Tâm giải thoát sẽ đi về đâu?
Thế Tôn dạy những lời nói thuần tịnh như phơi bày những thứ bị che kín, chỉ đường cho những ai còn đang lạc lối, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, Chính pháp nhờ đó đã được Ngài dùng phương tiện làm sáng tỏ.
Nội dung bài trích từ kinh Dạy Vacchagotta về Lửa (Aggivacchagotta sutta)
I. Duyên khởi kinh
Một thời Thế Tôn ở Xá – vệ (Savatthi), Kỳ - đà lâm (Jetavana), tịnh xá ông Cấp Cô Độc (Anathapindika), lúc này du sĩ ngoại đạo Vacchagotta đi đến chỗ Thế Tôn hỏi về những tri kiến của Ngài. Nhân có duyên này, Thế Tôn ví dụ ngọn lửa để khai thị cho du sĩ ngoại đạo.
II. Nội dung kinh
1. Du sĩ ngoại đạo hỏi Thế Tôn có những tri kiến như sau hay không có, nhưng bị Thế Tôn phủ nhận
(1) Thế giới này là thường trú, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(2) Thế giới này vô thường, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(3) Thế giới là hữu biên, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(4) Thế giới là vô biên, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(5) Sinh mạng và thân thể là một, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(6) Sinh mạng và thân thể là khác, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(7) Như Lai có tồn tại sau khi chết, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(8) Như Lai không tồn tại sau khi chết, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(9) Như Lai có tồn tại và không tồn tại sau khi chết, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
(10) Như Lai không có tồn tại và không không tồn tại sau khi chết, chỉ vậy là chân, còn lại là hư vọng.
2. Lý do sự phủ nhận tri kiến đó của Thế Tôn
Những điều du sĩ ngoại đạo đã nói, nếu ai nói rằng Thế Tôn có tri kiến như vậy thì là sự xuyên tạc Thế Tôn.
Đức Thế Tôn dạy rằng những điều đó (hoặc mang ý nghĩa tương tự) là tà kiến, kiến hoang vu (cái thấy biết hoang vu), kiến hý luận (cái thấy biết tạo ra tranh luận, sự luận đàm vô ích, phí thì giờ), kiến tranh chấp đi cùng với khổ, tàn hại, não hại.
Những điều đó không đưa đến sự yểm ly (xa rời, cách ly ái dục, bất thiện), ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng trí, giác ngộ, Niết bàn.
3. Tà kiến tại nơi Thế Tôn đã được đoạn trừ
Những điều Thế Tôn thấy gồm có đây là sắc, đây là sắc tập, đây là sắc diệt; đây là thọ, đây là thọ tập, đây là thọ diệt; đây là tưởng, đây là tưởng tập, đây là tưởng diệt; đây là hành, đây là hành tập, đây là hành diệt; đây là thức, đây là thức tập, đây là thức diệt.
Với sự nhận biết, đoạn trừ, ly tham, đoạn diệt, xả bỏ tất cả ảo tưởng của hôn mê, ngã kiến, ngã sở kiến, tùy miên, mà Thế Tôn được giải thoát, không còn chấp thủ.
4. Du sĩ ngoại đạo hỏi về sự sinh khởi hay không sinh khởi của vị đã đạt được tâm giải thoát
Vị du sĩ ngoại đạo hỏi Thế Tôn rằng với 1 vị tâm đã được giải thoát như vậy:
(1) Sinh khởi chỗ nào?
(2) Hay vị ấy không sinh khởi?
(3) Hay vị ấy sinh khởi và không sinh khởi?
(4) Hay vị ấy không sinh khởi, không không sinh khởi?
Thế Tôn chỉ đáp rằng cả 4 câu hỏi trên đều không thể áp dụng cho vị này, “không trả lời bằng ngôn từ được” dành cho vị đã đạt tới tâm giải thoát.
5. Thế Tôn mượn hình ảnh ngọn lửa để giải đáp
Thế Tôn giảng rằng nếu có một ngọn lửa cháy đỏ trước mặt, thì chúng ta biết rằng có ngọn lửa cháy đỏ trước mặt.
Thế Tôn hỏi người du sĩ do duyên gì mà ngọn lửa đỏ cháy, vị du sĩ đáp rằng do duyên nhiên liệu cỏ và củi.
Thế Tôn hỏi rằng nếu ngọn lửa đó tắt trước mặt thì có biết không, vị du sĩ đáp có biết.
Từ ví dụ đó, Thế Tôn hỏi:
Nếu có ai hỏi rằng ngọn lửa đang cháy đỏ trước mặt, rồi vụt tắt trước mặt, liệu có thể trả lời rằng nó đi về hướng Đông, hướng Tây, hướng Nam, hay hướng Bắc không?
Câu hỏi này không thể áp dụng cho ngọn lửa, “không trả lời bằng ngôn từ được.”
Tương tự vậy, sắc pháp, thọ, tưởng, hành, thức này, tất cả đã được Thế Tôn nhận biết được, đoạn diệt, cắt tận gốc rễ, không cho tái sinh, không cho sinh khởi trong tương lai.
III. Lời kết
Thế Tôn dạy những lời nói thuần tịnh như phơi bày những thứ bị che kín, chỉ đường cho những ai còn đang lạc lối, đem ánh sáng vào nơi tối tăm, Chính pháp nhờ đó đã được Ngài dùng phương tiện làm sáng tỏ.
Cư sĩ Phúc Quang tóm lược
Tài liệu nguồn: Kinh Dạy Vacchagotta về Lửa (Aggivacchagotta sutta) thuộc Trung Bộ kinh (Majjhima Nikaya), Dịch giả: Hòa thượng Thích Minh Châu
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-giai-thoat-se-di-ve-dau.html