Tam Dương nỗ lực giảm nghèo bền vững

Những năm qua, công tác giảm nghèo được huyện Tam Dương triển khai thực hiện bằng nhiều giải pháp thiết thực, hiệu quả, với mục tiêu đẩy nhanh tốc độ giảm nghèo bền vững, hạn chế tái nghèo và phát sinh hộ nghèo mới, từng bước cải thiện, nâng cao đời sống của người nghèo trên địa bàn huyện, góp phần đảm bảo an sinh xã hội.

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương, gia đình chị Nguyễn Thị Hảo, thôn Lỉnh Dầu, xã Đồng Tĩnh đầu tư chăn nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao và thoát nghèo bền vững. Ảnh: Kim Ly

Từ nguồn vốn vay của Ngân hàng CSXH huyện Tam Dương, gia đình chị Nguyễn Thị Hảo, thôn Lỉnh Dầu, xã Đồng Tĩnh đầu tư chăn nuôi bò sữa cho hiệu quả kinh tế cao và thoát nghèo bền vững. Ảnh: Kim Ly

Để thực hiện hiệu quả công tác giảm nghèo, năm 2021, Ngân hàng CHXH huyện Tam Dương đã cho 99 lượt hộ nghèo, cận nghèo và hộ mới thoát nghèo vay vốn với số tiền hơn 7,1 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết số 14 của HĐND tỉnh, đến nay, huyện Tam Dương đã bố trí kinh phí hỗ trợ 74 người thuộc hộ gia đình không có khả năng thoát nghèo.

Không chỉ giúp người nghèo về vốn, huyện còn phối hợp với các ngành chức năng mở nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật về trồng trọt, chăn nuôi, làm trang trại; tổ chức tham quan, học tập các mô hình kinh tế có hiệu quả. Sau khi được học nghề, tiếp thu được kiến thức khoa học, cách phát triển kinh tế nên nhiều người đã có việc làm, tăng thu nhập cho gia đình.

Huyện còn triển khai đồng bộ các giải pháp tạo điều kiện cho người nghèo được tiếp cận đầy đủ các dịch vụ xã hội cơ bản như y tế, giáo dục, nhà ở... Năm 2021, huyện đã cấp 435 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ nghèo; 1.122 thẻ BHYT cho đối tượng thuộc hộ cận nghèo và 20 thẻ cho người dân tộc thiểu số.

Hỗ trợ tiền điện cho 241 hộ nghèo với tổng số tiền 147,4 triệu đồng. Chính sách miễn giảm học phí và các khoản đóng góp cho con em hộ nghèo tại các trường mầm non, tiểu học, THCS; chính sách vay vốn đối với sinh viên thuộc hộ nghèo, hộ khó khăn được triển khai thực hiện tốt.

Ngoài ra, các hộ nghèo còn thường xuyên được các ban, ngành, địa phương thăm hỏi, động viên, tặng quà vào những dịp lễ, Tết; cứu trợ kịp thời đối với những hộ có khó khăn đột xuất.

Công tác giải quyết việc làm được chú trọng, nhằm tạo điều kiện cho người dân thoát nghèo bền vững. Hằng năm, huyện giải quyết việc làm mới cho hơn 3.000 lao động ở tất cả các lĩnh vực. Công tác xuất khẩu lao động (XKLĐ) được đẩy mạnh. Hiện toàn huyện có hơn 1.000 người đi XKLĐ. Các hoạt động tư vấn, giới thiệu việc làm, đào tạo nghề, cho vay vốn được quan tâm và luôn ưu tiên cho lao động thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo.

Cùng với thực hiện tốt các chính sách ưu đãi đối với hộ nghèo, huyện Tam Dương đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Huyện hướng người dân phát triển chăn nuôi, hình thành các trang trại, gia trại nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân.

Người dân đã mạnh dạn chuyển đổi từ mô hình trang trại trồng cây lâm nghiệp sang mô hình trang trại chăn nuôi, trang trại tổng hợp, do đó, số lượng trang trại, gia trại cũng như đàn gia súc, gia cầm tăng mạnh.

Đối với trồng trọt, nhiều xã đã sản xuất rau, quả theo hướng hàng hóa như Vân Hội, Kim Long, An Hòa… đem lại thu nhập cao cho người dân. Nhờ có vốn, kiến thức và lựa chọn được hướng phát triển kinh tế phù hợp, các hộ nghèo của huyện dần vươn lên thoát nghèo.

Những năm gần đây, huyện cũng chú trọng đến phát triển công nghiệp. Sự xuất hiện của các khu công nghiệp, các công ty, doanh nghiệp đóng trên địa bàn là cơ hội tạo việc làm cho người lao động, người nghèo để có mức thu nhập ổn định, thường xuyên.

Trước đây, gia đình anh Nguyễn Văn Hướng, xã Hướng Đạo thuộc diện hộ nghèo, kinh tế gia đình luôn trong tình trạng khó khăn, thiếu thốn. Trước hoàn cảnh của gia đình anh Hướng, cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương đã tạo điều kiện để gia đình anh tiếp cận với nguồn vốn vay tín dụng từ Ngân hàng CSXH và tham gia các lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi nên bản thân anh đã có thêm kiến thức tổ chức sản xuất, áp dụng kỹ thuật, phòng trừ dịch bệnh cho đàn gia súc, gia cầm.

Tận dụng lợi thế đất vườn, ao của gia đình rộng rãi, anh Hướng đã cải tạo xây dựng chuồng trại, sử dụng 100 triệu đồng vốn vay từ Ngân hàng CSXH mua 2 con trâu cùng gà, vịt giống. Với sự chăm chỉ, chịu khó tích lũy kinh nghiệm trong chăn nuôi, đàn gia súc, gia cầm của gia đình anh phát triển tốt.

Mỗi năm, gia đình anh Hướng xuất bán 1 con trâu với giá 30-35 triệu đồng cùng 2-3 lứa gà, vịt; tổng thu nhập đạt hơn 100 triệu đồng. Gia đình anh đã thoát nghèo, kinh tế dần ổn định.

Với những giải pháp trên, đến cuối năm 2021, qua điều tra, rà soát hộ nghèo, hộ cận nghèo tiếp cận đa chiều giai đoạn 2021-2025, toàn huyện Tam Dương còn 414 hộ nghèo, chiếm 1,15%.

Thời gian tới, huyện Tam Dương tiếp tục tập trung thực hiện đồng bộ, có hiệu quả các dự án, chính sách phát triển kinh tế-xã hội để hỗ trợ giảm nghèo; tạo điều kiện để người nghèo, cận nghèo phát triển sản xuất, tăng thu nhập; tiếp cận các dịch vụ xã hội cơ bản về y tế, giáo dục, nhà ở, nước sinh hoạt, vệ sinh môi trường...

Diệu Linh

Nguồn Vĩnh Phúc: http://baovinhphuc.com.vn/xa-hoi/73726/tam-duong-no-luc-giam-ngheo-ben-vung.html