Trường đại học cần phải làm gì để từng giảng viên đạt 0,6 công trình/năm?

Mục tiêu này sẽ góp phần đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, từ đó tăng cường tiềm lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công bố khoa học.

Tại Quyết định số 1705/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược phát triển giáo dục đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045 đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm.

Nội dung này đang thu hút nhiều sự quan tâm của các cơ sở giáo dục đại học. Theo đại diện các trường, việc này tạo động lực nâng cao chất lượng và tính hiệu quả của hoạt động nghiên cứu khoa học trong giảng viên cũng như nhà trường.

Động lực thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học trong nhà trường

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Văn Huy – Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Ngoại ngữ, Đại học Huế chia sẻ, về số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đã được quy định tại Thông tư 01/2024/TT-BGDĐT về chuẩn cơ sở giáo dục đại học và cũng được nêu trong Chiến lược phát triển giáo dục.

Mục tiêu này sẽ giúp đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu, từ đó tăng cường tiềm lực, góp phần thúc đẩy sự phát triển của công bố khoa học. Các trường đại học muốn nâng cao chất lượng đào tạo bắt buộc phải nâng cao chuẩn về đội ngũ, đặc biệt là yêu cầu về nghiên cứu khoa học.

Đánh giá một cách tổng thể, việc này sẽ là động lực để giảng viên nâng cao trình độ cũng như số lượng công bố khoa học, xây dựng một văn hóa nghiên cứu trong môi trường học thuật. Từ đó góp phần nâng cao chất lượng giảng dạy và nghiên cứu.

Tuy nhiên, cần phải xem xét theo từng ngành cụ thể, vì mỗi lĩnh vực có đặc thù riêng. Chẳng hạn, các ngành như Khoa học tự nhiên hay Y, Dược thường thì mục tiêu này không quá cao và tương đối khả thi. Trong khi đó, với các ngành thiên về xã hội thì con số này lại có thể khó đạt được.

Ví dụ, đối với các ngành như ngôn ngữ, khoa học xã hội, việc đáp ứng con số này thường khó khăn hơn. Nguyên nhân chủ yếu là do đặc thù của các ngành này tập trung nhiều vào nghiên cứu khái niệm và lý thuyết, còn tính ứng dụng để có nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ thường hạn chế hơn so với các ngành khác.

Cũng theo thầy Huy, điều quan trọng nhất là các công trình phải có giá trị. Cần tập trung vào số lượng và cả chất lượng của các công trình. Bên cạnh số lượng phải xác định chất lượng của các sản phẩm khoa học công nghệ đó mang tính ứng dụng, được áp dụng vào thực tiễn, mang lại hiệu quả thiết thực trong đời sống ra sao.

Một công bố khoa học có ý nghĩa lớn khi nó không chỉ đóng góp về mặt lý thuyết mà còn mang lại giá trị thực tiễn. Tuy nhiên, cũng có những trường hợp công bố chỉ mang tính chất lý thuyết, điều này đòi hỏi không chỉ sự nâng cao tiêu chuẩn về số lượng mà còn cần tập trung vào chất lượng, tính ứng dụng, và tầm ảnh hưởng của các nghiên cứu.

 Ảnh minh họa: Mộc Trà

Ảnh minh họa: Mộc Trà

Cùng bàn về vấn đề này, theo Tiến sĩ Đỗ Trọng Đăng - Trưởng phòng Đào tạo, Trường Đại học Phú Yên, nghiên cứu khoa học là một nhiệm vụ của giảng viên và có vai trò rất quan trọng trong việc rèn luyện khả năng tư duy sáng tạo, năng lực nghiên cứu.

Về chiến lược đặt mục tiêu cụ thể đến năm 2030, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm là là một mục tiêu tất yếu và cần thiết.

Để đạt được mục tiêu như trong chiến lược nêu, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm cần tùy thuộc vào hoàn cảnh và điều kiện của từng trường.

Đối với những trường đại học lớn, có thế mạnh là đội ngũ giảng viên có trình độ chuyên môn cao, có năng lực nghiên cứu sẽ tạo ra một môi trường có sự kết nối, trao đổi kiến thức và mở rộng mạng lưới học thuật thì sẽ dễ dàng đạt được con số này.

