Tạm dừng thi công công trình nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng
Trước tình trạng sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, chính phủ đã yêu cầu tạm dừng thi công, tập trung khắc phục việc sạt lở.
Phó thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành đã ký Công điện số 1542/CĐ-TTg ngày 7/11/2021 gửi các Bộ: Công Thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Xây dựng, Khoa học và Công nghệ; UBND tỉnh Hòa Bình; Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) về việc khắc phục sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Theo báo cáo nhanh của EVN - chủ đầu tư Dự án nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng, khoảng 3h sáng ngày 06/11/2021 đã xảy ra sạt lở đất tại khu vực thi công hố móng Dự án với khối lượng ước tính khoảng trên 80.000 m3, gây lấp cửa hầm phụ thi công công trình, không gây thiệt hại về người, chưa ảnh hưởng đến an toàn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu và các công trình quan trọng trong khu vực.
Toàn cảnh công trình thủy điện Hòa Bình. Ảnh: internet
Để tập trung khắc phục sự cố sạt lở đã xảy ra, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân và bảo đảm an toàn cho các công trình, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành yêu cầu Bộ Công Thương chỉ đạo EVN phối hợp đơn vị tư vấn thiết kế, tư vấn giám sát, nhà thầu thi công công trình và Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình triển khai ngay các biện pháp phù hợp để xử lý, khắc phục sạt lở, tuyệt đối không để nguy hiểm đến tính mạng người dân trong khu vực; không để xảy ra sạt lở lớn ảnh hưởng đến an toàn của Nhà máy thủy điện Hòa Bình hiện hữu và tượng đài Bác Hồ.
Đồng thời Bộ Công Thương và UBND tỉnh Hòa Bình kiểm tra việc chấp hành tạm dừng thi công và thực hiện các biện pháp bảo đảm an toàn của chủ đầu tư và các đơn vị thi công theo kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành tại buổi làm việc ngày 30/10/ 2021 về sạt lở khu vực thi công hố móng công trình Nhà máy thủy điện Hòa Bình mở rộng.
Theo báo cáo của EVN tại buổi làm việc ngày 30/10/2021, công trình xây dựng cấp đặc biệt này được khởi công từ ngày 10/1/2021, là công trình có ý nghĩa quan trọng nhằm tăng khả năng phát công suất phủ đỉnh, nâng cao khả năng điều tần, ổn định cho hệ thống điện quốc gia.
Công trình có công suất thiết kế 480 MW, được xây dựng trong địa phận thành phố Hòa Bình, sử dụng chung hồ chứa đập dâng, đập tràn với công trình Thủy điện Hòa Bình hiện hữu. Cho đến nay, các đơn vị thi công đã hoàn thành đắp đê quây thượng lưu, đang triển khai thi công đào hố móng nhà máy, đào hầm phụ phục vụ thi công hầm dẫn nước, đào hố móng cửa nhận nước,..., với tổng khối lượng đào đạt khoảng 1,63 triệu m3/3,55 triệu m3 theo thiết kế, cơ bản đáp ứng mục tiêu tiến độ đã được phê duyệt.
Về ảnh hưởng của mưa kéo dài từ ngày 10-20/10,theo EVN, tổng lượng mưa tại khu vực đồi Ông Tượng trong thời gian này là 426,8 mm. Mưa kéo dài kèm theo địa hình giữa hai khe tụ thủy làm đất bão hòa nước trong thời gian dài, dẫn tới hiện tượng sạt trượt đất đá tại một số điểm gần hố móng công trình Nhà máy Thủy điện Hòa Bình mở rộng. EVN nhận định, hiện tượng sạt trượt không ảnh hưởng đến an toàn đập chính của Nhà máy Thủy điện Hòa Bình và các công trình hiện hữu quan trọng xung quanh, không làm thiệt hại đến người, thiết bị thi công, nhưng có nguy cơ ảnh hưởng đến tiến độ thi công công trình.
EVN và các đơn vị trên công trường cam kết sẽ xử lý hiện tượng sạt trượt do ảnh hưởng mưa lũ để đảm bảo an toàn cho công trường và các công trình quan trọng xung quanh, tiếp tục theo dõi để giảm thiểu những thiệt hại do thiên tai gây ra, đảm bảo tiến độ thi công công trình.
EVN cũng đề xuất một số giải pháp cần thực hiện ngay như: thực hiện thi công xử lý đào, xúc đất đá giảm tải khối sạt, tránh nguy cơ khối sạt lan rộng.
Tại buổi làm việc, lãnh đạo các bộ, ngành và các chuyên gia đánh giá cao tiến độ thi công công trình và cho rằng, hiện tượng sạt trượt hiện tại chưa có nguy cơ ảnh hưởng đến an toàn hồ đập nhưng nếu không được xử lý đúng, kịp thời, có thể ảnh hưởng đến các công trình quan trọng xung quanh.
Ghi nhận các ý kiến, kết luận cuộc họp, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành cho rằng, việc sạt lở, dịch chuyển địa tầng địa chất do nhiều nguyên nhân như mưa lớn kéo dài, do yếu tố tự nhiên, nhưng phần nào đó cũng có thể do có ảnh hưởng trong quá trình thi công. Do đó, phải thận trọng, bình tĩnh, nghiên cứu và đánh giá đúng nguyên nhân, không nóng vội trong giải quyết vấn đề bởi thời gian tới sẽ còn phải tiếp tục thi công với khối lượng lớn hơn nhiều lần.
Phó Thủ tướng yêu cầu phải bảo đảm tuyệt đối an toàn cho công trình Thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình; giữ gìn cảnh quan, kiến trúc, an toàn cho các công trình trong khu vực, đặc biệt là Tượng đài Bác Hồ (trên đồi Ông Tượng). Trong quá trình thi công, phải bảo đảm an toàn tuyệt đối cho công nhân. Cần rà soát kỹ các yếu tố ảnh hưởng đến an toàn của công trình, an toàn hồ đập Nhà máy Thủy điện Hòa Bình.
Phó Thủ tướng nhất trí với kiến nghị của các nhà khoa học và các Bộ, ngành, trước mắt tạm dừng thi công trên công trường để đảm bảo an toàn cho công nhân thi công, thực hiện các giải pháp ngăn nước mưa đổ dồn vào khe nét, khẩn trương rà soát, đánh giá kỹ lưỡng lại toàn bộ quá trình thiết kế, thi công.
Việc thi công trở lại, cũng được Phó thủ tướng Chính phủ giao Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng quyết định trên cơ sở bảo đảm an toàn tuyệt đối cho Nhà máy thủy điện Hòa Bình, nhất là đập thủy điện Hòa Bình và an toàn tuyệt đối đối với tượng đài Bác Hồ.
Ủy ban nhân dân tỉnh Hòa Bình chỉ đạo các cơ quan liên quan của Tỉnh hỗ trợ và phối hợp chặt chẽ với Chủ đầu tư xử lý kịp thời những phát sinh tại công trường bảo đảm an toàn cho người và tài sản tại công trình cũng như thực hiện các giải pháp bảo đảm an toàn tuyệt đối đối với Nhà máy thủy điện Hòa Bình và tượng đài Bác Hồ.