Tấm gương sáng về y đức của Phạm Công Bân
Trong lịch sử y học nước nhà có nhiều bậc danh y tài đức vẹn toàn. Một trong những tấm gương sáng về y đức phải kể đến Phạm Công Bân, danh y người Hải Dương nổi tiếng thời Trần.
Theo một số nguồn khảo luận, Phạm Công Bân (chưa rõ năm sinh, năm mất) còn gọi là Phạm Bân, người làng Tứ Minh, huyện Cẩm Giàng (nay thuộc phường Tứ Minh, TP Hải Dương). Phạm Công Bân là bố vợ Hồ Quý Ly, ông ngoại của Hồ Nguyên Trừng, thuộc dòng dõi làm nghề thuốc nổi tiếng ở kinh thành Thăng Long. Ông từng giữ chức Thái y lệnh, chuyên chăm sóc sức khỏe và chữa bệnh trong cung vua dưới triều Trần Anh Tông (1293-1314).
Tuy là quan Thái y trong triều đình nhưng ông rất quan tâm đến dân chúng, nhất là những người nghèo trong xã hội. Ông chữa bệnh cho nhân dân làm phúc không lấy tiền. Ông thường tự bỏ tiền ra mua thuốc tốt và thóc gạo dự trữ tại nhà, sẵn lòng chữa trị và cưu mang những người nghèo khổ, neo đơn. Tiếng lành đồn xa, người đến nhà ông nương nhờ và chữa bệnh rất đông. Bất cứ bệnh gì, kể cả bệnh nan y, bệnh lây lan ông cũng không nề hà mà đều nhiệt tình chữa trị và cứu sống được rất nhiều người. Vì thế, tên tuổi và y đức của ông được người đương thời ca tụng và kính nể.
Trong dân gian có rất nhiều câu chuyện được truyền tụng qua nhiều đời ca ngợi y đức của Phạm Công Bân. Tiêu biểu như trong tác phẩm “Nam Ông mộng lục”, một cuốn hồi ký về những câu chuyện có thực của nước Nam do Hồ Nguyên Trừng biên soạn, kể một câu câu chuyện rất cảm động về thái độ ứng xử của ông trước bệnh nhân.
Một lần, có người đến nhờ Phạm Công Bân xem bệnh giúp cô vợ mới sinh bị băng huyết, mất rất nhiều máu đang nằm bất động trên giường. Nghe mô tả ông liền vội vã đi ngay, nhưng vừa ra đến cổng thì sứ giả đến truyền lệnh của nhà vua: Nguyên phi bị cảm sốt, lúc nóng, lúc lạnh suốt một ngày qua mà không bớt, truyền cho ông phải đến xem ngay bệnh cho Nguyên phi.
Phạm Công Bân liền trả lời sứ giả rằng bệnh của Nguyên phi không nặng lắm, nay đang có người dân bị nặng hơn rất nhiều, nguy hiểm tới tính mạng, nên cần phải cứu trước, xong việc sẽ vào cung chữa cho Nguyên phi sau.
Sứ giả nghe thế tức giận mà nói rằng: “Cái lẽ mà kẻ bề tôi phải giữ cho tròn, sao lại có thể như vậy được. Ông muốn cứu tính mạng cho người khác mà không giữ tính mạng của mình chăng?”.
Phạm Công Bân đáp rằng: “Đã đành làm như vậy là ta mắc tội rồi, nhưng không hề gì. Người bệnh kia mà không cứu ngay thì chỉ chốc lát sẽ chết, còn tính mạng của kẻ bề tôi nhỏ mọn này thì còn trông mong được nhà vua tha chết, các tội khác ta xin gánh chịu hết. Xin ông cứ về tâu với đức vua và quý phi như vậy. Tất tật tội vạ do vua giáng xuống ta chịu hết, ông cứ an tâm trở lại cung”.
Nói xong, ông vội vàng đến ngay nhà của bệnh nhân. Thật may, nhờ ông đến kịp lúc mà sản phụ bị băng huyết nặng được cứu sống.
Sau đó, Phạm Công Bân tới cung điện để chữa cho Nguyên phi, vua Trần Anh Tông liền lên tiếng quở trách. Ông tạ tội: “Cúi xin bệ hạ lượng thứ cho thần! Là người thầy thuốc bao giờ cũng phải căn cứ vào bệnh cấp hay bệnh tử mà chữa trước hay chữa sau, có thế mới cứu được mạng người, chứ không thể nào căn cứ ở kẻ sang người hèn được!”. Nhà vua nghe vậy không những không kết tội mà còn hết lời khen ngợi Phạm Công Bân là thầy thuốc chân chính, đặt y đức trên quyền thế.
Có thể nói Phạm Công Bân không những là bậc lương y giỏi mà còn có lòng nhân đức, luôn thương yêu bệnh nhân và hết lòng chữa bệnh cứu người. Tuy là Thái y nhưng không màng đến lợi danh hay khổ nhọc, hiểm nguy, tùy vào mức độ nặng nhẹ của bệnh nhân mà hành xử chứ không phân biệt người sang, kẻ hèn, lấy việc cứu người là trên hết. Về sau, con cháu cũng noi gương ông và đều trở thành những vị lương y giỏi về nghề, thanh cao về y đức. Phạm Công Bân mãi mãi là tấm gương sáng về y đức cho các thệ thế sau noi theo để tình người trong con người thầy thuốc luôn tỏa rạng.
Tên ông đã được đặt cho một đường phố ở TP Hải Dương.
Nguồn Hải Dương: http://baohaiduong.vn/danh-nhan/tam-guong-sang-ve-y-duc-cua-pham-cong-ban-186378