Tam Kim - mảnh đất anh hùng
Tháng 12, chúng tôi trở lại xã Tam Kim, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, nơi có khu rừng Trần Hưng Ðạo - địa điểm thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Mặc dù vẫn còn những khó khăn, nhưng đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi đây đang không ngừng được cải thiện và nâng cao.
Địa chỉ đỏ đối với mỗi người lính
Cách đây 80 năm, đúng 17 giờ ngày 22/12/1944, lễ thành lập Ðội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân được diễn ra dưới tán rừng Trần Hưng Đạo. Ðội được thành lập theo chỉ thị của lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc (Chủ tịch Hồ Chí Minh). Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, đồng chí Võ Nguyên Giáp đọc diễn từ tuyên bố thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (VNTTGPQ) và nêu rõ nhiệm vụ của Ðội đối với Tổ quốc.
Tại buổi lễ đó, việc thành lập Đội VNTTGPQ được tổ chức bí mật và nhanh chóng. 34 đồng chí đầu tiên được chọn là những trung đội trưởng, tiểu đội trưởng và những chiến sĩ dũng cảm nhất của các đội vũ trang địa phương. Dưới lá cờ đỏ sao vàng năm cánh, toàn Đội long trọng tuyên đọc Mười lời thề danh dự, quyết tâm chiến đấu, hy sinh đến giọt máu cuối cùng vì sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc. Mười lời thề của Đội VNTTGPQ đã trở thành lời thề danh dự của Quân đội nhân dân Việt Nam(QĐNDVN) sau này.
Ngay sau khi được thành lập, trong hai ngày (25 và 26/12/1944), Ðội VNTTGPQ đã xuất quân, đánh thắng hai trận Phai Khắt và Nà Ngần, mở đầu cho truyền thống "quyết chiến, quyết thắng" của QĐNDVN.
Khu rừng Trần Hưng Ðạo hiện nay có diện tích gần 202ha, nằm trên địa bàn hai xã Tam Kim và Hoa Thám, huyện Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng. Với ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt của Khu di tích, năm 2013, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định số 2383/QÐ-TTg ngày 9/12/2013 xếp hạng Khu di tích rừng Trần Hưng Ðạo là Di tích Quốc gia đặc biệt. Cùng với đó, di tích được quan tâm đầu tư, tôn tạo và trở thành "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cách mạng, nhất là đối với thế hệ trẻ và sĩ quan, chiến sĩ trẻ trong QĐNDVN.
Khởi sắc nơi chiến khu xưa
Với ý nghĩa lịch sử đặc biệt to lớn với QĐNDVN, những năm qua, Đảng, Nhà nước các bộ, ban, ngành Trung ương, địa phương đã quan tâm đầu tư, hỗ trợ xã Tam Kim trong phát triển kinh tế - xã hội. Nhờ đó, đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào các dân tộc nơi chiến khu xưa không ngừng được cải thiện, nâng cao. Người dân tích cực phát huy nội lực, phát triển sản xuất, xây dựng nông thôn mới. Các cấp, ngành, địa phương, nhất là cán bộ, chiến sĩ lực lượng vũ trang luôn quan tâm hỗ trợ nguồn lực, thăm hỏi, tặng quà gia đình chính sách và người dân nơi chiến khu xưa.
Đến nay, xã Tam Kim đạt 14/19 tiêu chí nông thôn mới, thu nhập bình quân đầu người khu vực nông thôn của xã năm 2023 đạt trên 20 triệu đồng/người/năm (gấp gần 1,5 lần so với năm 2020). Kết quả điều tra rà soát cuối năm 2023, theo chuẩn nghèo giai đoạn 2022 – 2025 trên địa bàn xã có 212 hộ nghèo, chiếm 32,17%, hộ cận nghèo 191 hộ, chiếm 28,98%.
Theo kế hoạch, hết năm 2024, xã phấn đấu thoát 75 hộ nghèo (tương ứng còn 20%), 55 hộ thoát cận nghèo (tương ứng 20,2%). Hạ tầng giao thông của xã đang tiếp tục được đầu tư, đến nay cơ bản đường đến trung tâm các xóm, bản đã được cứng hóa, giao thương dễ dàng. Toàn xã có 352 học sinh tiểu học và THCS, năm học 2023-2024 các trường đã duy trì sĩ số 100% các em ra lớp đúng thời gian, đảm bảo chương trình học; tỷ lệ học sinh lớp 9 tốt nghiệp THCS là 29/29 em (đạt 100%)…
Bên cạnh đó, trong khoảng 3 năm trở lại đây, từ các nguồn hỗ trợ, nhiều hộ nghèo, cận nghèo đã làm mới, sửa chữa nhà ở, đạt tiêu chí thoát nghèo. Trong đó, cán bộ, chiến sĩ Quân khu 1 đã hỗ trợ 41 hộ nghèo, cận nghèo làm mới nhà ở, mức hỗ trợ 45 triệu đồng/nhà. Cùng với đó, các cấp, ngành của tỉnh thường xuyên quan tâm triển khai các dự án hỗ trợ cây giống, con giống, khoa học kỹ thuật, cải thiện điều kiện canh tác cho bà con. Từ đó, nhiều gia đình đẩy mạnh trồng trọt, chăn nuôi, nâng cao thu nhập. Tiêu biểu như gia đình ông Tô Ðình Cư, Nông Thị Hương ở bản Um, trồng trọt, chăn nuôi đều có thu nhập từ 100 triệu đồng/năm trở lên.
Đồng chí Nông Trung kiên, Phó Bí thư Thường trực Đảng ủy, Chủ tịch HĐND xã Tam Kim: Chính nhờ sự tích cực vào cuộc của các cấp, ngành hỗ trợ xã trong phát triển kinh tế - xã hội thì diện mạo của xã mới có sự thay đổi như hôm nay.
Chia tay người dân xã Tam Kim, chúng tôi cảm thấy vui hơn sau mỗi lần về thăm chiến khu xưa bởi người dân đang ngày càng được tiếp cận, hưởng lợi nhiều hơn từ những chính sách của Nhà nước. Những hỗ trợ đó đã giúp đời sống vật chất, tinh thần đồng bào nơi đây không ngừng được cải thiện và nâng cao, đây cũng chính là sự tri ân lớn nhất đối với mảnh đất anh hùng này.