'Tấm lá chắn' ở khu vực cảng biển thành phố Hồ Chí Minh

Thành phố Hồ Chí Minh là đầu tàu kinh tế của đất nước, hàng năm đóng góp 23% GDP, 27% ngân sách quốc gia, thu hút hơn 33% số dự án FDI của cả nước. Đồng hành với sự phát triển của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, những người lính Biên phòng ngày đêm cắm chốt trên dọc các con sông, như một tấm lá chắn bảo vệ an ninh cho hệ thống cảng biển.

Bãi container khổng lồ của cảng Cát Lái, phía mặt bên kia sông Đồng Nai là các trạm kiểm soát của Biên phòng nằm trên mặt sông. Ảnh: Văn Chương

Bãi container khổng lồ của cảng Cát Lái, phía mặt bên kia sông Đồng Nai là các trạm kiểm soát của Biên phòng nằm trên mặt sông. Ảnh: Văn Chương

Thiếu tá Phạm Văn Ba, cán bộ Trạm Kiểm soát Biên phòng cửa khẩu cảng Nhà Rồng nhấn ga cho chiếc ca nô lướt êm trên sóng. Ca nô vừa rời trạm được vài phút thì phía mạn phải của ca nô đã hiện ra vô số cầu cảng, tàu container của cảng Cát Lái - một trong những cảng biển lớn nhất trong cả nước. Trung bình mỗi ngày có từ 16.000 đến 18.000 xe container ra vào cảng. Bình quân mỗi năm, cảng Cát Lái thông quan cho 33.000 doanh nghiệp với số lượng hơn 500.000 tờ khai hải quan. Hàng năm, cảng Cát Lái xử lý hơn 90% khối lượng container hàng hóa được xếp dỡ từ thành phố Hồ Chí Minh và khoảng 50% tổng khối lượng container của cả nước. Vì vậy, công việc của cán bộ chiến sĩ BĐBP thành phố Hồ Chí Minh cũng tất bật suốt ngày đêm.

BĐBP thành phố Hồ Chí Minh có nhiệm vụ quản lý, bảo vệ chủ quyền, an ninh, trật tự an toàn xã hội khu vực cửa khẩu cảng và vùng biển rộng 3.250km2 (với gần 30km đường biên giới biển), quản lý 44 cảng, 88 cầu cảng, 84 cặp phao neo đậu tàu dọc theo các sông: Sài Gòn, Nhà Bè, Soài Rạp, Lòng Tàu và Đồng Nai. Công việc của Trạm Kiểm soát số 2, BĐBP thành phố Hồ Chí Minh nằm trên sông Đồng Nai cũng là hình ảnh của nhiều trạm kiểm soát nằm ở khắp các kênh rạch.

Tại Trạm kiểm soát số 2, suốt những năm tháng sống cảnh nắng trên đầu, nước dưới sông, nên nước da của cán bộ, chiến sĩ Biên phòng sống tại nơi này đều đen bóng, những sợi tóc như cứng hơn bình thường, đường nét trên khuôn mặt lấp lóa với làn da nâu sạm. Thấm vào những người lính không chỉ nắng, gió trên sông, mà còn có cả bóng đêm. Đêm Sài Gòn yên tĩnh, khi ánh đèn pha xuyên đêm trên phố, trên mặt sông này, anh em ở các chốt bắt đầu vào phiên liên lạc để tổ chức tuần tra trên sông. Cả đêm có lúc thức trắng, âm thanh vo vo của động cơ ca nô đi vào cả trong giấc ngủ của mỗi người.

Những ngày cuối tháng 11, cán bộ ở các trạm kiểm soát trên sông liên tục nhận được thông tin về những chiếc ghe có biểu hiện nạo hút cát trái phép trên sông. Ở các tỉnh phía Nam, các lực lượng phải ngày đêm đấu tranh với các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Cuộc chiến này không hề đơn giản, mà ngày càng gay go và phức tạp. Gần đây nhất, trong lúc đuổi bắt cát tặc, ca nô của Công an tỉnh Vĩnh Long đã bị ghe của cát tặc lao vào đâm khiến 4 cán bộ công an rơi xuống sông, riêng Đại úy Trần Hoàng Ngôi bị chân vịt chém đứt 2 chân.

