Tạm đình chỉ lần 2 vụ án Agribank Cần Thơ: Mâu thuẫn & vi phạm tố tụng

Vụ án đã bước sang năm thứ tư. Cơ quan ANĐT đã ba lần Kết luận điều tra; VSKND TP. Cần Thơ đã ba lần ban hành Cáo trạng.

Ngày 10/6, Đại tá Nguyễn Văn Thảo, Phó Thủ trưởng thường trực Cơ quan An ninh điều tra (Công an TP Cần Thơ) ký quyết định số 100/QĐ “tạm đình chỉ điều tra” lần 2 vụ án hình sự xảy ra tại Agribank Cần Thơ. Lần tạm đình chỉ này cho thấy những mâu thuẫn và vi phạm pháp luật tố tụng hình sự.

Mâu thuẫn

Từ tháng 12/2015, Cơ quan An ninh Điều tra (CA TP Cần Thơ) khởi tố và lần lượt bắt tạm giam các bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân, Phạm Tường Thi, Nguyễn Văn Đạt (là GĐ doanh nghiệp và nhân viên kinh doanh - bên đi vay); Trần Huy Liệu, Bùi Tuấn Anh và Lê Thanh Hải (là các cán bộ Agirbank Cần Thơ - bên cho vay). Theo cáo buộc, các bị can đã gây thiệt hại cho Agirbank hơn 300 tỉ đồng; bị truy tố về tội “Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng” theo Điều 179 BLHS năm 1999.

Trong phiên xử sơ thẩm lần thứ hai ngày 8/8/2018, TAND TP. Cần Thơ trả hồ sơ điều tra bổ sung, yêu cầu “định giá lại tài sản thế chấp” trong quan hệ vay mượn giữa Agribank và nhóm bị cáo đi vay.

Một tháng sau, ngày 9/9/2018, Đại tá Nguyễn Văn Thảo ký các quyết định “tạm đình chỉ điều tra” vụ án hình sự và bị can lần thứ nhất, với lý do “thời hạn điều tra đã hết, trong khi yêu cầu của Tòa về việc định giá tài sản chưa có kết quả”.

Phục hồi điều tra do yêu cầu định giá tài sản có kết quả từ ngày 6/12/2018

Phục hồi điều tra do yêu cầu định giá tài sản có kết quả từ ngày 6/12/2018

Ngày 10/12/2018, khi có Kết luận định giá tài sản số 19/KL.ĐGTS ngày 6/12/2018, Đại tá Thảo lại ký quyết định phục hồi điều tra vụ án hình sự và các bị can sau ba tháng tạm đình chỉ.

Nhận được “Thông báo về nội dung kết luận định giá tài sản”, ông Nguyễn Văn Kịch (cha đẻ của bị can Nguyễn Huỳnh Đạt Nhân) lập tức có “Đơn khiếu nại khẩn cấp” không đồng ý và đề nghị hủy bỏ các kết luận định giá tài sản mà Cơ quan ANĐT thông báo. Tuy nhiên, Cơ quan ANĐT có văn bản bác bỏ đề nghị này, vì cho rằng đã định giá đúng quy định?

Thế nhưng Quyết định số 100/QĐ “tạm đình chỉ điều tra” lần 2 ngày 10/6/2019 lại tiếp tục lý do “Yêu cầu định giá lại tài sản chưa có kết quả nhưng thời hạn điều tra đã hết”, như cách đây đúng 9 tháng?

Kết quả định giá ngày 6/12/2018 không được công nhận và bị hủy?

Kết quả định giá ngày 6/12/2018 không được công nhận và bị hủy?

Kết quả định giá lại tài sản đã có từ ngày 06/12/2018, thì còn định giá lại ở đâu nữa? Có quyết định nào không công nhận kết quả định giá này hay không? Vì sao các bị can và những người liên quan không hề biết tài sản của họ đang được định giá lại một lần nữa?

Rõ ràng, việc định giá đã thể hiện sự mâu thuẫn.

Vi phạm tố tụng

Sáu bị can trong vụ án bị điều tra, truy tố về tội “vi phạm các quy định cho vay của các tổ chức tín dụng” quy định tại khoản 3, điều 179 BLHS năm 1999 thuộc trường hợp ‘đặc biệt nghiêm trọng”. Do vậy thời hạn phục hồi điều tra trong vụ án này không quá ba tháng (từ 10/12/2018 đến 10/3/2019)

Tuy nhiên những trường hợp cần gia hạn điều tra do tính chất phức tạp của vụ án thì Cơ quan điều tra phải có văn bản đề nghị VKS gia hạn. Đối với tội phạm “đặc biệt nghiêm trọng” thì VKS có quyền gia hạn một lần, nhưng không quá ba tháng.

Nghĩa là, tổng thời gian điều tra vụ án này kể cả gia hạn có thể kéo dài từ 10/12/2018 đến 10/6/2019.

Những người liên quan trong vụ án không nhận được quyết định gia hạn điều tra.

Những người liên quan trong vụ án không nhận được quyết định gia hạn điều tra.

Trong khi đó, những người liên quan trong vụ án này cho biết, họ không hề nhận được đề nghị gia hạn điều tra của Cơ quan ANĐT và Quyết định gia hạn điều tra của VKSND TP. Cần Thơ?

Nếu không có quyết định gia hạn điều tra là vi phạm tố tụng. Nếu có ban hành mà không gửi cho họ thì mức độ vi phạm càng nghiêm trọng hơn.

Vụ án đã bước sang năm thứ tư. Cơ quan ANĐT đã ba lần Kết luận điều tra; VSKND TP. Cần Thơ đã ba lần ban hành Cáo trạng, và TANDTP. Cần Thơ cũng đã ba lần trả hồ sơ, và lần nào cũng yêu cầu định giá lại tài sản thế chấp.

Theo TTCP, khu đất 12 Nguyễn Trãi giá khởi điểm 233 tỉ đồng, nhưng cơ quan pháp luật trưng cầu định giá 104 tỉ đồng.

Theo TTCP, khu đất 12 Nguyễn Trãi giá khởi điểm 233 tỉ đồng, nhưng cơ quan pháp luật trưng cầu định giá 104 tỉ đồng.

Sự nghi ngờ của Tòa là có cơ sở, bởi việc định giá tài sản của CQ ANĐT và VKS trưng cầu “thấp tới mức không thể thấp hơn” so với giá trị thực. Chỉ riêng khu đất số 12, Nguyễn Trãi, TP Cần Thơ được Thanh tra Chính phủ kết luận giá khởi điểm 233 tỉ đồng năm 2010, nhưng cơ quan tố tụng trưng cầu định giá chỉ hơn 104 tỉ đồng. Nhiều bất động sản khác được định giá chưa bằng 50%, 29%, thậm chí 14% so với mức giá mà các bên giao dịch.

Như VOV đã có loạt bài phân tích, trong vụ án này Cơ quan ANĐT CA TP.Cần Thơ đã điều tra sai thẩm quyền. Với cách tính lấy số tiền vay cả gốc và lãi trừ đi giá trị tài sản thế chấp thành con số thiệt hại, Cơ quan ANĐT, VKSND TP Cần Thơ đã không thuyết phục được HĐXX sau hai lần xử sơ thẩm. Vì vậy đến nay vụ án vẫn tiếp tục kéo dài mà chưa có hồi kết thúc./.

Nhóm PV/VOV-ĐBSCL

Nguồn VOV: https://vov.vn/phap-luat/tam-dinh-chi-lan-2-vu-an-agribank-can-tho-mau-thuan-vi-pham-to-tung-920370.vov