Tấm lòng cao cả của 'cô giáo' Dương Thị Sinh
Đến thôn Thắng Trí, xã Minh Trí (huyện Sóc Sơn) hỏi về 'cô giáo' Dương Thị Sinh, không ai là không biết. Không may mắn như mọi người, bị khuyết tật từ nhỏ, song bằng nghị lực phi thường, 'cô giáo' Sinh không ngừng vươn lên, truyền năng lượng cho những em nhỏ khuyết tật hòa nhập cộng đồng.
Chúng tôi đến nhà “cô giáo” Dương Thị Sinh vào một ngày cuối năm. Khác với sự hình dung về số phận một người “khác thường”, đón chúng tôi là nụ cười niềm nở, dù nét gian khó vẫn ẩn khuất trên gương mặt “cô giáo” có thân hình nhỏ nhắn giữa đám học trò non nớt. Trong căn phòng khách rộng khoảng 20m2, những đứa trẻ đang chơi đùa hồn nhiên...
Bên cạnh phòng khách, là lớp học của “cô giáo” Sinh rộng chừng 30m2, thoáng mát, bàn ghế, bảng học đều ngăn nắp, sạch sẽ. “Lớp học được xây dựng nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sóc Sơn. Đây là nơi biến ước mơ của tôi trong bao nhiêu năm nay trở thành hiện thực. Tuy diện tích khiêm tốn, nhưng lớp học này với tôi và các em nhỏ khuyết tật, có hoàn cảnh khó khăn không thể đến trường là cả bầu trời tri thức, tình yêu, chắp cánh niềm tin cho các bé”, "cô giáo" Sinh chia sẻ.
"Cô giáo" Dương Thị Sinh tâm sự: Sinh ra trong gia đình thuần nông, đông con, biến cố xảy đến khi năm hơn 2 tuổi, cô mắc bệnh viêm cơ. Dù gia đình hết sức chạy chữa, nhưng chân phải cứ teo dần, rồi ngắn hơn chân trái, khiến cô có dáng đi khập khiễng, chiều cao chỉ bằng một đứa trẻ. “Chính vì khiếm khuyết trên cơ thể, những ngày tháng đi học của tôi là cơn ác mộng vì tự ti. Khi đó, tôi hay bị bạn bè trêu chọc với cái tên "kăng-gu-ru" hay "con thỏ"", "cô giáo" Sinh thoáng buồn khi kể lại chuyện xưa…
"Cô giáo" Dương Thị Sinh kể tiếp, học xong cấp 2, đến năm thi vào cấp 3, điểm của cô thời đó cao nhất làng, nhưng do gia đình khó khăn, lại không thể tự di chuyển, nên gia đình khuyên cô nghỉ học. May sao, ngày cuối cùng nhập học, nhà trường tìm đến gia đình, thuyết phục đưa con tới trường, thầy cô trong trường bố trí học tại tầng 1 để cô tự vào lớp. Sau khi học xong cấp 3, Sinh thi đỗ vào khoa sư phạm của một trường đại học, cô hứng khởi chuẩn bị thủ tục, song do quá xa nhà, không ai đưa đi học, nên ước mơ trở thành giáo viên đành khép lại. Từ đó, cô quyết tìm việc làm để có thu nhập. Thế nhưng, xin việc nhiều nơi mà không đâu nhận do “cơ thể không bình thường”. Không đầu hàng số phận, cô quyết học nghề may và nhận may, sửa chữa quần áo tại nhà.
Năm 2016, sức yếu dần, cô quyết định dừng công việc may vá. Cùng thời điểm đó, trong xóm có 2 em nhỏ không thể cắp sách tới trường như các bạn, gia đình các bé nhờ cô trông giúp và cô nhận dạy miễn phí... Mặc dù hai bạn nhỏ tuy chậm phát triển, nhưng qua chỉ dạy và yêu thương của cô, các em dần tiến bộ, có thể tới trường tiếp nhận kiến thức như bạn bè cùng trang lứa. Đây chính là sự khởi đầu giúp cô tìm lại được ước mơ dạy học.
Vậy là, từ một lớp học miễn phí cho hai em nhỏ, "cô giáo" Dương Thị Sinh giờ đã trở thành người mẹ thứ hai của 65 học sinh. Trong 8 năm, nhiều em có hoàn cảnh đặc biệt, mồ côi cả bố và mẹ. Nhờ sự tận tâm và phương pháp giảng dạy phù hợp, học sinh của cô đều tiến bộ vượt bậc. “Tiếng lành đồn xa”, lớp học của "cô giáo" Sinh ngày càng thu hút phụ huynh gửi gắm con em tới học...
