Tấm huy chương Olympic cay đắng của đô cử Quốc Toàn
Tấm Huy chương Đồng Olympic London 2012 đến với Trần Lê Quốc Toàn sau đúng 8 năm, trở thành nỗi cay đắng chứ không còn là vinh quang.
Trần Lê Quốc Toàn nhận Huy chương Đồng Olympic sau 8 năm
Nếu 8 năm trước, đối thủ không sử dụng doping, cuộc đời và sự nghiệp đô cử quê Đà Nẵng có lẽ đã rẽ sang hướng khác.
Tấm huy chương của nước mắt
Mới đây, Ủy ban Olympic Quốc tế (IOC) thông báo đô cử Trần Lê Quốc Toàn của Việt Nam sẽ được trao huy chương đồng cử tạ nội dung 56kg tại Olympic London 2012.
Số là tại kỳ thế vận hội năm đó, Toàn chỉ về thứ tư nhưng VĐV về thứ ba người Bulgaria - Valentin Hristov đã bị phát hiện dương tính với doping và bị tước huy chương. IOC vì vậy đôn Toàn lên nhận Huy chương Đồng.
Ông Đỗ Đình Kháng, Trưởng bộ môn cử tạ, Tổng cục TDTT và ông Ngô Đông Hải, Giám đốc Trung tâm Huấn luyện Thể thao Đà Nẵng đều không giấu được sự vui mừng trước việc Toàn nhận huy chương Olympic. Lẽ thường, đây là một vinh dự lớn mà mọi VĐV đều mơ ước. Mặc dù vậy, với đô cử người Đà Nẵng, anh dường như không quá quan tâm tới nó.
“Tôi nghe nói mình được đôn lên nhận tấm Huy chương Đồng Olympic 2012 mấy năm nay rồi nhưng giờ mới chính thức có thông báo. Chờ mãi nên cũng thành không có cảm giác gì nữa. Nếu tấm huy chương này tới từ 8 năm trước thì thật sự rất vui, tuyệt vời luôn. Còn bây giờ, sau 8 năm, chỉ là tính chất kỷ niệm, ghi ơn các thày đã chỉ bảo cho tôi chứ không còn niềm vui nữa”, đô cử sinh năm 1989 bộc bạch.
Thực tế, không khó lý giải cho cảm xúc của nhà cựu vô địch SEA Games. Năm 2011, 2012 là hai năm đỉnh cao trong sự nghiệp của anh, kết tinh ở tấm vé dự Olympic London 2012.
Trước ngày lên đường, giới chuyên môn đánh giá khả năng cao anh sẽ có huy chương bởi thành tích của Toàn nằm trong top 3 và hơn người xếp thứ tư Valentin Hristov khoảng cách khá xa. Tuy nhiên, nhờ doping, Hristov bỗng dưng thi đấu xuất thần để vượt qua đô cử Việt Nam.
“Sau thất bại năm đó, tôi luôn bị ám ảnh với câu hỏi tại sao anh ta lại có thể tiến bộ thần kỳ như vậy. Nhưng tôi không dám nghĩ anh ta dùng chất cấm mà đơn giản cho cho rằng mình sai lầm về chiến thuật”, Quốc Toàn nhớ lại.
Trở về từ Olympic 2012, sự nghiệp của VĐV quê Đà Nẵng rẽ theo hướng khác, kém tích cực hơn nhiều so với giai đoạn trước đó. Anh không có thêm tấm Huy chương Vàng SEA Games nào dù hai lần xách vali tới sân chơi này vào các năm 2013, 2015.
Thành tích đáng kể nhất của anh là tấm Huy chương Bạc tại Giải thế giới diễn ra tại Mỹ năm 2017. Còn lại, anh gần như chỉ nhận thất bại và bị che mờ bởi cái bóng của đàn em Thạch Kim Tuấn.
Ở tuổi 31, Toàn giờ vẫn duy trì tập luyện nhưng không còn hướng tới thành tích cao mà dần chuyển sang công tác huấn luyện. Anh hiện thuộc biên chế Trung tâm Huấn luyện TDTT Đà Nẵng, vừa tập luyện vừa huấn luyện.
Mặc dù vậy, anh thường chỉ tập trung ở các đợt cao điểm, còn lại anh cùng vợ sinh sống tại Hà Nội, mở một phòng gym tại Đông Anh, Hà Nội để làm kế sinh nhai.
“Tôi và vợ bén duyên nhờ cử tạ, cả hai cùng tập luyện ở đội tuyển, mến nhau rồi yêu và đi đến kết hôn. Lập gia đình xong thì vợ tôi không theo nghiệp thể thao nữa để chuyển sang kinh doanh. Hai vợ chồng tôi hiện đang làm phòng gym gần nhà cô ấy”, Toàn chia sẻ.
Cũng theo VĐV gốc Đà Nẵng, ban đầu mới bước vào kinh doanh, vợ chồng anh chỉ có một chút vốn liếng tích lũy được, còn lại phải vay mượn anh em, bạn bè. Kinh nghiệm cũng là điều vợ chồng đô cử này còn thiếu nên cả hai vừa làm, vừa điều chỉnh để sao cho phù hợp.
“Đến nay mọi thứ cũng tạm ổn, doanh thu của phòng gym không quá lớn nhưng cũng đủ giúp trang trải cuộc sống gia đình. Một vấn đề nữa cũng khá nan giải là lượng khách dồn vào mùa hè và mùa thu, trong khi mùa xuân và mùa đông trời lạnh nên khách khá thưa. Bởi thế, vợ chồng tôi cũng phải co kéo chi tiêu sao cho hợp lý”, VĐV vừa giành Huy chương Đồng Olympic cho hay.
