Tâm huyết với nghề

'Dạy trẻ cũng giống như trồng cây non. Trồng cây non được tốt sau này cây lên tốt. Dạy trẻ tốt thì sau này các cháu thành người tốt'. Những lời dặn dò của Bác luôn được đội ngũ giáo viên mầm non ghi nhớ và làm theo, trong đó có các cô Dương Thị Phương Lan và Nguyễn Thị Sen. Cô Lan và cô Sen là 2 công dân Bình Phước ưu tú đại diện cho khối mầm non của ngành giáo dục được nhận danh hiệu nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước (23-3-1975 - 23-3-2025).

Ðiểm sáng vùng biên

2025 là năm thứ 34 cô Dương Thị Phương Lan gắn bó với quê hương Bình Phước và trọn vẹn với sự nghiệp dạy, chăm sóc thế hệ măng non. Trường mẫu giáo Hướng Dương tuy ở xã biên giới Lộc Thạnh, huyện Lộc Ninh nhưng đây là điểm sáng của ngành giáo dục với rất nhiều thành tích tự hào. Năm 2024, trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định giáo dục cấp độ 2. Kết quả đó là sự nỗ lực, đoàn kết của tập thể nhà trường, trong đó có vai trò quản lý, điều hành của Hiệu trưởng Dương Thị Phương Lan.

Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hướng Dương Dương Thị Phương Lan chủ trì họp hội đồng chuyên môn nhà trường

Hiệu trưởng Trường mẫu giáo Hướng Dương Dương Thị Phương Lan chủ trì họp hội đồng chuyên môn nhà trường

Nhận thức rõ giáo viên là yếu tố quyết định, là khâu then chốt để nâng cao chất lượng giáo dục trong nhà trường, thông qua các buổi kiểm tra thăm lớp, dự giờ hằng tháng, cô Lan luôn động viên, tạo nhiều cơ hội để cán bộ, giáo viên trau dồi, nâng cao kiến thức, đổi mới công tác quản lý, điều hành. Các phong trào thi đua như: “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức tự học và sáng tạo”, “Xây dựng môi trường giáo dục lấy trẻ làm trung tâm” luôn được tập thể trường tích cực thực hiện nhằm nâng cao chất lượng chăm sóc, nuôi dưỡng và giáo dục trẻ. Cô Nguyễn Thị Trúc Phương, giáo viên Trường mẫu giáo Hướng Dương chia sẻ: Đối với giáo viên mầm non, việc xây dựng những kỹ năng dạy và chăm sóc trẻ là rất quan trọng. Và ở trường, cô hiệu trưởng thường xuyên trau dồi cho giáo viên các kỹ năng này, mục đích chăm trẻ một cách tốt nhất.

Trường mẫu giáo Hướng Dương đạt chuẩn quốc gia mức độ 1 và kiểm định giáo dụccấp độ 2 đã trở thành địa chỉ thân quen với các bậc phụ huynh và trẻ nhỏ ở khu vực biên giới Lộc Thạnh

34 năm gắn bó với công việc nuôi dưỡng những mầm non của đất nước, cô Lan đã trải qua nhiều vai trò và thử thách ở các ngôi trường khác nhau. Nhưng điểm chung là dù ở đâu cô cũng luôn tận tâm, tận tụy để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, đưa tập thể ngày một đi lên, đạt những thành công nhất định. Bản thân cô Lan cũng đạt nhiều thành tích tự hào. Ngoài sự ghi nhận của các cấp lãnh đạo, ngành giáo dục, năm 2017, cô vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba. Và danh hiệu “Công dân Bình Phước ưu tú” nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước là niềm tự hào mà quê hương thứ 2 ưu ái dành cho cô. “Tôi rất vui và vinh dự khi những nỗ lực của mình được các cấp, ngành ghi nhận. Danh hiệu “Công dân Bình Phước ưu tú” là động lực để tôi hoàn thành tốt hơn các nhiệm vụ được giao” - cô Lan xúc động cho biết.

