Tam giác Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh bắt tay tìm giải pháp hồi phục sau đại dịch
'Không quan trọng địa phương nào đóng góp nhiều, địa phương nào đóng góp ít. Khi có vấn đề vướng mắc cùng ngồi lại để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất...'
Hội nghị hợp tác phát triển giữa Hải Phòng, Hải Dương và Quảng Ninh
Ngày 13/3, Hội nghị hợp tác giữa 3 tỉnh, Hải Dương, Hải Phòng và Quảng Ninh giai đoạn 2022 – 2025 đã được tổ chức tại thành phố Chí Linh, tỉnh Hải Dương.
Phát biểu tại hội nghị, ông Phạm Xuân Thăng, Bí thư Tỉnh ủy Hải Dương khẳng đỉnh: “Thời gian qua, chương trình hợp tác phát triển giữa 3 tỉnh, thành phố là Hải Dương, Hải Phòng, Quảng Ninh đã đạt được những kết quả có ý nghĩa quan trọng. Việc nâng cao hiệu quả hợp tác giữa các địa phương sẽ phát huy vai trò là những đầu tàu, cực tăng trưởng, địa bàn động lực, góp phần quan trọng, xứng đáng vào sự phát triển của vùng kinh tế trọng điểm Bắc Bộ, vùng đồng bằng sông Hồng và cả nước”.
HOÀN THIỆN HÀNG LOẠT TUYẾN GIAO THÔNG TRỌNG ĐIỂM
Hiện, về kết nối hạ tầng giao thông, Hải Dương và Quảng Ninh, Hải Phòng đã hoàn thành nhiều tuyến giao thông xóa bỏ ngăn cách các vùng huyện, thành phố, thị xã tiếp giáp giữa các tỉnh, thuận lợi cho lưu thông giao thương.
Đó là cầu Triều, cầu Mây và đường dẫn nối quốc lộ 18 (thị xã Đông Triều, Quảng Ninh) với QL5 và thị xã Kinh Môn, Hải Dương; xây dựng tuyến kết nối đường tỉnh 398 thành phố Chí Linh, Hải Dương với đường tỉnh 345 thị xã Đông Triều;
Giữa tỉnh Quảng Ninh với thành phố Hải Phòng, đã triển khai hoàn thành dự án cao tốc Hạ Long - Hải Phòng; cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10, đoạn từ cầu Đá Bạc đến Cầu Kiền trên địa bàn thành phố Hải Phòng; xây dựng cầu Bến Rừng nối huyện Thủy Nguyên, TP. Hải Phòng và thị xã Quảng Yên, tỉnh Quảng Ninh; xây dựng cầu Lại Xuân và cải tạo, mở rộng ĐT.352...
Cùng với giao thông, các địa phương đã tích cực phối hợp tổ chức thực hiện nhiều hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối giao thương, hỗ trợ các doanh nghiệp, các hộ sản xuất mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa, nhất là hàng nông sản. Thực hiện tốt công tác liên kết, hợp tác, phát triển du lịch thông qua việc liên kết, hỗ trợ cung cấp thông tin du lịch tới khách du lịch, hỗ trợ doanh nghiệp du lịch dịch vụ xây dựng tour, tuyến du lịch kết nối; tích cực triển khai liên kết hợp tác trong lĩnh vực quy hoạch, tạo không gian phát triển chung giữa ba địa phương...
Tại hội nghị, lãnh đạo 3 địa phương đã ký kết các nội dung hợp tác của Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Dương, Quảng Ninh và Ban Thường vụ Thành ủy Hải Phòng, triển khai các biện pháp thúc đẩy liên kết vùng giữa 3 địa phương giai đoạn 2022 – 2025 theo nguyên tắc “Chia sẻ - Đồng thuận - Cùng phát triển”.
TIẾP TỤC ĐẦU TƯ HẠ TẦNG, LIÊN KẾT CHẶT CHẼ TAM GIÁC KINH TẾ
Ông Nguyễn Xuân Ký, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Ninh nhấn mạnh, Hội nghị này sẽ đánh dấu cho sự hợp tác phát triển ngày càng chặt chẽ, bền vững trong thời gian tới của 3 địa phương.
