Tấm lòng hảo tâm của ông 'chủ chợ'

Ông Phạm Ngọc Quang, Giám đốc HTX Quang Tiến, xã Hợp Hòa (Sơn Dương) được biết đến với vai trò là nhà kinh doanh, có 'máu' làm kinh tế, tâm huyết với chợ nông thôn. Nhưng mọi người còn biết đến ông là người có tấm lòng hảo tâm, quan tâm đến những người có hoàn cảnh khó khăn trong đợt dịch bệnh Covid-19 vừa qua.

Chia sẻ khó khăn

Chúng tôi đến đúng lúc vợ chồng ông Phạm Ngọc Quang đang tất bật chuẩn bị gạo, nhu yếu phẩm để mang đến UBND xã Hợp Hòa hỗ trợ những người dân gặp khó khăn, địa phương nơi gia đình ông sinh sống. Sau khi kiểm tra danh sách các hộ khó khăn do địa phương cung cấp, ông đã bổ sung vào danh sách thêm 3 hộ nữa. Ông giải thích: “vì tôi sống ở đây nên biết được còn một vài hộ nữa, tuy không thuộc hộ nghèo nhưng vì thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, họ mất việc làm nên thiếu đột xuất và có hộ thì quá khó khăn do nhà có mấy người bệnh tật... nên tôi hỗ trợ thêm, “một miếng khi đói bằng cả gói khi no” mà!”.

Gia đình ông Quang hỗ trợ trực tiếp cho 58 hộ, mỗi suất gồm 10 kg gạo thơm, 1 thùng mì tôm, 1 lít dầu ăn, 10 chiếc khẩu trang y tế. Tổng số tiền khoảng gần 20 triệu đồng. Người ta vẫn bảo “của cho không bằng cách cho”, vì thế ông Quang đã cùng với vợ, con đến từng hộ để trao. Hộ nào ông không đến được ông tìm cách để gửi về tận nhà. Ông Nguyễn Văn Giả thuộc hộ nghèo của thôn Đồng Báo chia sẻ: Cảm ơn tấm lòng của gia đình bác Quang lắm! Trong lúc cả nước chung tay chống dịch bệnh, ai cũng tập trung lo cho gia đình mình, vậy mà gia đình bác ấy lại san sẻ khó khăn với chúng tôi. Còn với chị Nguyễn Thị Hoa, thôn Cầu Đá thì sự hỗ trợ này quý giá vô cùng. Chị bảo, nhà sắp hết gạo, may quá hôm nay lại được bác Quang hỗ trợ không thì lại phải sang anh em, hàng xóm vay. Gia đình chị Hoa thuộc diện đặc biệt khó khăn, chỉ có chị là lao động chính, con gái chị mắc bệnh hiểm nghèo, chị gái thì bị bệnh về não đều ở với chị. Nhà chỉ trông vào 3 sào ruộng, lúa gặt xong có khi bán quá nửa để thuốc thang cho con, cho chị. Lúc dịch bệnh, giãn cách xã hội không ai thuê làm gì nên lại càng khó khăn.

Hai vợ chồng ông Phạm Ngọc Quang chuẩn bị gạo trao cho hộ nghèo xã Hợp Hòa.

Hai vợ chồng ông Phạm Ngọc Quang chuẩn bị gạo trao cho hộ nghèo xã Hợp Hòa.

Việc làm của ông Quang được chính quyền địa phương, người nhà ủng hộ. Ông Quang cho biết, khi ông đưa ra ý định hỗ trợ hộ dân trong xã, cô con gái thứ Phạm Mai Phương đang làm Giám đốc Viện thẩm mỹ Ruby có trụ sở ở thành phố Hồ Chí Minh đã động viên và tài trợ kinh phí để ông thực hiện.

Anh Nguyễn Văn Hiếu, Chủ tịch UBND xã Hợp Hòa khẳng định: Tấm lòng của ông Quang rất đáng quý, nhất là trong thời điểm cả xã hội đang “chiến đấu” với dịch bệnh Covid-19, nhiều hộ khó khăn trong xã còn vất vả. Sự hỗ trợ này đã kịp thời cùng với chính quyền địa phương lo cho người dân tốt hơn.

Tâm huyết với chợ nông thôn

Sinh ra và lớn lên ở thôn Đồng Phai, xã Hợp Hòa nên văn hóa làng xã đã ngấm vào con người ông Quang, thêm vào đó lại sẵn “máu kinh doanh” nên ông đã đầu tư xây dựng quản lý chợ nông thôn với tâm niệm “vừa làm kinh tế, vừa giúp người dân có nơi mua bán đàng hoàng; cũng là góp chút sức lực cùng địa phương xây dựng nông thôn mới” - ông Quang tâm sự.

