Tạm dừng thi công thí điểm nạo vét 'điểm nóng' về môi trường tại âu thuyền lớn nhất miền Trung
Ngày 21/4, Giám đốc Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng - ông Nguyễn Minh Huy cho biết, đơn vị đang tạm dừng thi công thí điểm công trình nạo vét âu thuyền và cảng cá Thọ Quang (quận Sơn Trà, thành phố Đà Nẵng) để chờ mặt bằng thi công đại trà.
Thực hiện nghiêm ngặt quy trình nạo vét
Cụ thể, Ban quản lý Dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông Đà Nẵng đã họp với lực lượng bộ đội biên phòng, Ban Quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang phối hợp di dời, sắp xếp các tàu thuyền đang neo đậu để có mặt bằng thi công từng ô theo đúng phương án được duyệt.
Ông Nguyễn Minh Huy cho biết một số chủ tàu không ở địa phương nên phải chờ liên hệ, trường hợp sau thời gian thông báo họ không tự di chuyển thì lực lượng chức năng sẽ lai dắt tàu đến chỗ khác để có mặt bằng thi công. Dự kiến đến tuần sau, việc nạo vét có thể được nối lại.
Qua mấy ngày thí điểm, khu vực nhấn chìm rất ổn định, bùn lắng trong phạm vi theo phương đứng và không có dòng chảy ngầm nên không lan ra xung quanh.
Cũng theo ông Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng, âu thuyền Thọ Quang trước đây là "điểm nóng" về ô nhiễm môi trường. Để khắc phục điểm nóng này, thành phố đã ban hành kế hoạch triển khai rất cụ thể với lộ trình 5 năm, trong đó có Dự án nhận chìm chất nạo vét ở âu thuyền Thọ Quang.
Sở Tài nguyên và Môi trường là cơ quan tham mưu cho Ủy ban nhân dân thành phố phê duyệt đánh giá tác động môi trường và phê duyệt khu vực nhận chìm chất nạo vét nên đã hết sức thận trọng; khi thi công nếu không đảm bảo các quy định, quy trình, phương pháp thi công không khoa học sẽ gây nguy cơ phát sinh ô nhiễm.
Khu vực Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang. Ảnh: Vneconomy
Công tác xử lý ô nhiễm Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang được tập trung vào 03 nhóm công việc chính, đó là quản lý chất thải rắn và vệ sinh môi trường; xử lý nước thải và cải thiện chất lượng nước mặt; xử lý mùi hôi và khí thải. Với chức năng cơ quan quản lý chuyên ngành, Sở Tài nguyên & Môi trường Đà Nẵng được thành phố giao là cơ quan đầu mối tổng hợp, tổ chức họp hàng quý để đánh giá kết quả và báo cáo UBND thành phố, đề xuất các vấn đề vướng mắc.
Theo ông Tô Văn Hùng, công tác đánh giá tác động môi trường để thực hiện nạo vét, vận chuyển, lựa chọn vị trí nhấn chìm gần 350 nghìn m3 bùn lẫn cát dưới đáy Âu thuyền Thọ Quang là công việc phải làm hết sức thận trọng. Công việc này đã được thành phố giao cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị. Quá trình lựa chọn vị trí nhấn chìm, đơn vị tư vấn phải dùng nhiều mô hình để tính toán khả năng lan truyền bùn ra xung quanh sao cho việc nhấn chìm bùn không ảnh hưởng đến hệ sinh thái biển bởi vịnh Đà Nẵng là một vị trí hết sức nhạy cảm về môi trường và tài nguyên biển.
Để thực hiện, từ Ban quản lý dự án đến đơn vị tư vấn phải thực hiện rất nhiều quy trình, trong đó có áp dụng phương pháp nạo vét hút bùn rồi dùng sà lan vận chuyển bùn đến vị trí cho phép nhận chìm. Quá trình hút bùn phải có hệ thống lưới vây để ngăn chặn bùn phát tán ra khu vực xung quanh. Toàn bộ quá trình phải gắn vào hệ thống định vị để theo dõi.
Đồng thời, tong suốt quá trình triển khai dự án, thành phố thành lập tổ giám sát, quá trình thi công nếu có nguy cơ xảy ra ô nhiễm thì phải dừng ngay toàn bộ các hoạt động trên công trường để tiếp tục tìm kiếm giải pháp phù hợp hơn.
Trước đó, từ giữa tháng 4/2022, dự án thi công thí điểm với 2 tàu múc và 4 tàu sà lan cỡ lớn. Sau khi được múc từ âu thuyền, lớp bùn thải sẽ được đưa lên sà lan, di chuyển ra khu vực nhận chìm để xả đáy.
Chất nạo vét sẽ được nhận chìm tại khu vực biển có tọa độ cách phao số 0 khoảng 12km. Các cửa xả ở dưới đáy sà lan được mở để xả chất nạo vét xuống biển ở độ sâu khoảng 30m.
