Tấm lòng của những người thầy áo trắng

Không chỉ truyền thụ kiến thức trên bục giảng, các giảng viên Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh còn có những hoạt động thiện nguyện giúp đồng bào vùng sâu, vùng xa, vùng biên giới ở các tỉnh miền Tây. Mỗi chuyến đi như vậy đều để lại những tình cảm đặc biệt, kỷ niệm khó quên giữa những người thầy áo trắng với người dân địa phương.

Trong chuyến hành trình về Long An, các giảng viên đồng thời là y, bác sĩ Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh đã đến với bà con xã biên giới Mỹ Bình, huyện Đức Huệ. Thực hiện Chương trình “Chung một vòng tay”, các y, bác sĩ đã trao 5 suất học bổng, mỗi suất trị giá 1,5 triệu đồng tặng các học sinh nghèo học giỏi. Ngoài ra, đoàn đã trao 3 phần quà tặng 3 gia đình có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn xã và trao 3 tủ thuốc cùng các loại thuốc phục vụ nhu cầu thiết yếu tặng Ban CHQS huyện Đức Huệ, Đồn Biên phòng Mỹ Thạnh Tây và Trường Tiểu học Mỹ Bình (xã Mỹ Bình). Tổng kinh phí 20 triệu đồng.

 Các y, bác sĩ Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trao tặng thuốc và học bổng tại Chương trình “Chung một vòng tay” tổ chức tại huyện Đức Huệ (Long An).

Các y, bác sĩ Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh trao tặng thuốc và học bổng tại Chương trình “Chung một vòng tay” tổ chức tại huyện Đức Huệ (Long An).

Ông Trần Văn Khiết, Phó chủ tịch UBND xã Mỹ Bình cho biết: “Địa phương là xã vùng biên còn gặp nhiều khó khăn về mọi mặt. Việc giúp đỡ của các y, bác sĩ Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh là việc làm mang nhiều ý nghĩa thiết thực, góp phần cổ vũ, động viên đối với chính quyền và nhân dân nơi đây trong hành trình vượt khó vươn lên”.

Rời xã Mỹ Bình, đoàn y, bác sĩ tiếp tục hành trình đến với huyện vùng biên Mộc Hóa. Trong suốt một hành trình dài, mọi người đều cảm thấy mệt mỏi bởi những quãng đường đầy ổ voi, ổ gà nơi biên giới. Vậy nhưng khi có mặt tại Trung tâm sinh hoạt cộng đồng thị trấn Bình Phong Thạnh và chứng kiến cảnh người dân có mặt để được khám, chữa bệnh đã tiếp thêm sức mạnh cho đoàn. Không để bà con phải chờ đợi lâu, các y, bác sĩ mỗi người một việc, nhanh chóng bắt tay vào khám bệnh cho bà con.

Cô Nguyễn Thị Hoa, người dân được các y, bác sĩ khám bệnh chia sẻ: “Chúng tôi sống ở biên giới nên ít khi đi khám tầm soát sức khỏe. Giờ đây, có các y, bác sĩ về khám bệnh, cấp thuốc miễn phí, bà con rất vui. Được sự tư vấn của bác sĩ, tôi sẽ chú ý cải thiện sinh hoạt hằng ngày của mình để nâng cao sức khỏe bản thân”.

Bà con nhân dân đến mỗi lúc một đông, áp lực công việc tăng lên, khiến chiếc áo blouse trắng của mỗi y, bác sĩ thấm đẫm mồ hôi. Thế nhưng đáp lại niềm tin của người dân, các bác sĩ vẫn tận tình, chu đáo, tỉ mỉ để khám bệnh cho từng người. Theo Thạc sĩ, bác sĩ Nguyễn Ngọc Tú, Bí thư Đoàn trường, giảng viên bộ môn Hồi sức cấp cứu-chống độc: “Để chuyến công tác đạt chất lượng, kết quả cao, ngoài khám bệnh thông thường, chúng tôi còn có các thiết bị siêu âm, chụp X-quang để thực hiện các nghiệp vụ chuyên sâu. Qua thăm khám, người dân ở đây chủ yếu bị các bệnh như huyết áp cao, bệnh răng miệng, xương khớp... Bên cạnh đó, chúng tôi phát hiện được một số người dân bị suy tim và cũng đã tư vấn cho họ cách điều trị”.

Để nghĩa tình nơi biên giới thêm gắn bó, đoàn y, bác sĩ Trường Đại học Y Dược TP Hồ Chí Minh còn phối hợp với Ban CHQS huyện Mộc Hóa tổ chức các hoạt động đêm lửa trại, giao lưu văn hóa-văn nghệ. Khi những lời ca, tiếng hát hòa chung cùng ngọn lửa bập bùng đã tạo nên không khí buổi giao lưu thêm ấm áp. Đoàn công tác còn trao tặng nhiều phần quà đến các gia đình chính sách, gia đình có công với cách mạng trên địa bàn huyện. Những việc làm nghĩa tình của các y, bác sĩ càng tô thắm truyền thống tốt đẹp của các lương y-người thầy thuốc.

Bài và ảnh: BIỆN CƯỜNG

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/ban-doc/thu-ban-doc/tam-long-cua-nhung-nguoi-thay-ao-trang-719884