Tạm hoãn quy định siết vay vốn, doanh nghiệp địa ốc thở phào

Việc Ngân hàng Nhà nước tạm hoãn thi hành một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06/2023 sẽ tác động tích cực đến việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp.

Ngân hàng Nhà nước (NHNN) vừa thông báo tạm ngưng thi hành một số điều của Thông tư 06/2023 có hiệu lực từ ngày 1-9 cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới liên quan. Theo đó, doanh nghiệp (DN), người dân tiếp tục được vay vốn từ ngân hàng để góp vốn, đầu tư vào các dự án chưa đủ điều kiện kinh doanh, cho vay góp vốn để mua cổ phần trên thị trường chứng khoán...

Trước đó, nhiều DN, hiệp hội, chuyên gia lĩnh vực bất động sản (BĐS) kiến nghị cần sửa đổi những bất hợp lý tại Thông tư 06.

Thị trường bất động sản phấn khởi

Cụ thể, tại Thông tư 06, NHNN bổ sung quy định cấm cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng phần vốn góp của công ty TNHH, công ty hợp danh; góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom (chưa niêm yết).

Theo số liệu từ NHNN, bảy tháng đầu năm 2023, tăng trưởng tín dụng toàn nền kinh tế mới đạt khoảng 12,47 triệu tỉ đồng, tăng 4,56% so với cuối năm 2022. Điều này cho thấy sức hấp thụ vốn của nền kinh tế còn yếu. Một trong những nguyên nhân khiến tăng trưởng tín dụng chậm là do hấp thụ tín dụng của nhóm BĐS đang giảm.

Thông tư này cũng cấm cho vay để thanh toán tiền góp vốn theo hợp đồng góp vốn, hợp đồng hợp tác đầu tư hoặc hợp tác kinh doanh để thực hiện dự án đầu tư không đủ điều kiện đưa vào kinh doanh theo quy định của pháp luật; cấm cho vay để bù đắp tài chính.

Hiệp hội BĐS TP.HCM (HoREA) cho rằng những quy định nêu trên chưa thật phù hợp với thực tiễn hoạt động đầu tư, xây dựng, sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN nói chung.

Tương tự, Hội Môi giới BĐS Việt Nam cho rằng: Thị trường BĐS quý II đã có những dấu hiệu tích cực hơn quý I nhưng vẫn cần thêm các động lực mạnh mẽ hơn để có thể đảo chiều và tạo sức bật. Ba yếu tố chính gồm nguồn vốn - quỹ đất - chính sách thì vốn được xem là trụ đỡ cho thị trường này. Thế nhưng giờ đây, thế kiềng ba chân đó lại đang như lưới bủa vây toàn bộ thị trường địa ốc. Trong đó, thiếu vốn là nỗi lo lớn nhất đối với các DN lĩnh vực này.

Sau khi lắng nghe ý kiến góp ý từ phía các DN, hiệp hội… NHNN đã tạm hoãn thi hành một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06.

Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tạm ngưng thi hành một số điều của Thông tư 06/2023. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ngân hàng Nhà nước đã thông báo tạm ngưng thi hành một số điều của Thông tư 06/2023. Ảnh: NGUYỆT NHI

NHNN nhấn mạnh: “Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn, để ưu tiên hơn nữa thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, NHNN đã ngưng hiệu lực thi hành những quy định trên cho đến ngày có hiệu lực thi hành của văn bản quy phạm pháp luật mới quy định về các vấn đề này”.

Cơ quan này cho biết thêm trong thời gian tới sẽ phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan để nghiên cứu, xem xét các giải pháp phù hợp nhằm kiểm soát rủi ro.

Cần giải pháp sàng lọc đối tượng vay phù hợp

Ông Nguyễn Chí Thanh, Tổng Giám đốc Công ty TNHH Cao ốc quốc tế Hồ Tây, bày tỏ: “Chúng tôi đánh giá rất cao việc NHNN đã lắng nghe ý kiến của DN trong bối cảnh hiện nay. Bản thân các DN cũng đồng thuận với quan điểm của nhà điều hành trong việc cấm cho vay sân sau. Quy định này đưa ra là hoàn toàn phù hợp nhằm thanh lọc thị trường BĐS cũng như để đảm bảo an toàn cho hệ thống tài chính ngân hàng”.

Tuy nhiên, theo ông Thanh, tại Thông tư 06 có quy định cấm cho vay để thanh toán tiền góp vốn, mua, nhận chuyển nhượng cổ phần của công ty cổ phần chưa niêm yết trên thị trường chứng khoán hoặc chưa đăng ký giao dịch trên hệ thống giao dịch Upcom. Thực tế cho thấy đa số DN BĐS đang hoạt động là công ty cổ phần chưa niêm yết nhưng vẫn có tài sản đảm bảo và đang cần nguồn lực để tái cơ cấu. Vậy rõ ràng những đối tượng này đủ điều kiện để được hỗ trợ tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.

“Do đó, NHNN cần có giải pháp để sàng lọc những đối tượng phù hợp, đủ điều kiện để vay vốn. Bởi nếu không khi đưa ra một quy định chung chung như vậy sẽ khiến một loạt các giao dịch kiểu như vậy phải dừng ngay lập tức và vô hình trung sẽ gây khó khăn hơn cho các chủ đầu tư” - ông Thanh nêu quan điểm.

Đại diện lãnh đạo một DN BĐS lớn tại TP.HCM cũng cho biết: NHNN tạm hoãn thi hành một số quy định cấm cho vay tại Thông tư 06 đương nhiên sẽ tác động tích cực đến việc tiếp cận vốn của các DN địa ốc. Bởi bên cạnh rào cản từ vướng mắc pháp lý dự án chậm giải quyết, hay tính thanh khoản của thị trường yếu thì dòng tiền của DN đang bị hạn chế cũng là một trong những nguyên nhân khiến nhiều dự án liên tục bị trì hoãn thời gian khởi công.

Thủ tướng yêu cầu gỡ vướng về vốn

Thủ tướng Phạm Minh Chính mới đây ký Văn bản 756 đôn đốc báo cáo kết quả thực hiện chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ. Văn bản nêu rõ NHNN chủ động giải quyết kịp thời, hiệu quả các vấn đề, không đùn đẩy, né tránh trách nhiệm. Cần phải phản ứng chính sách nhanh, kịp thời, hiệu quả hơn nữa với tinh thần cầu thị, lắng nghe và cần có giải pháp cụ thể đối với những vấn đề vướng mắc, bất cập.

Thủ tướng yêu cầu NHNN gấp rút sửa đổi Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho DN, người dân và ngân hàng. Theo đó, các nhu cầu vốn tín dụng hợp pháp, chính đáng, đáp ứng đủ điều kiện theo đúng quy định pháp luật cần phải được tạo điều kiện thuận lợi để vay vốn.

“NHNN cần nghiên cứu kỹ lưỡng kiến nghị của các hiệp hội, DN, ngân hàng, các nội dung liên quan được báo chí, dư luận và người dân, DN quan tâm, phản ánh như nêu trên. Căn cứ quy định khẩn trương, nhanh chóng rà soát sửa đổi, bổ sung ngay các quy định tại Thông tư 06 theo hướng ngưng hiệu lực thi hành các nội dung quy định gây khó khăn, cản trở cho DN, các tổ chức tín dụng, người dân” - Thủ tướng nhấn mạnh.

THÙY LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/tam-hoan-quy-dinh-siet-vay-von-doanh-nghiep-dia-oc-tho-phao-post748564.html