Điểm "nóng" về ô nhiễm môi trường
Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang là một trong những trung tâm thương mại, dịch vụ nghề cá lớn nhất tại khu vực miền Trung - Tây Nguyên hiện nay. Tuy nhiên, đây lại là một trong những điểm nóng về ô nhiễm môi trường trầm trọng nhất tại Đà Nẵng, kéo dài, dai dẳng qua nhiều năm.
Cảnh rác thải la liệt tràn lan trên các bờ kè, mặt nước âu thuyền. Mùi hôi tanh nồng nặc từ mặt nước, cống rãnh khắp nơi từ âu thuyền đến chợ cá. Môi trường nước xung quanh cảng đen ngòm, khung cảnh âu thuyền, cảng cá vô cùng nhếch nhác... là những thứ được coi như là "đặc sản" tại âu thuyền và cản cá Thọ Quang. Mặc dù công nhân vệ sinh và các CLB môi trường thường xuyên thu gom rác thải nhưng “không xuể” bởi lượng rác quá lớn.
Ô nhiễm nước thải, rác thải nghiêm trọng ở Âu thuyền Thọ Quang (Đà Nẵng) đã tồn tại nhiều năm qua. Ảnh: Báo Đầu tư
Theo ông Ngô Văn Cát, Phó Trưởng Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cho biết, trong quá trình triển khai các hoạt động bảo vệ môi trường, các cơ quan, đơn vị chức năng ngoài những hoạt động thường xuyên, còn tổ chức các buổi tập huấn kiến thức, kỹ năng liên quan đến bảo vệ môi trường cho các tổ chức, cá nhân hoạt động tại đây.
Ban quản lý đã yêu cầu 100% các tổ chức, cá nhân buôn bán, làm ăn tại khu vực âu thuyền và cảng cá ký cam kết không vứt rác, phóng uế, chất thải ra môi trường. Ban quản lý thành lập Tổ giám sát hoạt động bảo vệ môi trường với sự tham gia của ngư dân, các tiểu thương, cơ sở sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp.
Chính bà con là người trực tiếp giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân gây ra ô nhiễm môi trường để báo cho các đơn vị có liên quan xử lý. Đây là bước chuyển đáng kể, góp phần nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của cộng đồng trong việc bảo vệ môi trường nói chung.
Ban quản lý âu thuyền và cảng cá Thọ Quang cũng đã thành lập Đội môi trường. Hiện, Đội môi trường hoạt động thường xuyên, được trang bị cơ bản các công cụ, dụng cụ thiết yếu, làm việc cả ngày nghỉ, lễ, tết nhằm đáp ứng kịp thời việc dọn vệ sinh, không để rác tồn đọng gây ô nhiễm môi trường. Để hạn chế mùi hôi, đơn vị tập trung kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm, không để tồn đọng rác, nước thải và hạn chế tối đa hải sản rơi vãi trong quá trình buôn bán, vận chuyển.
Đồng thời, hiện nay, Ban quản lý đã nghiêm cấm, không cho sơ chế, chế biến trong khu vực cảng cá và chợ đầu mối. Ít nhất 2 ngày/lần đơn vị đều cho tiến hành phun vi sinh khử mùi tại các khu vực chợ, nhà chứa rác và các cầu cảng, sử dụng dung dịch nước điện giải để vệ sinh, khử mùi nhằm hạn chế mùi hôi, vi sinh vật, côn trùng phát triển.
Ngoài ra, Ban quản lý cũng lắp đặt hệ thống gồm 18 camera quan sát toàn bộ khu vực và phân công trực giám sát thường xuyên để kịp thời phát hiện xử lý vi phạm. Ban quản lý cũng mua bổ sung 100 thùng rác và 300 sọt rác đặt tại các vị trí cần thiết để ngư dân khi vào cảng và người mua bán có nơi để bỏ rác.
Tuy nhiên, dù đã áp dụng nhiều giải pháp xử lý nhưng tình trạng ô nhiễm môi trường tại âu thuyền Thọ Quang vẫn không giảm. Năm 2016, qua kết quả phân tích chất lượng nước thải do Trung tâm Kỹ thuật Môi trường Đà Nẵng thực hiện, các thông số ô nhiễm đều vượt quy chuẩn cho phép.
Cụ thể: nước thải sau hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cảng cá, các chỉ số như COD vượt 2,03 lần, Ni tơ vượt 3,7 lần, NH4-N vượt 4,04 lần, Photpho vượt 1,23 lần... Nước thải tại hệ thống thoát nước mưa nội bộ của chợ cá tại điểm thải ra âu thuyền, các thông số ô nhiễm cũng vượt quy chuẩn rất cao.
Âu thuyền Thọ Quang được TP Đà Nẵng đầu tư xây dựng và đưa vào sử dụng từ năm 2004 với 58 ha mặt nước và 25 ha mặt đất, đảm bảo cho khoảng 1.000 tàu cá neo đậu, tránh trú bão. Gần 12 năm qua, âu thuyền đã rơi vào tình trạng quá tải tàu thuyền. Những ngày mưa bão, âu thuyền Thọ Quang dày đặc tàu cá. Ô nhiễm môi trường cũng vì thế mà tăng đột biến.