Tâm huyết và trách nhiệm

Qua 2 ngày Quốc hội thảo luận tại Hội trường về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước, các đại biểu Quốc hội cho rằng, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, có chiều sâu, chất lượng, thể hiện tâm huyết với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm. Trên cơ sở đó, Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới.

Phó Trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Nam Định Nguyễn Hải Dũng: Đại biểu Quốc hội phát huy được vai trò, trách nhiệm với cử tri

Qua 2 ngày thảo luận ở Hội trường, tôi và nhiều đại biểu Quốc hội đều thấy rằng, những thành quả đạt được trong phát triển kinh tế - xã hội thời gian qua vô cùng tích cực, với nhiều điểm sáng đáng ghi nhận. Những kết quả đạt được cho thấy vai trò, trách nhiệm của Quốc hội trước những yêu cầu cấp bách của thực tiễn cuộc sống, cũng như sự đồng hành, chủ động, linh hoạt và giám sát chặt chẽ, hiệu quả của Quốc hội với Chính phủ.

Các ý kiến phát biểu đều rất chất lượng, có chiều sâu, chỉ ra những ưu điểm và hạn chế, bất cập trong điều hành kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát để đẩy nhanh tiến độ triển khai chương trình phục hồi kinh tế; tình trạng thiếu hụt lao động, dịch chuyển lao động từ khu vực công sang khu vực khác… Đồng thời, đã đưa ra nhiều kiến nghị, biện pháp, giải pháp thiết thực nhằm góp phần vào sự phát triển bền vững của đất nước trong thời gian tới. Nhiều đại biểu Quốc hội từ thực tế lắng nghe ý kiến cử tri đã nêu lên những khó khăn, thách thức của một bộ phận người dân khi giá xăng dầu tăng cao, nguyên vật liệu đầu vào biến động lớn, tình trạng thiên tai, lũ lụt… Điều này cho thấy, các đại biểu Quốc hội đã nghiên cứu kỹ, phát huy được vai trò, trách nhiệm, lời hứa đại diện cho tiếng nói của cử tri trên nghị trường Quốc hội.

Trên cơ sở những đánh giá toàn diện, hiến kế nhiều giải pháp của các đại biểu Quốc hội, tôi tin tưởng rằng, với vai trò của mình, Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ, đẩy mạnh xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật đầy đủ, kịp thời, đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, ổn định, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, bảo đảm yêu cầu phát triển đất nước nhanh và bền vững trong thời gian tới. Chính phủ và các bộ, ngành cũng phải vào cuộc tích cực hơn nữa nhằm kịp thời điều chỉnh linh hoạt chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để giữ vững ổn định vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn, thúc đẩy sản xuất kinh doanh. Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; thúc đẩy mạnh mẽ xuất khẩu; kiểm soát chặt chẽ giá cả, thị trường; tập trung ưu tiên triển khai các cơ chế, chính sách hỗ trợ thiết thực, hiệu quả cho người dân, doanh nghiệp; nhanh chóng khôi phục thị trường lao động do bị tác động trực tiếp bởi dịch Covid-19; thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh; bảo đảm cung ứng, lưu thông hàng hóa thông suốt…

Bằng sự đoàn kết, nỗ lực, cố gắng của cả hệ thống chính trị, của nhân dân, nước ta sẽ vượt qua khó khăn, thách thức để hoàn thành những kế hoạch, mục tiêu đề ra trong phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, qua đó, góp phần thực hiện thành công Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

ĐBQH Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh): Tập trung vào những vấn đề trọng tâm, trọng điểm

Qua 2 ngày thảo luận, các đại biểu Quốc hội đã tập trung vào những vấn đề rất trọng tâm, trọng điểm được cử tri và các địa phương quan tâm. Bên cạnh đó, các bộ trưởng, trưởng ngành cũng đã có giải trình, làm rõ vấn đề rất thỏa đáng, sát thực tiễn, đa số cử tri bày tỏ sự đồng tình với những ý kiến giải trình của bộ trưởng, trưởng ngành.

Qua đó, mong muốn Chính phủ quan tâm tháo gỡ những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách, những quy định bất cập hiện nay mà cộng đồng doanh nghiệp và các địa phương đang gặp phải. Tổ tư vấn tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân của Chính phủ cần phải sát sao, kịp thời hơn nữa để đưa nguồn vốn hỗ trợ của Nhà nước đến được với doanh nghiệp.

