Tám liên minh năng lực của NATO viện trợ Ukraine: Máy bay không người lái, phòng không tích hợp
Trong tám liên minh năng lực của các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) có liên minh máy bay không người lái (UAV) và liên minh phòng không tích hợp.
UAV: Latvia, Anh
Mục đích: Cung cấp 1 triệu UAV cho Ukraine, bao gồm những máy bay có góc nhìn thứ nhất đã được chứng minh là có hiệu quả cao trong cuộc xung đột với Nga. Ukraine cũng đặt mục tiêu sản xuất quy mô lớn trong nước nhiều loại UAV.
Quan điểm của chuyên gia: “Việc bên này không thể xuyên thủng hệ thống phòng không tổng hợp của bên kia đã buộc họ (Ukraine và Nga) phải tăng cường tính linh hoạt của lực lượng thực địa và phụ thuộc nhiều hơn vào vũ khí tầm xa, bao gồm pháo tầm xa, tên lửa và UAV”, Hội đồng Quan hệ đối ngoại (tổ chức tư vấn Mỹ) nhận định trong một báo cáo tháng 1/2024.
“Những điều kiện này đã dẫn đến sự phát triển của các công nghệ UAV mới có thể giúp Ukraine tạo sân chơi bình đẳng trong cuộc chiến trên không và có thể xoay chuyển cục diện cuộc chiến theo hướng có lợi cho mình”, báo cáo của Hội đồng Quan hệ đối ngoại viết.
Tuy nhiên, Trung tâm An ninh Mỹ cho rằng, dù UAV phổ biến đến mức nào, chúng vẫn chưa mang lại “lợi thế quyết định” cho bên nào vì các chiến thuật liên quan UAV đang phát triển quá nhanh nên không lợi thế nào tồn tại lâu dài.
“Các bên khác đang tham gia vào một chu kỳ đổi mới và cạnh tranh hai mặt với nhịp độ nhanh. Bởi vì nhiều công nghệ UAV mang tính thương mại hoặc lưỡng dụng nên chúng có thể dễ dàng có được, nghĩa là những đổi mới đó sẽ nhanh chóng đến với đối phương”, báo cáo tháng Hai của Trung tâm viết.
Các nhà phân tích nói với Breaking Defense năm ngoái rằng, sự hiện diện mạnh mẽ của UAV lớn như Bayraktar TB2 của Thổ Nhĩ Kỳ trong giai đoạn đầu của cuộc xung đột ở Ukraine đã thay đổi do Nga thay đổi chiến thuật phòng không và cải thiện khả năng tác chiến điện tử.
Dù ước tính thiệt hại của Ukraine đối với UAV bốn cánh thương mại bán sẵn được ước tính ở mức từ 50.000-10.000 mỗi tháng, các nhà phân tích lập luận rằng việc tiếp tục triển khai chúng với số lượng lớn là đáng giá vì chúng có thể thực hiện những nhiệm vụ nguy hiểm hơn.
Các quốc gia đối tác khác: Úc, Canada, Cộng hòa Séc, Đan Mạch, Estonia, Đức, Ý, Litva, Hà Lan, Ba Lan và Thụy Điển
Hiện trạng: Ngày 17/4, Latvia cho biết sẽ “sớm gửi” lô UAV đầu tiên tới Kiev. Nước này đã cam kết chi 10 triệu euro (10,6 triệu USD) hằng năm cho UAV cho Ukraine. Anh cho biết họ sẽ cung cấp “hàng nghìn” UAV có góc nhìn thứ nhất.
Phòng không tích hợp: Pháp, Đức
Mục đích: Để tạo ra một hệ thống phòng không trên mặt đất tương thích với NATO cho nhu cầu trong tương lai của Ukraine, với các nhóm làm việc được chia thành ba loại: Cơ cấu chỉ huy, hệ thống và huấn luyện/diễn tập, theo Bộ Quốc phòng Đức.
Quan điểm của chuyên gia: Ukraine tiếp tục đề nghị các quốc gia NATO bổ sung các hệ thống phòng không, đặc biệt là các khẩu đội Patriot, khi lực lượng Nga tiếp tục tấn công cơ sở hạ tầng quan trọng bằng tên lửa đạn đạo, tên lửa hành trình và UAV.
Patriot đã chứng tỏ hiệu quả trong suốt cuộc xung đột, đáng chú ý nhất là khi được cho là có thể đánh chặn tên lửa siêu vượt âm Kinzhal, nhưng sự bế tắc mới nhất ở Nhóm Liên hệ về nguồn cung cấp bổ sung vũ khí do hãng Raytheon sản xuất vẫn chưa được giải tỏa.
Phân tích từ IISS cho thấy, việc Ukraine sử dụng S-300 tầm xa thời Liên Xô và tên lửa đất đối không (SAM) tầm trung 9K37 Buk để đánh bại các mối đe dọa trên không của Nga đã “thành công trên diện rộng”, nhưng nguồn cung đang cạn kiệt.
Phát biểu với Breaking Defense vào tháng trước, Bộ trưởng Quốc phòng Na Uy, tướng Eirik Kristoffersen, tuyên bố: “Tôi đã nói và tôi vẫn nói rằng phòng không là khả năng quan trọng nhất đối với Ukraine lúc này”.
Hiện trạng: Tổng cộng 22 quốc gia đã tham dự cuộc họp đầu tiên của nhóm phòng không được tổ chức tại Berlin vào tháng 12 năm ngoái, một cuộc họp tập trung vào việc tạo ra sự hiểu biết chung về cách thức viện trợ hệ thống phòng không, phòng thủ tên lửa tích hợp. Không có dấu hiệu nào từ các quan chức về tiến bộ đạt được kể từ đó.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin ngày 26/4 nói: “Về Patriot, những gì các quốc gia khác có thể làm trong tương lai vẫn còn phải xem, nhưng tôi có thể nói với bạn rằng chúng tôi tiếp tục làm việc về vấn đề này và một cách rất nghiêm túc”.
Vài ngày trước, Đức tuyên bố sẽ gửi một khẩu đội Patriot tới Ukraine. Đây là sản phẩm mới nhất trong danh sách đầy đủ các khả năng phòng không do Berlin tài trợ, mặc dù chính phủ không phân biệt giữa sự hỗ trợ của nước này và sự hỗ trợ của liên minh. Tương tự như vậy, Pháp đã gửi tên lửa đất đối không và radar của riêng mình cho Ukraine.
Ngoài ra, Bộ trưởng Quốc phòng Tây Ban Nha Margarita Robles cho biết nước ông vừa chuyển một số tên lửa Patriot cho Ukraine, theo hãng tin EFE.
Theo Financial Times, giữa tháng 4, Đức viết thư cho hàng chục quốc gia, bao gồm các quốc gia Ảrập ở vùng Vịnh, thay mặt Kiev đề nghị họ cung cấp hệ thống phòng không.
Tháng 4, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky nói: “Điều quan trọng là phải tăng cường hơn nữa khả năng phòng không của đất nước chúng ta bằng các hệ thống hiện đại do phương Tây sản xuất. Hiện nay, phòng không là ưu tiên hàng đầu của chúng ta”.