Tấm lòng cô giáo vùng cao: Hàng chục năm may áo gửi yêu thương đến học trò Pa Cô
Suốt hơn 20 năm cống hiến ở vùng biên khó khăn, cô giáo Trần Thị Châu luôn nỗ lực hết mình để thực hiện sứ mệnh của một nhà giáo. Cuối năm 2024, cô vinh dự được Chủ tịch nước trao tặng danh hiệu Nhà giáo ưu tú.
Xã Lìa thuộc huyện miền núi biên giới Hướng Hóa, phía Tây tỉnh Quảng Trị, nơi có hơn 95% dân cư là đồng bào dân tộc Vân Kiều và Pa Cô. Cuộc sống khó khăn của người dân nơi đây luôn là nỗi trăn trở của chính quyền địa phương, các chiến sĩ biên phòng, và những thầy cô giáo đã gắn bó nhiều năm với vùng đất này.
Cô giáo Trần Thị Châu (SN 1975), giáo viên Trường Mầm Non A Xing, xã Lìa, huyện Hướng Hóa, không thể quên hình ảnh của hơn 25 năm trước, khi lần đầu tiên cô đặt chân đến mảnh đất nghèo khó nơi biên giới.
"Tôi lên đây vào năm 1999, vào một ngày đông lạnh buốt. Đường xá di chuyển vô cùng khó khăn, nhưng điều khiến tôi xúc động nhất là hình ảnh nhiều đồng bào không có đủ áo quần để mặc. Những em nhỏ lem luốc được mẹ địu lên rẫy bằng một tấm vải buộc ngang người", cô Châu hồi tưởng.
Cô Châu sinh ra trong một gia đình khó khăn ở huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị. Vì hoàn cảnh gia đình, cô sớm phải từ bỏ ước mơ trở thành giáo viên và nghỉ học sau khi hoàn thành chương trình phổ thông để làm việc tại Nông trường cao su Hướng Hóa.
Trong thời gian đó, cô gặp gỡ và nên duyên với người chồng là giáo viên. Thấu hiểu và trân trọng ước mơ dang dở của vợ, chồng cô Châu luôn động viên, khuyến khích cô thực hiện hoài bão của mình bằng cách thi vào Trường Cao đẳng Sư phạm Quảng Trị.
Năm 2002, sau khi ra trường, cô Châu trở về công tác tại nhiều điểm trường ở huyện Hướng Hóa. Đến năm 2007, khi Trường Mầm non A Xing được thành lập, cô chính thức được biên chế và gắn bó với ngôi trường này cho đến nay.
Hơn 20 năm qua, với trọng trách của một nhà giáo, cô Châu luôn nỗ lực mang đến những điều tốt đẹp nhất cho học trò. Thương các em, cô không ngại đến những điểm trường xa xôi để giảng dạy. Cô còn chủ động học tiếng đồng bào để giúp học trò và phụ huynh dễ dàng hơn trong việc học tập và giao tiếp. Không chỉ vậy, suốt những năm qua, cô Châu đều đặn ngày lên lớp, tối cần mẫn may quần áo tặng học trò và những người dân nghèo trong vùng.
"Từ nhỏ gia đình tôi cũng khổ, cũng mặc áo quần cũ rách như người dân ở đây, nên tôi rất thương. Phải tự lập từ sớm nên tôi cũng biết khá nhiều việc, trong đó việc may vá khá thành thạo. Trong nhà có một căn phòng riêng để tôi may vá theo sở thích. Cũng vì thương và có 'tay nghề' nên tôi may quần áo tặng trò bao năm nay" cô Châu chia sẻ.
Kinh phí không được nhiều vì cô tự trích tiền lương để mua nguyên liệu, nên cô thường tìm các mối quen để nhận được giá ưu đãi. Nhiều tiệm may ở dưới xuôi biết việc làm ý nghĩa của cô cũng sẵn sàng cho đi vải thừa. Vải to cô may áo, vải nhỏ may khăn, may túi cho trò. Điều làm cô Châu vui nhất là khi khoác lên cho các em học sinh chiếc áo mới và nhìn nụ cười hồn nhiên của những mầm non giữa núi rừng.
Cống hiến cho giáo dục và an sinh xã hội ở vùng khó phía Tây tỉnh Quảng Tri, nhiều năm liền cô Châu nhận danh hiệu chiến sĩ thi đua cơ sở. Đặc biệt năm 2024, cô giáo Trần Thị Châu vinh dự được nhận danh hiệu Nhà giáo ưu tú do Chủ tịch nước trao tặng.