Chợ phiên của xã Hợp Hòa được ông Quang đầu tư từ năm 2014 với số tiền trên 2 tỷ đồng, tạo điều kiện cho trên 100 hộ kinh doanh có nơi bán hàng. Chị Nguyễn Thị Yến, hộ kinh doanh trong chợ cho biết, từ ngày có chợ mới các hộ kinh doanh yên tâm hơn, ngoài sạch sẽ, mưa nắng đỡ lo thì an ninh được đảm bảo.

Một số gian hàng tại chợ nông thôn Tú Thịnh.

Một số gian hàng tại chợ nông thôn Tú Thịnh.

Cảnh mua bán tấp nập trong không gian thoáng đãng, sạch sẽ, có bãi để xe, hệ thống đường giao thông trong chợ được bê tông là những hình ảnh về chợ nông thôn tại thôn Hưng Thịnh, xã Tú Thịnh vừa được đưa vào hoạt động với cả trăm gian hàng. Công trình được đầu tư bởi HTX Quang Tiến do ông Phạm Ngọc Quang là Giám đốc HTX. Ông cho biết: Đến hết tháng 4-2020, tổng mức vốn đầu tư đã lên trên 6 tỷ đồng cho giai đoạn 1, bao gồm xây dựng 200 gian hàng có mái che, hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch đảm bảo phục vụ cho tiểu thương kinh doanh. Giai đoạn tiếp theo sẽ xây dựng các gian hàng, cửa hàng kiên cố bàn giao trực tiếp cho tiểu thương quản lý sử dụng trong thời gian 50 năm. Để khuyến khích, tạo điều kiện cho các hộ đăng ký bán hàng tại chợ, HTX Quang Tiến đã tạo điều kiện thuận lợi cho tiểu thương đăng ký kinh doanh; minh bạch tiền thuê mặt bằng kiốt; các khoản phí khác như trông giữ phương tiện, điện, nước, vệ sinh môi trường sẽ được thực hiện đúng theo quy định hiện hành. HTX bố trí các gian hàng hợp lý, áp dụng công tác quản lý rõ từng khâu theo hướng văn minh, lịch sự và bảo đảm an ninh, an toàn giao thông...

Trước đây, chợ cũ xã Tú Thịnh tại thôn Ngãi Thắng có diện tích nhỏ hẹp, thường xuyên gây ách tắc và mất trật tự an toàn giao thông trên Quốc lộ 37. UBND huyện đã quy hoạch trên diện tích 6.876 m2 đáp ứng tiêu chuẩn thiết kế chợ hạng 3. HTX Quang Tiến là đơn vị trúng thầu thuê đất, xây dựng, khai thác và quản lý chợ với kinh phí trên 2,55 tỷ đồng. Cuối năm 2019 chợ đã hoàn thành và đưa vào hoạt động tháng 12-2019 với hơn 200 gian hàng có mái che, cùng hệ thống điện chiếu sáng, hệ thống nước sạch đảm bảo phục vụ cho các tiểu thương kinh doanh, đồng thời hạn chế mất an toàn giao thông.

Chị Phùng Thị Nụ, ở Tổ dân phố Kỳ Lâm, thị trấn Sơn Dương bán các loại rau xanh tại chợ Tú Thịnh cho biết: gia đình có 7 sào đất chuyên trồng các loại rau xanh thường xuyên được cung cấp tại chợ phiên xã Tú Thịnh. Chị cho biết, việc đầu tư xây dựng chợ tiêu chuẩn như thế này đã giúp cho các tiểu thương buôn bán được thuận lợi hơn.

Ông Quang thẳng thắn, đầu tư xây dựng và quản lý chợ nông thôn nguồn vốn quay vòng khá lâu, có khi phải 20 - 30 năm mới thu hồi được vốn ban đầu, đòi hỏi nhà đầu tư phải kiên trì, đồng thời phải có chiến lược kinh doanh, quản lý bài bản. Xác định được điều này nhưng vì “máu kinh doanh” nên ông vẫn quyết làm. Về lâu dài thì cũng chưa thể biết lỗ lãi ra sao bởi xã hội ngày càng phát triển, nhiều siêu thị, cửa hàng tiện lợi ra đời. Tuy vậy, ông vẫn muốn giữ gìn nét văn hóa chợ phiên của vùng nông thôn.

Phóng sự: Trang Tâm

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/phong-su/tam-long-hao-tam-cua-ong-chu-cho-131864.html