Quảng Ninh thống nhất cao với các nội dung được thảo luận, ký kết hợp tác tại Hội nghị trong thời gian tới. Trong đó, tập trung phát triển hạ tầng giao thông liên kết nội vùng, liên vùng; kết nối đồng bộ, hiện đại, liên thông, tổng thể như Dự án cầu Bến Rừng, cầu Lại Xuân; Dự án Đầu tư cải tạo, nâng cấp quốc lộ 10 đoạn từ nút giao với quốc lộ 18 (tỉnh Quảng Ninh) đến cầu vượt Quán Toan (Hải Phòng); Đường ven sông tốc độ cao kết nối từ đường cao tốc Hạ Long - Hải Phòng đến thị xã Đông Triều và sẽ phối hợp với tỉnh Hải Dương để nối dài tới thành phố Chí Linh.
Trong lĩnh vực văn hóa xã hội, tỉnh Quảng Ninh cùng các địa phương hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện Hồ sơ khoa học Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử và Hồ sơ Vịnh Hạ Long - Cát Bà trình UNESCO công nhận là di sản thế giới. Cùng với đó, tiếp tục hợp tác thúc đẩy phát triển đại đô thị Hải Phòng, Quảng Ninh, Hải Dương. Đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh hợp tác trong lĩnh vực công nghiệp, thương mại; dịch vụ du lịch và văn hóa - xã hội; nông nghiệp và đảm bảo an ninh trật tự, bảo vệ môi trường, quản lý địa giới hành chính.
Trần Lưu Quang, Bí thư Thành ủy Hải Phòng cho biết, 3 tỉnh, thành đều có những điểm tương đồng về lịch sử, văn hóa và kinh tế - xã hội nên việc thúc đẩy hợp tác, liên kết vùng sẽ tạo được những đột phá thúc đẩy phát triển của mỗi tỉnh, thành nói riêng và cả khu vực nói chung. Ông Quang mong muốn, 3 địa phương sẽ hợp tác theo 3 nguyên tắc vì mục tiêu chung, phát triển chung, cùng chia sẻ, làm việc để vượt qua những khó khăn.
Mỗi địa phương tùy vào hoàn cảnh cụ thể hết tâm hết sức để góp phần thực hiện mục tiêu chung, không quan trọng địa phương nào đóng góp nhiều, địa phương nào đóng góp ít. Khi có vấn đề vướng mắc cùng ngồi lại để cùng tìm ra giải pháp tốt nhất. Bởi khi có sự hợp tác, phát triển chung cả 3 địa phương đều có lợi.
Giữa tỉnh Hải Dương với tỉnh Quảng Ninh dự kiến triển khai 2 dự án: Xây dựng tuyến nối QL18 và đường tốc độ cao ven sông thị xã Đông Triều - Quảng Yên (Quảng Ninh) với đường ô tô cao tốc Hà Nội - Hải Phòng tại huyện Thanh Hà (Hải Dương). Xây dựng trục kết nối huyện Yên Dũng (Bắc Giang), TP Chí Linh (Hải Dương) và thị xã Đông Triều (Quảng Ninh).
Trước đó, UBND các tỉnh Hải Dương, Bắc Giang, Quảng Ninh đã thống nhất đề nghị Thủ tướng Chính phủ, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Hội đồng Di sản văn hóa quốc gia, Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam sửa đổi, bổ sung tên Hồ sơ khoa học quần thể di tích và danh thắng Yên Tử (Quảng Ninh, Bắc Giang, Hải Dương) là: Quần thể di tích và danh thắng Yên Tử - Côn Sơn, Kiếp Bạc để phù hợp với vị trí địa lý, tên gọi theo địa danh của hồ sơ.
Các địa phương tiếp tục tập trung hợp tác đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ; khẳng định các giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học của nhà Trần và Phật giáo Trúc Lâm Tam Tổ để chứng minh các giá trị nổi bật, đặc sắc của địa phương tham gia đề cử đáp ứng các tiêu chí đề nghị UNESCO công nhận là di sản thế giới.