Lớp học của tình yêu thương
Dạy cho trẻ bình thường đã khó, dạy trẻ khuyết tật, thiểu năng còn khó hơn nhiều. Một số bạn bị tăng động, thường xuyên cáu gắt đập phá đồ đạc, một số bạn chân tay co cứng, không thể cầm bút…, song với sự kiên nhẫn, giảng giải tỉ mỉ, "cô giáo" Sinh đã dạy cho nhiều cháu biết kỹ năng, kiến thức, cách giao tiếp với mọi người xung quanh. “Một bạn chậm phát triển, khi đang học đánh rơi chiếc bút, nếu là trẻ bình thường thì cúi xuống nhặt để viết tiếp, nhưng với những bé như bạn này thì rất khó khăn và nản chí, thậm chí bỏ dở việc học, khi đó tôi ân cần, nhẫn nại hướng dẫn, động viên bé. Tôi cho rằng, chỉ có tình thương thực sự mới cảm hóa được con người”, cô Sinh nói...
Qua quan sát, cô thấy mỗi trẻ cần có cách giảng riêng, vừa dạy kiến thức, vừa dạy các bé ăn uống, sinh hoạt, vui chơi, giải trí... Khó khăn chồng khó khăn, đã có lúc cô chịu nhiều áp lực và muốn từ bỏ, song khi nhìn vào ánh mắt thơ trẻ mà sớm chịu thiệt thòi, cô thấy cả bản thân trong đó, tiếp tục dành yêu thương, tri thức cho các em... Tuy khiếm khuyết về thể trạng nhưng những bài giảng, những con chữ luôn chuẩn mực bởi nền tảng đó được xây dựng từ tình yêu học trò vô bờ bến, là sự đồng cảm sâu sắc như người mẹ, người thầy... Cảm nhận được tấm lòng của cô, phụ huynh, gia đình các em nhỏ có hoàn cảnh khó khăn, chậm phát triển truyền tai nhau để trao gửi niềm tin, khiến lớp học của "cô giáo” Dương Thị Sinh ngày càng đông học trò.
Để các em nhỏ được học tập tốt hơn, cô chạy khắp nơi vay tiền cải tạo khu đất trống sau nhà thành phòng học, nhưng đáng buồn là có nhiều nghi ngại về hoàn cảnh đặc biệt của cô… “Tôi gõ cửa nhiều nơi, nhiều ngân hàng thương mại…, nhưng đều bị từ chối. Trong lúc chưa biết bấu víu vào đâu, thì tôi được Ngân hàng Chính sách xã hội tin tưởng vào người khuyết tật cho tôi được vay vốn”, cô Sinh ngậm ngùi.
Với tinh thần “thấu hiểu lòng dân, tận tâm phục vụ", đầu tháng 4-2024, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Sóc Sơn hỗ trợ cô Sinh vay 100 triệu đồng để xây dựng phòng học và sản xuất, kinh doanh với mức 50% lãi suất cho vay đối với hộ thông thường (lãi suất 3,96%/năm, tương đương 0,33%/tháng)… Nhờ nguồn vốn vay này, "cô giáo” Sinh và các học trò đặc biệt đã có phòng học mới, khang trang. Ngoài ra, cô Sinh còn dành một phần vốn vay dự định mở cửa hàng tạp hóa nhỏ để có tiền trang trải…
“Sau bao năm, giờ tôi có một lớp học rộng rãi. Trước đây, phòng học nhỏ hẹp với 8 bé, thì nay các bé có thêm phòng học, phòng ngủ. Nhờ phòng học mới này, tôi có thể tăng ca để dạy toán, luyện chữ cho các bé từ lớp 1 đến lớp 5 ở địa phương và tôi còn có thể trả dần cho ngân hàng số vốn đã vay”, ánh mắt "cô giáo” Sinh lấp lánh niềm vui, hy vọng…
Chia tay lớp học đặc biệt, chúng tôi tin rằng, với tình thương, nghị lực, trách nhiệm và cả niềm yêu nghề, yêu trẻ, "cô giáo" Dương Thị Sinh cùng học trò của mình sẽ đạt những thành công đáng tự hào. Là những người khiếm khuyết về ngoại hình, nhưng trong họ có nguồn năng lượng dường như không thua kém bất kỳ người bình thường nào. Rồi đây, nếu được quan tâm nhiều hơn, họ sẽ thêm thuận lợi trên hành trình trở thành những công dân hữu ích cho bản thân, gia đình, xã hội…
Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/tam-long-cao-ca-cua-co-giao-duong-thi-sinh-690863.html