Ngôi trường của những sáng kiến

Còn với công dân Bình Phước ưu tú Nguyễn Thị Sen, 35 năm công tác trong ngành giáo dục, cô luôn tìm tòi, nghiên cứu để có nhiều sáng kiến hay, hiệu quả, áp dụng phù hợp vào lĩnh vực đang công tác. Trên vai trò Hiệu trưởng Trường mầm non Thuận Phú, huyện Đồng Phú, phong trào này đã được cô lãnh đạo tập thể trường tích cực thực hiện và đạt nhiều kết quả tự hào. Từ năm 2019 đến nay, trường có 2 sáng kiến được công nhận cấp tỉnh, 80 sáng kiến được công nhận cấp huyện. Các sáng kiến được viết một cách thực tiễn, đơn cử như: “Làm mới một số đồ chơi cho trẻ mầm non” đã được áp dụng rộng rãi trong hệ thống giáo dục, qua đó giúp việc nuôi dưỡng, giáo dục trẻ đạt hiệu quả cao, đúng mục tiêu mà trường hướng đến. Cô Cao Thị Hoài, giáo viên Trường mầm non Thuận Phú chia sẻ: Với trẻ mầm non, các món đồ chơi sẽ cung cấp cho trẻ nhiều thông tin về hình khối, con vật, khám phá thế giới xung quanh… Vì thế, việc làm mới đồ chơi thông qua các sáng kiến của trường được áp dụng mạnh mẽ và mang đến những thay đổi tích cực, hướng trẻ phát triển toàn diện.

Hiểu tầm quan trọng của đồ chơi trong nuôi dạy trẻ, Hiệu trưởng Trường mầm non Thuận Phú Nguyễn Thị Sen luôn động viên và hướng dẫn giáo viên chú trọng công tác này

Hiểu tầm quan trọng của đồ chơi trong nuôi dạy trẻ, Hiệu trưởng Trường mầm non Thuận Phú Nguyễn Thị Sen luôn động viên và hướng dẫn giáo viên chú trọng công tác này

Để xây dựng môi trường học tập vui vẻ, hạnh phúc cho trẻ, cô Sen phát động giáo viên luôn luôn sáng tạo, làm mới đồ chơi, dụng cụ học tập, trang trí. “Với bậc mầm non, muốn giáo dục lấy trẻ làm trung tâm, bắt buộc phải luôn có nhiều đồ dùng, đồ chơi. Xuất phát từ suy nghĩ đó, tôi và tập thể trường mạnh dạn thực hiện nhiều sáng kiến. Những sáng kiến được các cấp công nhận đã mang lại hiệu quả trên nhiều mặt, từ kỹ năng, kinh nghiệm cho các cô đến môi trường học năng động, sáng tạo cho trò” - cô Sen chia sẻ.

Nhiều năm qua, Trường mầm non Thuận Phú là điểm sáng trong phong trào thi đua dạy và học. Trường duy trì tốt công tác phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, đảm bảo hằng năm đều đạt 100% trẻ 5 tuổi được đến trường; duy trì và giữ vững các tiêu chí về xây dựng trường đạt kiểm định chất lượng giáo dục cấp độ 2 và đạt chuẩn quốc gia mức độ 1. Trường luôn dẫn đầu các phong trào thi đua, nhiều năm liền được Chủ tịch UBND tỉnh, Chủ tịch nước tặng cờ thi đua. Cá nhân cô Sen là điển hình trong rất nhiều phong trào thi đua, là đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 5 năm liên tục; là điển hình trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; được tặng Huân chương Lao động hạng Ba… Cô Sen là một trong 50 “Công dân Bình Phước ưu tú” được tuyên dương nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng tỉnh Bình Phước.

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Sen vui chơi cùng các em nhỏ đang theo học tại Trường mầm non Thuận Phú

Hiệu trưởng Nguyễn Thị Sen vui chơi cùng các em nhỏ đang theo học tại Trường mầm non Thuận Phú

Trong sự nghiệp giáo dục nói chung, nuôi dạy trẻ là một nghề rất đặc biệt, là nhà giáo nhưng không chỉ dạy mà còn phải dỗ, không chỉ giáo dục mà còn chăm sóc, hơn hết đây là nghề làm vì tình yêu. Xác định rõ vai trò của mình như thế, nên các “đầu tàu” như cô Dương Thị Phương Lan hay cô Nguyễn Thị Sen đều tận tâm, gương mẫu trong các phong trào, hoạt động để xây dựng trường mầm non thực sự là ngôi nhà thứ 2, mỗi cô giáo là người mẹ thứ 2, là người đặt những viên gạch xây dựng nền móng cho sự phát triển nhân cách của trẻ. Những cống hiến của họ được ghi nhận chính là động lực để tiếp tục phát huy, tạo ra những giá trị mới, góp sức vào sự lớn mạnh của quê hương, đất nước.

Thanh Nga

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/72/171054/tam-huyet-voi-nghe