Thiếu tá Phạm Ngọc Oánh, cán bộ Trạm Kiểm soát số 2 cho biết, trạm đang neo gần ấp Phú Hữu, huyện Nhơn Trạch, tỉnh Đồng Nai. Hàng ngày, anh em vừa làm nhiệm vụ quan sát, tuần tra, đồng thời, tuyên truyền cho bà con nhân dân trên vùng kênh rạch này chấp hành các quy định, không tự ý cập mạn tàu để mua bán, trao đổi hàng hóa. Còn trên bờ, lực lượng trinh sát liên tục tham gia xử lý các vụ việc về lĩnh vực an ninh trật tự. Mới đây, Trạm Kiểm soát Biên phòng Khánh Hội nhận được tin báo từ chủ tàu OCEAN 88 về việc mất nhiều tấn phân Urea trị giá hàng tỷ đồng. Vụ việc được nhanh chóng điều tra và phát hiện ra thủ phạm.

BĐBP tuần tra trên sông Đồng Nai. Ảnh: Văn Chương

BĐBP tuần tra trên sông Đồng Nai. Ảnh: Văn Chương

Tôi đặt chân lên Trạm Kiểm soát số 2 vào sáng ngày 23/11, khi anh em ở trạm mới một đêm thức trắng để xử lý vụ hút cát trái phép. Thiếu tá Phạm Văn Ba kể, tối hôm đó, anh em đi ca nô tuần tra dọc sông Đồng Nai, tới lúc 12 giờ đêm thì bắt đầu mới quay về trạm. Đêm đó, anh em kéo dài thời gian tuần tra hơn trước, vì ngay khu vực cảng Cát Lái có rất nhiều tàu chở hàng neo đậu, trong lúc quan sát mặt sông thì anh em thấy có nhiều ghe xuồng của bà con đi lại, vì vậy, phải tăng cường tuần tra để bảo vệ khép kín khu vực mạn ngoài của khu neo đậu của các tàu.

Khi trên đường về trạm thì anh em nghe có tiếng máy nổ hơi nặng. Suốt nhiều năm trực ở trạm và đi bắt cát tặc, anh em dường như đã quen và phân biệt được tiếng máy ghe. Biết là cát tặc đang hoạt động nên anh em vòng ca nô vào phía bờ, sau đó ập ra bắt. Các đối tượng trên ghe nạo hút nhảy xuống nước bơi nhanh vào kênh lẩn trốn, còn ghe chở cát thì bị BĐBP bắt giữ và đưa về đơn vị xử lý.

Thiếu tá Ba cười và nói: “Anh chắc không biết, có lúc anh em đi ca nô trên sông nhưng phải đội mũ bảo hiểm, bởi vì đụng phải nhóm cát tặc mà có các đối tượng xăm trổ đầy mình giống như cọp vằn, cứ lượm đá ném ào ào lên ca nô để ghe cát tặc bỏ chạy. Kỷ niệm khó quên nhất là ngay trong Tết Nguyên đán năm 2021, các đối tượng cát tặc không bỏ ghe mà còn kéo 20 tên lên ghe chạy vòng quanh, sau đó nổ máy lao vào ca nô tuần tra, hoặc tìm cách tự cho ghe chìm để tẩu tán tang vật”.

BĐBP thường cứu nạn ngư dân trên biển, nhưng ở vùng sông nước này, cũng có vụ tai nạn khá hãn hữu và BĐBP cứu nạn các thủy thủ ngay trên sông. Đó là vào ngày 6/6/2023, tại khu vực phao Phú Mỹ 1, luồng Soài Rạp, chiếc sà lan mang biển số LA 08086 lưu thông trên sông từ Đồng Nai đi Long An vào thời điểm trên sông có mưa to, gió lớn. Chiếc sà lan bắt đầu chìm dần và người đi trên sà lan phát tín hiệu kêu cứu. Anh em Trạm Kiểm soát Biên phòng Soài Rạp đã kịp thời đưa ca nô ra cứu sống được anh Nguyễn Văn Út Nam và bà Huỳnh Thị Kim Bương (quê ở huyện Cần Đước, tỉnh Long An).

Những người lính kể chuyện về công việc xuôi ngược trên sông giữa lúc tiếng sóng vỗ ì oạp vào mạn trạm nổi. Âm thanh của sóng chỉ yên ắng một lát rồi lại xuất hiện một đợt sóng mới. Bởi vì trên các tuyến sông chảy qua thành phố Hồ Chí Minh luôn tấp nập tàu chở hàng, container, hàng ngàn sà lan xuôi ngược từ đây sang các nhánh sông Thị Vải, Soài Rạp, Lòng Tàu, Vàm Cỏ, Sài Gòn...

Lê Văn Chương

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/quottam-la-chanquot-o-khu-vuc-cang-bien-thanh-pho-ho-chi-minh-post470169.html