bánh chưng gù đang có sức hấp dẫn đặc biệt với du khách mỗi lần đến đây.
Hành trình khám phá Tam Đảo trong 2 ngày cuối tuần đã kết thúc, nhưng những kỷ niệm về chuyến đi sẽ còn mãi. Chắc chắn rồi, tôi sẽ còn quay trở lại nơi đây vào một ngày không xa, bởi mỗi lần đến vùng đất này lại cho tôi một trải nghiệm vô cùng thú vị!
Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tam-dao-ve-dep-co-kinh-239505.html