'Tấm khiên' phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực

Ngày 24.10.2018, BTV Tỉnh ủy ban hành Chỉ thị 31 về tăng cường sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng đối với việc xử lý, ngăn chặn tình trạng nhũng nhiễu, vụ lợi, thiếu trách nhiệm, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Với quan điểm xuyên suốt lấy “xây” là nhiệm vụ cơ bản, chiến lược, lâu dài, “chống” là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách; Chỉ thị 31 ra đời được ví như “tấm khiên” phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực, xây dựng Đảng bộ tỉnh ngày càng trong sạch, vững mạnh.

Quyết liệt hành động

Thực hiện Chỉ thị 31, tỉnh ta đề cao tính tiền phong, gương mẫu của tổ chức cơ sở Đảng, đảng viên trong phòng, chống tham nhũng (PCTN), tiêu cực và trách nhiệm người đứng đầu. Đến nay, 100% cán bộ, đảng viên trong các cơ quan, đơn vị ký cam kết “Nói không với tham nhũng vặt”; thực hiện các quy định về PCTN, tiêu cực. Kiên quyết không đề bạt, bổ nhiệm những cán bộ có biểu hiện tham nhũng, nhiều đơn thư phản ánh, tố cáo tham nhũng, tiêu cực. Giai đoạn từ 2020 – 2024, toàn tỉnh có 67 trường hợp đưa ra khỏi quy hoạch BCH Đảng bộ tỉnh, BTV Tỉnh ủy, chức danh lãnh đạo cấp ủy, chính quyền tỉnh. Ngoài ra, nhiều cơ quan, đơn vị còn định kỳ luân chuyển vị trí công tác gần 1.000 lượt cán bộ lãnh đạo, quản lý ở những vị trí nhạy cảm, giúp cán bộ được đào tạo, bồi dưỡng, rèn luyện, thử thách trong thực tiễn và góp phần PCTN, tiêu cực.

Cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy thực hiện tốt công tác tham mưu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Cán bộ Ban Nội chính Tỉnh ủy thực hiện tốt công tác tham mưu phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Nhằm chỉnh đốn, nâng cao trách nhiệm thực thi công vụ, từ năm 2018 đến nay, các cấp, ngành tiếp tục quan tâm xây dựng, thực hiện quy tắc ứng xử, đạo đức nghề nghiệp đối với cán bộ, công chức, viên chức, nhất là cán bộ thực thi nhiệm vụ ở những vị trí trực tiếp giao dịch, tiếp xúc, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Qua hơn 200 cuộc kiểm tra, chưa phát hiện trường hợp cán bộ vi phạm quy tắc ứng xử trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, các cấp, ngành còn tổ chức gần 440 cuộc kiểm tra việc thực hiện quy định về công khai, minh bạch, nhất là những lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng như: Tài chính, mua sắm công, đầu tư xây dựng cơ bản, tuyển dụng, sử dụng, quản lý công chức, viên chức... Từ thực tiễn kiểm tra, kịp thời chấn chỉnh, khắc phục những vi phạm ngay khi mới phát sinh, không để vi phạm nhỏ tích tụ thành khuyết điểm, sai phạm lớn. Cùng với kết quả trên, việc hoàn thành tái cấu trúc quy trình thủ tục hành chính, tạo lập dữ liệu điện tử, chuẩn hóa, công bố, công khai, niêm yết đầy đủ trên Cổng dịch vụ công của tỉnh đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc.

Hướng tới mục tiêu “4 không”

Với sự vào cuộc quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ tỉnh đến cơ sở, sự nỗ lực vượt bậc của các cơ quan có chức năng PCTN, tiêu cực đã góp phần hạn chế tình trạng nhũng nhiễu, tiêu cực của cán bộ công chức, viên chức trong thực thi công vụ. Không ít vụ việc, vụ án tham nhũng, tiêu cực được xử lý nghiêm minh, kịp thời, tạo đồng thuận cao trong xã hội.