Một vấn đề nữa Chính phủ cần quan tâm đó là phải dự báo đúng tình hình những biến động trên thế giới như về tăng lãi suất, xuất nhập khẩu để có những chỉ đạo, ứng phó kịp thời. Đồng thời, chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương cần theo sát doanh nghiệp, khó chỗ nào gỡ ngay chỗ đó, không để điểm nghẽn tồn tại quá lâu dẫn đến khó khăn chồng chất khó khăn. Ví dụ như giải ngân đầu tư xây dựng cơ bản hay giải ngân thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, nếu giải ngân chậm sẽ vừa ảnh hưởng đến phát triển kinh tế vừa làm lãng phí chi phí cơ hội của đồng vốn ngân sách.

Bên cạnh đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay đã cho thấy rất rõ một Quốc hội đổi mới, năng động, luôn sát cánh với doanh nghiệp và Chính phủ. Điều này thể hiện rất rõ ở việc Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội. Với tinh thần đó, chắc chắn Quốc hội sẽ tiếp tục đồng hành với Chính phủ để có những quyết sách kịp thời, đáp ứng nguyện vọng của cử tri và nhân dân.

Sau phiên thảo luận, tôi cũng kỳ vọng các “tư lệnh ngành” sẽ nhanh chóng triển khai thực hiện những giải pháp, kế hoạch, cam kết như đã giải trình trước Quốc hội để thúc đẩy phát triển kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội cho người dân.

ĐBQH Trần Anh Tuấn (TP. Hồ Chí Minh): Các ý kiến phong phú, toàn diện và sâu sắc

Quốc hội đã dành trọn 2 ngày để thảo luận về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54/2017/QH14 về thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Hồ Chí Minh. Nhìn chung, không khí thảo luận sôi nổi, thẳng thắn, đã có nhiều lượt ý kiến đăng ký tranh luận, góp phần làm rõ một số vấn đề được cử tri, người dân cả nước quan tâm như: điều hành giá xăng dầu; "làn sóng" công chức, viên chức nghỉ việc ở khu vực công, gỡ các nút thắt đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công… Các ý kiến phong phú, toàn diện, sâu sắc đã thể hiện tâm huyết của đại biểu đối với các vấn đề quan trọng của đất nước và các vấn đề mà đông đảo cử tri quan tâm.

Thời gian qua, cử tri, người dân cả nước quan tâm đến việc Ngân hàng nhà nước công bố tăng lãi suất điều hành. Việc tăng lãi suất để hạn chế việc giảm giá trị đồng tiền là cần thiết. Trên thực tế, biện pháp tăng lượng tiền lưu thông cũng được nhiều quốc gia áp dụng trong thời gian qua, tiêu biểu là Mỹ đã tăng lãi suất cao để thu hút nguồn đầu tư trở lại, khiến đồng tiền USD tăng giá. Khi giá trị đồng ngoại tệ tăng bắt buộc các nước phải xem xét tăng lãi suất để giữ giá trị đồng nội tệ. Xem xét các điều kiện trong và ngoài nước, tôi nhận thấy, lãi suất cho vay có thể sẽ còn được điều chỉnh tăng thêm trong cuối năm 2022 hoặc đầu năm 2023.

Các quyết định được cơ quan điều hành chính sách tiền tệ đưa ra trong những ngày gần đây là lựa chọn phù hợp. Khi các định chế tài chính trên thế giới đều đã có động thái tăng lãi suất để ứng phó với lạm phát, Việt Nam cũng buộc phải có sự điều chỉnh tương ứng để phù hợp với thị trường. Nếu không sẽ gặp khó khăn trong điều hành chính sách tài khóa, cũng như bảo đảm các chỉ tiêu kinh tế vĩ mô. Các doanh nghiệp, người dân, nhà đầu tư có thể yên tâm vì cơ quan điều hành có thể sử dụng công cụ thị trường M2, giảm dự trữ bắt buộc… để đẩy lượng tiền vào lưu thông, bù đắp cho việc tăng lãi suất. Trong thời gian tới, cơ quan chức năng cần tiếp tục điều hành linh hoạt chính sách tiền tệ.

Thanh Hải – T. Thành – M. Trang thực hiện

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-quoc-hoi-va-cu-tri/tam-huyet-va-trach-nhiem-i305235/