Tấm gương phản chiếu
Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất vừa qua được tổ chức tại khu vực biên giới chung 3 nước (thuộc địa bàn huyện Ngọc Hồi và thành phố Kon Tum, tỉnh Kon Tum). Đoàn đại biểu Việt Nam do Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu; đoàn đại biểu Lào do Đại tướng Chansamone Chanyalath, Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu; đoàn đại biểu Campuchia do Đại tướng Tea Seiha, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng dẫn đầu đã tham dự giao lưu.
Đây là lần đầu tiên đoàn đại biểu quân sự cấp cao 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng từng nước dẫn đầu cùng chủ trì một sự kiện đối ngoại quốc phòng được trông đợi nhất của năm trong quan hệ 3 nước. Đồng thời là hoạt động nhằm cụ thể hóa kế hoạch hợp tác năm 2023 của Bộ Quốc phòng 3 nước.
Thế nhưng, lợi dụng sự kiện này, ngày 15-12-2023, trên trang blog Đài Á châu tự do (RFA) tán phát bài “Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất diễn ra tại Kon Tum” với nhiều nội dung xuyên tạc, phủ nhận các hoạt động phối hợp đảm bảo an ninh, trật tự, an toàn xã hội ở khu vực biên giới… nhằm hạ thấp uy tín, hình ảnh của Quân đội nhân dân Việt Nam.
Việt Nam - Lào - Campuchia là 3 nước láng giềng cùng nằm trên bán đảo Đông Dương, núi liền núi, sông liền sông, cùng uống chung dòng nước sông Mê Kông. Quan hệ đặc biệt giữa 3 nước được bắt nguồn từ cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa thực dân, giành độc lập, tự do cho dân tộc, được vun đắp và phát triển qua các thời kỳ đấu tranh cách mạng. Đó là tình đoàn kết thủy chung, là niềm tin về lòng chân thành, trong sáng mà 3 dân tộc dành cho nhau, là sự giúp đỡ hết lòng để thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ cách mạng, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển của 3 dân tộc. Ngày nay, mối quan hệ đoàn kết, hữu nghị giữa 3 nước tiếp tục được củng cố, đã góp phần tạo lập, giữ vững môi trường hòa bình, thuận lợi cho phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, củng cố thế và lực của mỗi nước trên trường khu vực và quốc tế.
Hình ảnh những cái ôm thân tình, những cái bắt tay thật chặt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng 3 nước đã truyền tải thông điệp về tình đoàn kết, hữu nghị, tương trợ lẫn nhau giữa chính phủ, quân đội và nhân dân 3 nước, qua đó góp phần xây dựng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia hòa bình, hữu nghị, ổn định, hợp tác và phát triển. Điều đó cho thấy, Giao lưu hữu nghị quốc phòng biên giới Việt Nam - Lào - Campuchia lần thứ nhất là sự kiện có ý nghĩa lịch sử, góp phần viết tiếp những trang sử mới của mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết và hợp tác toàn diện giữa 3 nước. Thành công của giao lưu tạo xung lực mới, thúc đẩy hơn nữa tin cậy chính trị, quan hệ hợp tác giữa quân đội 3 nước nói chung và hợp tác thực chất giữa lực lượng bảo vệ biên giới 3 nước nói riêng. Đồng thời, thông qua các hoạt động giao lưu góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế, giao lưu nhân dân ở khu vực biên giới.
Quán triệt và thực hiện tốt quan điểm Đại hội XIII của Đảng: “Thực hiện nhất quán đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển, đa dạng hóa, đa phương hóa quan hệ đối ngoại”, “Việt Nam là bạn, là đối tác tin cậy và là thành viên tích cực, có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế”, “Coi trọng phát triển quan hệ hợp tác, hữu nghị, truyền thống với các nước láng giềng” và Điều 4, Luật Quốc phòng năm 2018: “Thực hiện đối ngoại quốc phòng phù hợp với đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển; chống chiến tranh dưới mọi hình thức; chủ động và tích cực hội nhập, mở rộng hợp tác quốc tế, đối thoại quốc phòng, tạo môi trường quốc tế thuận lợi cho sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, những năm qua, trong hoạt động đối ngoại và hợp tác quốc phòng, Quân đội nhân dân Việt Nam đã triển khai và đạt được nhiều kết quả nổi bật. Cụ thể, thiết lập quan hệ quốc phòng với quân đội hơn 100 nước, trong đó có 5 nước Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 3 tổ chức vũ trang quốc tế của Liên hợp quốc, Liên minh châu Âu (EU), Tổ chức Thủy đạc quốc tế (IHO). Về cơ bản đã thiết lập quan hệ quốc phòng với tất cả đối tác chủ chốt của Việt Nam, gồm: 6 đối tác chiến lược toàn diện; 18 đối tác chiến lược (bao gồm cả 6 đối tác chiến lược toàn diện) và 12 đối tác toàn diện. Đến nay, đã có 31 nước đặt Phòng Tùy viên quốc phòng thường trú tại Việt Nam và 20 nước kiêm nhiệm; Việt Nam đặt Phòng Tùy viên quốc phòng tại 32 nước, Liên hợp quốc và EU. Quân đội nhân dân Việt Nam còn cử lực lượng gìn giữ hòa bình tham gia các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc, với hàng trăm lượt cán bộ, nhân viên trong đội hình Bệnh viện dã chiến và Đội công binh số 1 thực hiện nhiệm vụ tại phái bộ Nam Sudan, Cộng hòa Trung Phi, khu vực Abyei và Trụ sở Liên hợp quốc; tham gia cứu hộ, cứu nạn sau thảm họa động đất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ…
Những hoạt động đối ngoại quốc phòng của Việt Nam đã được các đối tác quốc phòng, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao, đồng tình, ủng hộ. Những kết quả nổi bật đó đã góp phần khẳng định vị thế, uy tín của Quân đội nhân dân Việt Nam nói riêng, của Việt Nam nói chung trên trường quốc tế, là tấm gương phản chiếu chính sách quốc phòng vì hòa bình, tự vệ, hợp tác và phát triển của Việt Nam. Hơn nữa, những kết quả đó còn làm phá sản những luận điệu lạc lõng, cố tình xuyên tạc mối quan hệ hữu nghị truyền thống, đoàn kết đặc biệt của quân đội 3 nước Việt Nam - Lào - Campuchia và công tác đối ngoại quốc phòng của Việt Nam.
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/33/152583/tam-guong-phan-chieu