Tấm lòng của mẹ

Vào những dịp lễ, tết, Huyện Đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, phối hợp nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho mẹ Đặng Thị Em (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước)

Vào những dịp lễ, tết, Huyện Đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, phối hợp nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho mẹ Đặng Thị Em (xã Phước Tuy, huyện Cần Đước)

“Trung dũng kiên cường, toàn dân đánh giặc” là danh hiệu cao quý, minh chứng cho sự đóng góp to lớn của quân, dân Long An trong các cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước. Trong đó có sự hy sinh cao cả của những Bà mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) như mẹ Đặng Thị Em (SN 1935, ngụ ấp 6, xã Phước Tuy, huyện Cần Đước) - người phụ nữ với trái tim nhân hậu và lòng yêu nước nồng nàn.

Chồng của mẹ có một người con trai riêng từ cuộc hôn nhân trước. Sau khi người vợ cũ qua đời, mẹ yêu thương và chăm sóc người con trai của chồng như con ruột của mình. Gia đình mẹ sống gần căn cứ của địch, thường xuyên nhìn thấy cảnh bọn địch giày xéo quê hương, lòng mẹ từ lâu đã trào dâng mối căm thù giặc sâu sắc.

Trong những năm tháng chiến tranh, mẹ Em không ngại nguy hiểm, âm thầm giúp đỡ những người tham gia cách mạng. Mẹ thường xuyên lén mang thuốc men, thức ăn đến cho bộ đội.

Được biết, trong dòng họ của mẹ có nhiều người tham gia cách mạng. Mẹ Em kể: "Bọn kia (quân địch) nó biết nhưng đâu có bằng chứng hay thấy tận mắt mà bắt. Có đôi lần, bọn nó kêu tôi lên lấy lời khai, kêu chỉ điểm nơi ẩn náu rồi cho tiền nhưng tôi không khai. Tụi nhỏ (những người tham gia cách mạng) toàn con cháu mình, thương còn không hết nữa,... Có những lúc tụi nhỏ về nhà ngủ, tôi thức canh cả đêm, có chuyện gì là báo liền để đi ẩn náu”.

Những năm tháng chiến tranh khốc liệt, mẹ mất đi những người thân yêu. Nỗi đau trong lòng mẹ Em không gì bù đắp được. Người đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh, mẹ không kìm được nước mắt trong những lần nhận tin báo tử của con.

Năm 1967, anh Trần Văn Đây nhập ngũ, 1 năm sau đó hy sinh. Nỗi đau mất con như xé nát tâm can nhưng mẹ vẫn nén đau thương để tiếp tục động viên con trai Trần Văn Kết lên đường nhập ngũ.

Năm 1986, anh Trần Văn Kết cũng hy sinh trong cuộc chiến tranh bảo vệ biên giới Tây Nam tại Campuchia. "Lúc đó, mẹ khóc ngày, khóc đêm bởi mọi thứ như sụp đổ... Cũng muốn bình tĩnh nhưng nghe con mình hy sinh thì làm sao bình tĩnh được. Tôi giờ gần 90 tuổi, còn tụi nó thì mãi ở tuổi hai mươi mấy thôi!” - mẹ Em xúc động nói.

Ghi nhận những đóng góp, hy sinh to lớn của mẹ, năm 2016, mẹ Đặng Thị Em được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Bà mẹ VNAH. Dù đã gần 90 tuổi, mẹ vẫn khỏe mạnh, sống bình dị. Mẹ luôn nhận được sự yêu quý, kính trọng của con cháu và sự quan tâm của cấp ủy Đảng, chính quyền địa phương.

Theo Bí thư Huyện Đoàn Cần Đước - Đặng Vũ Khánh, vào những dịp lễ, tết, Huyện Đoàn đến thăm hỏi, tặng quà, phối hợp nhân viên y tế kiểm tra sức khỏe cho mẹ. Ngoài ra, Huyện Đoàn còn hỗ trợ sửa chữa, dọn vệ sinh nhà cửa cho mẹ; đi chợ, nấu ăn, trò chuyện, động viên mẹ vơi bớt đau thương, mất mát.

“Hoạt động nhằm duy trì thực hiện mô hình Người con hiếu thảo của Huyện Đoàn; đồng thời, là việc làm thể hiện truyền thống, đạo lý “Uống nước nhớ nguồn", tỏ lòng tri ân sâu sắc của các cấp bộ Đoàn, Hội trên địa bàn huyện với những hy sinh thầm lặng và nỗi đau mất mát của mẹ Đặng Thị Em” - anh Đặng Vũ Khánh cho biết.

Trải qua bao thăng trầm của cuộc sống, mẹ Đặng Thị Em vẫn giữ phẩm chất cao đẹp của người phụ nữ Việt Nam. Cuộc đời và sự cống hiến to lớn của mẹ mãi là tấm gương sáng cho bao thế hệ trẻ học tập và noi theo./.

Tuổi trẻ Đức Hòa tri ân Mẹ Việt Nam Anh hùng và các anh hùng liệt sĩ

Trong chuỗi hoạt động kỉ niệm 49 năm ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, các bạn đoàn viên, thanh niên huyện Đức Hòa đến thăm, tặng quà Mẹ Việt Nam Anh hùng và dâng hương tri ân các anh hùng liệt sĩ.

Khánh Duy

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tam-long-cua-me-a178957.html