Đời vận vào nghiệp
Trở lại với tấm Huy chương Đồng Olympic Quốc Toàn nhận được sau 8 năm, chuyên gia Đặng Việt Cường đánh giá, nếu đến đúng thời điểm thì đó là đỉnh cao sự nghiệp của đô cử Đà Nẵng và cuộc sống anh nhiều khả năng giờ đã khác.
“Về chuyên môn thì chưa chắc Toàn có thể vươn xa hơn bởi thể chất của anh gần như đã đạt ngưỡng. Tuy nhiên, một tấm huy chương Olympic rất có giá trị, nó sẽ giúp cuộc sống của Toàn trở nên dễ dàng. Vị thế của VĐV này cũng sẽ khác rất nhiều”, ông Cường nói.
“
Chẳng vất vả nào tôi chưa từng nếm trải nhưng tôi không oán trách số phận, ngược lại tôi cảm ơn cuộc đời đã giúp tôi trưởng thành từ những khó khăn. Tương tự, tôi luôn cho rằng cử tạ đã mang đến cho tôi nhiều thứ, dù có thể chưa thực sự trọn vẹn. Trong tương lai, chắc chắn tôi vẫn sẽ gắn bó với cử tạ và mong muốn của tôi là tìm kiếm được một học trò viết tiếp giấc mơ còn dang dở.
Đô cử Trần Lê Quốc Toàn
”
Kể cũng đúng, cho tới thời điểm hiện tại, thể thao Việt Nam mới có tổng cộng 5 tấm huy chương ở các kỳ thế vận hội, bao gồm 1 Huy chương Vàng và 1 Huy chương Bạc của xạ thủ Hoàng Xuân Vinh tại Olympic Rio 2016.
Hỏi Toàn về điều này, Báo Giao thông chỉ nhận được một nụ cười gượng: “Có lẽ duyên chưa tới hoặc cuộc sống tiếp tục muốn thử thách tôi thêm”. Câu nói của Toàn khiến những ai yêu mến anh không khỏi suy tư. Cuộc đời anh, đến được với cử tạ là cả chặng đường nhiều chông gai. Chỉ đáng tiếc cử tạ lại không thể giúp anh bước lên đỉnh cao.
Toàn sinh ra trong một gia đình nghèo, mẹ buôn bán nhỏ ngoài chợ còn cha đau ốm liên miên. Từ nhỏ, anh đã phải nghỉ học khi mới 8 tuổi để cùng mẹ lo cho các em.
Hàng sáng, đô cử sinh năm 1989 đạp xe chở hàng ra chợ giúp mẹ rồi tới làng nghề đá Non Nước (quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng) để làm thêm. Thù lao ngày đó mỗi tháng được 500 nghìn đồng, con số không lớn nhưng cũng đủ giúp gia đình nhỏ của anh bớt chật vật còn cha anh có chút tiền thuốc men.
“Đến giờ, tôi không thể quên những ngày làm phu đá, đôi tay tôi sau những ngày trầy xước, chảy máu, đau ê ẩm đã chai sạn, rắn chắc lại. Nhưng nhờ vậy mà sau đó tôi tới với cử tạ thì dễ dàng làm quen với đòn tạ, nhanh chóng tiến bộ”, Toàn tâm sự.
Năm 2003, khi đang vật lộn với những khối đá, Toàn hay tin Trung tâm Huấn luyện thể thao Đà Nẵng tuyển VĐV cử tạ. Thoáng chốc, anh muốn thử sức bởi biết đâu thể thao sẽ giúp anh đổi đời. Vậy là anh chàng đạp xe một mạch về nhà đưa mẹ tới xin các thày cho tập thử. Chỉ qua vài động tác, Toàn đã được nhận, phần vì dáng người vững chắc, đôi tay khỏe, phần vì trong ánh mắt của anh là cả bầu trời quyết tâm.
Vào tập tại trung tâm nhưng chàng trai trẻ vẫn đau đáu nỗi lo cơm áo gạo tiền. Thế nên anh tranh thủ khoảng thời gian nghỉ tập để đạp xe đi giao hàng kiếm thêm tiền phụ giúp cha mẹ. Dù vậy, thành tích của anh vẫn tiến bộ vùn vụt qua từng năm. Năm 2005, anh xuất sắc vô địch hạng cân 56kg ở giải cử tạ trẻ toàn quốc. Cũng trong năm này, anh đón nhận nỗi đau khi cha mất do bạo bệnh.
Nỗi đau quá lớn tưởng chừng sẽ đánh gục Toàn nhưng trách nhiệm của người con cả, anh lớn trong gia đình khiến chàng trai trẻ càng trở nên mạnh mẽ. Anh tiếp tục vừa tập luyện, vừa đi làm thêm nuôi các em và dần nổi lên, trở thành niềm hy vọng của cử tạ Việt Nam. Từ năm 2006, anh liên tục thống trị các giải trẻ trong nước.
Đáng chú ý, tại Giải Vô địch quốc gia năm 2009, Toàn đã xuất sắc đánh bại đàn anh nổi tiếng Hoàng Anh Tuấn, người từng giành Huy chương Bạc Olympic Bắc Kinh 2008. Kể từ đó, Toàn là mũi nhọn số 1 của bộ môn cử tạ ở các giải đấu. Phần còn lại, như đã đề cập ở trên, anh giành Huy chương Vàng SEA Games 2011 trong lần đầu tham dự, xuất sắc đoạt vé đi Olympic 2012 và chịu nỗi cay đắng suốt 8 năm ròng.