Tâm điểm đầu tư mới của thị trường bất động sản phía Bắc

Trong bối cảnh giá đất tại các đô thị trung tâm tại Hà Nội, TP Hồ Chí Minh tăng nhanh và giữ giá ở mức cao, quỹ đất mới ngày càng khan hiếm, cơ hội đầu tư hiệu quả hạn chế, nhiều nhà đầu tư đang tích cực tìm kiếm những thị trường mới hội đủ ba yếu tố cốt lõi: Hạ tầng mở rộng, dư địa tăng giá lớn và tầm nhìn phát triển rõ ràng.

Theo khảo sát của Hiệp hội Bất động sản (BĐS) Việt Nam (Vnrea), thị trường BĐS Việt Nam giai đoạn 2024 - 2025 đang chứng kiến những dịch chuyển lớn về dòng vốn và tâm lý đầu tư khi: Lãi suất giảm, tiền nhàn rỗi trong xã hội ngày càng lớn, các kênh đầu tư như chứng khoán - vàng nhiều biến động, tạo áp lực dịch chuyển tài sản sang các kênh đầu tư ổn định hơn. Trong bối cảnh giá đất tại các đô thị trung tâm như Hà Nội và TP Hồ Chí Minh giảm dần dư địa, việc sáp nhập TP Hải Phòng với tỉnh Hải Dương đang tạo ra quỹ đất mới, trở thành tâm điểm thị trường phía Bắc.

TP Hải Phòng thuộc tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

TP Hải Phòng thuộc tốp đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.

TP Hải Phòng mới nhờ vào những bước chuyển mạnh mẽ về quy hoạch, kết nối, công nghiệp và đô thị hóa đang hội tụ đầy đủ những yếu tố kiến tạo nên "thập kỷ vàng" như: Hệ thống Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, cao tốc ven biển, cầu Hoàng Gia, sân bay Cát Bi, Cảng nước sâu Lạch Huyện… giữ vai trò mắt xích chiến lược trong chuỗi logistics quốc gia và quốc tế, khẳng định vị thế cửa ngõ giao thương trọng điểm của Việt Nam.

Bên cạnh đó, không gian phát triển đô thị mới quy mô lớn sau hợp nhất hai địa phương: Vũ Yên - Dương Kinh - Kiến Thụy… với mô hình đại đô thị sinh thái, đa chức năng; dòng vốn FDI chất lượng cao thuộc tốp đầu cả nước với 1.000 dự án FDI đến từ 40 quốc gia, vùng lãnh thổ… đang tạo nên nhu cầu lớn về nhà ở, dịch vụ và môi trường sống chất lượng cao.

Theo ông Bùi Văn Doanh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu BĐS Việt Nam, có 3 động lực phát triển tại tâm điểm thị trường BĐS phía Bắc mới này là: Hạ tầng được Chính phủ quan tâm đầu tư mạnh; những bài học chiến lược phát triển thị trường từ các đô trị lớn Hà Nội và TP Hồ Chí Minh; cơ hội đầu tư dài hạn đón đầu làn sóng mới rộng mở.

“Đón đầu thị trường BĐS phát triển tại Hải Phòng hiện nay là 2 khu vực đang triển khai đồng bộ các động lực trên là Vũ Yên ở phía Bắc, Đông Bắc Hải Phòng và Dương Kinh ở phía Nam thành phố. Đây là 2 khu đô thị mới được hình thành và đang thu hút mạnh sự quản tâm của các nhà đầu tư trong cả nước, với dư địa bước vào giai đoạn khởi đầu”, ông Bùi Văn Doanh nhận định.

Phân tích sâu hơn, TS. Nguyễn Văn Đính, Phó Chủ tịch Vnrea chia sẻ, Hải Phòng là thị trường mới nổi lên. Giai đoạn năm 2018 - 2019, khi cả thị trường BĐS Việt Nam bùng nổ, Hải Phòng “im ắng”, không có hoạt động sôi động. Đến năm 2021 - 2022, khi thị trường cả nước trầm lắng, Hải Phòng lại khởi sắc. Đặc biệt, từ năm 2023, Hải Phòng bắt đầu bứt phá, trở thành điểm sáng duy nhất của thị trường. Trong quý I/2025, TP Hải Phòng ghi nhận 16 dự án thấp tầng và căn hộ chung cư mở bán, cung cấp ra thị trường gần 3.400 sản phẩm, tăng gấp đôi so với cuối năm 2024 và tăng 93% so với cùng kỳ năm 2024.

Bước sang quý II/2025, thị trường tiếp tục duy trì sự “sôi động”, trong đó khoảng 70% nguồn cung thuộc phân khúc biệt thự, liền kề và nhà phố, tập trung chủ yếu tại khu vực phía Bắc thành phố như Thủy Nguyên, An Dương. Động lực tăng trưởng của thị trường này còn đến từ sự phát triển đồng bộ về hạ tầng và kinh tế, nhất là nhu cầu ở thực liên tục tăng cao về nhà ở cao cấp của tầng lớp trung và thượng lưu, các chuyên gia, kỹ sư làm việc dài hạn tại các khu công nghiệp. Việc sáp nhập Hải Dương và Hải Phòng cũng góp phần làm gia tăng nhu cầu nhà ở của đội ngũ cán bộ, công chức.

“Hiện nay, Hải Phòng đang trở thành tâm điểm thu hút nhiều ‘sếu đầu đàn’ của thị trường BĐS, nhiều doanh nghiệp BĐS lớn từ Nhật Bản, Hàn Quốc hay Việt Nam như Vingroup, Sun Group, Geleximco, BRG... đều đang tập trung về Hải Phòng để phát triển dự án. Các khu vực như Vũ Yên, Dương Kinh… đang tập trung nhiều dự án, sẽ tạo ra bộ mặt khác cho Hải Phòng, kéo theo sự tăng trưởng cao, tăng dân số chất lượng, tăng đầu tư kinh doanh, tạo sự khác biệt cho khai thác đầu tư BĐS địa phương”, TS Nguyễn Văn Đính cho hay.

Về vấn đề này, PGS. TS. Trần Đình Thiên, Thành viên Hội đồng tư vấn chính sách của Thủ tướng Chính phủ khẳng định, Hải Phòng là cực tăng trưởng phát triển hiệu quả ở phía Bắc. Sau khi sáp nhập Hải Phòng với Hải Dương, GRDP dự báo tăng trưởng khoảng 9 - 10%. TP Hải Phòng mới đang tạo ra những lợi thế như quy mô diện tích lớn, dân số lớn, GRDP tăng vượt, đưa địa phương từ vị trí thứ 5 lên thứ 3 cả nước.

Vân Sơn/Báo Tin tức và Dân tộc

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/kinh-te/tam-diem-dau-tu-moi-cua-thi-truong-bat-dong-san-phia-bac-20250714102929060.htm