Từ năm 2018 đến nay, qua 421 cuộc thanh tra tại 1.081 đơn vị trên địa bàn tỉnh phát hiện sai phạm với tổng số tiền hơn 116 tỷ đồng và gần 299 ha đất. Trong đó, kiến nghị thu hồi nộp ngân sách nhà nước gần 69 tỷ đồng, thu hồi hơn 120 ha đất, kiến nghị khác hơn 47 tỷ đồng; kiến nghị xử lý hành chính 8 tổ chức, 93 cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 18 vụ việc. Riêng cấp ủy và Ủy ban Kiểm tra các cấp tiến hành kiểm tra, giám sát 82 cuộc đối với 90 tổ chức cơ sở Đảng và 35 đảng viên về công tác PCTN, tiêu cực. Kết quả kiểm tra, giám sát cho thấy: Nhiều tổ chức cơ sở Đảng vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc, buông lỏng lãnh đạo, thiếu kiểm tra, giám sát để nhiều cán bộ, đảng viên vi phạm kỷ luật Đảng, pháp luật Nhà nước. Nội dung vi phạm của đảng viên phần lớn là thiếu trách nhiệm, thiếu sâu sát trong lãnh đạo, chỉ đạo, kiểm tra, giám sát; lập khống, ký khống nhiều chứng từ, thanh toán tiền sai quy định gây thất thoát số tiền lớn; nhận hối lộ, bao che, tiếp tay cho hành vi tham nhũng, tiêu cực; thực hiện không đúng, không đầy đủ trách nhiệm, nhiệm vụ, quyền hạn được giao theo quy định… Từ thực tế này, 10 tổ chức cơ sở Đảng và 322 đảng viên buộc phải hành thi hành kỷ luật. 52 người đứng đầu và cấp phó của người đứng đầu bị xử lý kỷ luật do thiếu trách nhiệm để xảy ra tiêu cực, tham nhũng trong cơ quan, đơn vị do mình quản lý.

Cũng trong giai đoạn trên, cơ quan chức năng khởi tố, điều tra 36 vụ/96 bị can, truy tố 28 vụ/85 bị can, xét xử 31 vụ/87 bị cáo liên quan đến các vụ án tham nhũng. Đơn cử như: Vụ án lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Bắc Quang, Ban Quản lý rừng đặc dụng Phong Quang (Vị Xuyên) hay vụ án tham ô tài sản xảy ra tại UBND xã Lũng Táo (Đồng Văn); thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng tại huyện Bắc Mê; nhận hối lộ xảy ra tại Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường… Đến nay, cơ quan chức năng đã thu hồi 30,1/38,2 tỷ đồng bị chiếm đoạt, thất thoát trong các vụ án tham nhũng.

Tham nhũng chính là “giặc nội xâm”, đe dọa sự tồn vong của Đảng và chế độ. Nhận diện rõ sự nguy hiểm đó, với quyết tâm chính trị cao cùng sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, tỉnh đã, đang tạo đột phá trong công tác PCTN, tiêu cực, hướng tới mục tiêu “4 không”. Đó là xây dựng, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa chặt chẽ để cán bộ, đảng viên “không thể tham nhũng”; xử lý nghiêm minh trường hợp tham nhũng để cán bộ, đảng viên “không dám tham nhũng”; đảm bảo các chế độ chính sách để cán bộ, đảng viên “không cần tham nhũng” và xây dựng văn hóa liêm chính để cán bộ, đảng viên “không muốn tham nhũng”, góp sức xây dựng Đảng bộ tỉnh thực sự trong sạch, vững mạnh.

Bài, ảnh: THU PHƯƠNG

Nguồn Hà Giang: http://baohagiang.vn/thoi-su-chinh-tri/202409/tam-khien-phong-ngua-tham-nhung-tieu-cuc-b546c59/