Tam Dương đẩy mạnh mục tiêu giảm nghèo bền vững

Thời gian qua, công tác giảm nghèo bền vững luôn được huyện Tam Dương chú trọng triển khai bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, từng bước cải thiện, nâng cao chất lượng đời sống hộ nghèo trên địa bàn, góp phần đảm bảo an sinh xã hội. Tam Dương phấn đấu đến cuối năm 2025, tỷ lệ hộ nghèo đa chiều toàn huyện còn dưới 0,7%.

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình anh Nguyễn Văn Hướng, thôn Trấu, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh : Kim Ly

Nhờ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình anh Nguyễn Văn Hướng, thôn Trấu, xã Hoàng Đan, huyện Tam Dương phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo. Ảnh : Kim Ly

Để đạt mục tiêu đề ra, huyện Tam Dương tiếp tục thực hiện các chính sách tín dụng ưu đãi cho hộ nghèo, hộ cận nghèo, hộ mới thoát nghèo theo quy định tại Nghị định số 78/2002 của Chính phủ về tín dụng đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác; Quyết định số 12 của Hội đồng quản trị Ngân hàng CSXH về nâng mức cho vay và thời hạn cho vay tối đa đối với hộ nghèo, đảm bảo các đối tượng hộ nghèo có nhu cầu được vay vốn, đáp ứng nhu cầu vốn phục vụ sản xuất, kinh doanh…

Ngoài ra, tạo điều kiện cho hộ nghèo, hộ cận nghèo được tiếp cận các nguồn vốn tín dụng ưu đãi để hộ nghèo, cận nghèo có nhu cầu vay vốn mua sắm vật tư, thiết bị, giống cây trồng, vật nuôi.

Trong năm 2021, Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương đã cho 99 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh, đến nay, huyện Tam Dương đã bố trí kinh phí hỗ trợ 74 người thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo.

Không chỉ giúp người nghèo về vốn, huyện còn phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, làm trang trại; tổ chức tham quan, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả nhằm khuyến khích bà con nông dân tiếp thu kiến thức về khoa học kỹ thuật, cách thức phát triển kinh tế để giúp tăng gia, sản xuất mang lại hiệu quả cao.

Thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ sản xuất cho hộ nghèo, ưu tiên hộ nghèo có phụ nữ, người khuyết tật, người dân tộc thiểu số. Trong đó, tập trung chỉ đạo thực hiện tốt một số chính sách hỗ trợ hộ nghèo, người nghèo; hỗ trợ giống để chuyển đổi vật nuôi, cây trồng có giá trị kinh tế cao; hỗ trợ lãi suất, vật tư, dịch vụ phục vụ sản xuất nông-lâm nghiệp, dịch vụ thú y, phòng dịch để tạo cơ hội cho người nghèo ổn định sản xuất.

Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ người nghèo, cận nghèo tiếp cận với các dịch vụ về y tế, chăm sóc sức khỏe như chính sách hỗ trợ hộ nghèo, hộ cận nghèo mua thẻ bảo hiểm y tế. Riêng năm 2021, huyện đã cấp 435 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo; hơn 1.100 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và 20 thẻ BHYT cho người dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Chính sách chăm sóc sức khỏe và phát triển dân số; chính sách đảm bảo các quyền của trẻ em; chính sách hỗ trợ người nghèo về nhà ở; chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho con em hộ nghèo tại các trường mầm non, tiểu học, THCS cũng được huyện đồng bộ phối hợp với các cấp, các ngành triển khai thực hiện tốt.

Công tác giải quyết, tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề… được chú trọng, nhằm tạo điều kiện, ưu tiên cho lao động thuộc các hộ nghèo. Hằng năm, huyện giải quyết việc làm mới cho hơn 3.000 lao động ở tất cả các lĩnh vực. Công tác xuất khẩu lao động được đẩy mạnh, trên toàn huyện có hơn 1.000 người đi xuất khẩu lao động.

Trên địa bàn huyện, việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế cũng được triển khai mạnh mẽ, hướng người dân phát triển chăn nuôi, hình thành các trang trại, gia trại nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân. Việc chuyển đổi sang mô hình trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp đã khiến số lượng trang trại, gia trại cũng như đàn gia súc, gia cầm trên địa bàn huyện tăng mạnh.

Với lĩnh vực trồng trọt, nhiều địa phương đã sản xuất rau, quả theo hướng hàng hóa hợp tác xã như các xã Vân Hội, Kim Long, An Hòa… đem lại thu nhập cao cho người dân bằng việc được hỗ trợ về vốn, hướng dẫn kiến thức và lựa chọn được hướng phát triển kinh tế phù hợp, các hộ nghèo của huyện dần vươn lên thoát nghèo.

Theo số liệu tính đến cuối năm 2021, qua điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Tam Dương còn hơn 400 hộ nghèo, chiếm 1,15%.

Thời gian tới, huyện tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội để hỗ trợ giảm nghèo; tạo điều kiện để hộ nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập.

Đồng thời, phấn đấu một số mục tiêu cụ thể trong năm 2022 như giảm khoảng 108 hộ nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,3%; giảm 80-100 hộ cận nghèo, tỷ lệ giảm trung bình là 0,2-0,3%; đến cuối năm 2022, 100% số xã đạt tiêu chí về tỷ lệ hộ nghèo theo quy định của Bộ tiêu chí quốc gia xã đạt chuẩn NTM giai đoạn 2021-2025; 100% hộ nghèo, hộ cận nghèo có nhu cầu được ưu tiên vay vốn tín dụng ưu đãi để đầu tư sản xuất, phát triển kinh tế…

Linh Anh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/78570/tam-duong-day-manh-muc-tieu-giam-ngheo-ben-vung.html