Tuy nhiên, với những trường đại học có quy mô nhỏ, quá trình phát triển và xây dựng đội ngũ giảng viên vẫn còn những hạn chế nhất định. Đội ngũ nghiên cứu nhỏ và chưa quy mô như các trường đại học lớn, nên việc hình thành nhóm nghiên cứu để thúc đẩy lẫn nhau còn gặp khó khăn.

Bên cạnh đó, việc nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ cũng cần các điều kiện tài chính, tuy nhiên ngân sách còn khiêm tốn nên việc đạt được con số này có lẽ là một thách thức.

Còn theo Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Xuân Trường - Viện trưởng Viện Sinh học nông nghiệp, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, điều này không chỉ nâng cao năng lực nghiên cứu cá nhân, mà còn góp phần phát triển bền vững cho nền khoa học giáo dục trong nước.

Muốn có số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ thì cần phải có kinh phí và đề tài. Vì vậy, mục tiêu này vừa là tạo động lực nhưng cũng là áp lực nhằm thúc đẩy nâng cao năng lực giảng viên cũng như nâng hạng công bố khoa học của Việt Nam.

Chú trọng phát triển, nâng cao năng lực đội ngũ giảng viên

Nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ trong nhà trường là nhiệm vụ quan trọng, sẽ hỗ trợ góp phần phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và địa phương. Vì vậy, để đạt được mục tiêu trên, đòi hỏi các cơ sở đào tạo cần có điều kiện và những chiến lược cụ thể.

Theo thầy Huy, số lượng công bố khoa học và công trình ứng dụng khoa học công nghệ tính bình quân trên 01 giảng viên toàn thời gian đạt 0,6 công trình/năm, mỗi giảng viên cần nâng cao năng lực đào tạo và phát triển chuyên môn.

Bởi nếu không xây dựng và phát triển đội ngũ giảng viên đủ năng lực và trình độ, thì việc đạt được các tiêu chuẩn công bố khoa học cũng sẽ gặp nhiều khó khăn.

Việc này cũng đặt ra với mỗi trường cần có chiến lược và thời gian cụ thể để thực hiện mục tiêu này. Nếu giảng viên được tạo điều kiện tốt nhất để khai thác, sử dụng toàn bộ tiềm năng của họ, thì chắc chắn số lượng công trình công bố trong nước và quốc tế của giảng viên cũng tăng theo.

Bên cạnh đó, có thể thêm những điều kiện hỗ trợ, khuyến khích đội ngũ giảng viên tham gia các hoạt động nghiên cứu khoa học, như chế độ khen thưởng về mặt tài chính nhằm nâng cao trình độ nguồn nhân lực cả về vật chất và tinh thần.

Còn theo thầy Đăng, đây cũng là mục tiêu mà nhà trường phấn đấu đạt được trong những năm tới. Để đạt được con số trên, mỗi cơ sở giáo dục đều sẽ xây dựng kế hoạch để phấn đấu, đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ.

Đồng thời, cần thành lập các nhóm nghiên cứu khoa học nhằm đầu tư cho các nhà khoa học tích lũy và đạt đủ tiêu chuẩn tiến tới thành lập nhóm nghiên cứu mạnh cũng như tạo môi trường trao đổi học thuật để giảng viên phát triển được năng lực nghiên cứu khoa học của mình.

Ngoài ra cũng cần chú trọng đến việc đầu tư cơ sở vật chất, máy móc, thiết bị bảo đảm chất lượng giảng dạy, học tập và nghiên cứu cũng như tăng cường công tác ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất và đời sống, đẩy mạnh các hướng nghiên cứu phù hợp với cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay, việc đẩy mạnh nghiên cứu khoa học có ý nghĩa vô cùng quan trọng. Quá trình thực hiện các hoạt động nghiên cứu, phát triển khoa học công nghệ là cơ hội tốt để giảng viên có môi trường, cơ hội bồi dưỡng năng lực, góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, vị thế và uy tín của chính bản thân, đồng thời khẳng định vị thế và uy tín của trường với xã hội.

Thu Trang

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/truong-dai-hoc-can-phai-lam-gi-de-tung-giang-vien-dat-06-cong-trinhnam-post248602.gd