Tấm lòng người Bình Phước trong 'tâm dịch' TP. Hồ Chí Minh!

Những ngày qua TP. Hồ Chí Minh vẫn đang tất bật, vội vã trong cơn đại dịch khi mà con số lây nhiễm ở mức độ cao nhất nước. Đã có hàng trăm, hàng ngàn y, bác sĩ, tình nguyện viên cả nước đổ dồn về đây để góp sức, chung tay chống dịch, nhưng con số này hiện nay vẫn chưa đáp ứng với yêu cầu vừa chữa trị, vừa xét nghiệm, tiêm ngừa với một thành phố gần 15 triệu dân.

TP. Hồ Chí Minh vắng lặng ở những con đường, góc phố nhưng lại nhộn nhịp ở các bệnh viện cấp cứu, hồi sức, bệnh viện dã chiến và những địa điểm xét nghiệm tiêm phòng Covid-19 cho người dân. Hòa cùng nhịp sống của thành phố hiện tại, có những chiến binh âm thầm, lặng lẽ làm công việc cứu người hết sức cao quý, đó là vận chuyển bệnh nhân bị lây nhiễm Covid-19 từ nhà đến bệnh viên hoặc đến các địa điểm cách ly. Họ là những người dân Bình Phước tình nguyện đến với TP. Hồ Chí Minh, đem cả phương tiện vận chuyển của mình gia nhập vào đội quân vận chuyển không đồng, góp sức cùng thành phố vượt qua cơn đại dịch.

2 xe cấp cứu Hùng Nga luôn có mặt ở tất cả điểm nóng về dịch trên đường phố TP. Hồ Chí Minh

2 xe cấp cứu Hùng Nga luôn có mặt ở tất cả điểm nóng về dịch trên đường phố TP. Hồ Chí Minh

Anh Nguyễn Mạnh Hùng, Giám đốc Công ty cấp cứu Hùng Nga ở thành phố Đồng Xoài là một tấm gương điển hình trong phong trào này. Dù 11/11 huyện, thị, thành phố ở Bình Phước đều có ca dương tính với Covid-19, tuy nhiên do làm tốt công tác phòng chống, nên tỷ lệ bệnh nhân lây nhiễm không nhiều. Thấy được sự khó khăn của Sài Gòn trong cơn đại dịch, anh đã bàn với vợ đem 2 xe cấp cứu về Sài Gòn tham gia đội xe “0 đồng” chuyên vận chuyển bệnh nhân lây nhiễm từ nhà vào bệnh viện cấp cứu. Thế là từ ngày 21-7 đến nay, anh và một lái xe khác của công ty luôn túc trực 24/24 ở đây, nhận và lên đường bất cứ lúc nào. 2 xe cấp cứu Hùng Nga luôn có mặt ở tất cả điểm nóng về dịch trên đường phố TP. Hồ Chí Minh.

Nửa tháng qua, không biết anh và đồng nghiệp đã vận chuyển bao nhiêu ca bệnh, chỉ biết rằng gần 500 bộ đồ bảo hộ y tế của anh và đồng nghiệp sắp hết. Ngủ nghỉ thì tự túc, có khi ngủ cả trên xe, có gì ăn nấy, nghe chuông điện thoại là nổ máy lên đường ngay.

Không chỉ riêng TP. Hồ Chí Minh, Công ty Hùng Nga còn chi viện 4 xe cấp cứu khác cho tỉnh Đồng Nai cũng làm công tác thiện nguyện. Do tỉnh Đồng Nai số ca lây nhiễm ít, nên tỉnh đã hỗ trợ đoàn xe của anh 50% kinh phí. Và 4 xe cấp cứu Hùng Nga luôn có mặt 24/24 ở tất cả các điểm nóng từ Sài Gòn - Bình Dương đến Đồng Nai, góp phần công sức của mình trong trận chiến chống Covid-19.

Hà Nhi - cái tên mảnh khảnh như dáng người thon thả của mình. 2 tháng gần đây, shop phun xăm của Hà Nhi đóng cửa vì giãn cách xã hội. Là người biết lái xe từ ở quê nhà trước khi về TP. Hồ Chí Minh tạo nghiệp, Hà Nhi tình nguyện vào đội xe thiện nguyện Nhất Tâm quận 1, chuyên vận chuyển bệnh nhân nhiễm Covid-19 từ nhà đến bến bệnh viện cấp cứu hoặc đến các điểm thu dung, cách ly. Mới 25 tuổi, chưa có “mảnh tình vắt vai” nhưng Hà Nhi lại dũng cảm, kiên cường xông pha vào mặt trận chống dịch bất kể ngày đêm. Khái niệm “thân gái dặm trường” đã không còn tồn tại trong tâm tưởng của cô gái Bình Phước đẹp người, đẹp nết này. Ước nguyện của Hà Nhi là được góp chút công sức nhỏ bé của mình vào cuộc chiến chống dịch.

Ở TP. Hồ Chí Minh còn có Nguyễn Bá Hùng - nhạc sĩ trẻ quê Bù Đăng - Bình Phước đang sống bằng nghề tự do. Xuất thân là thạc sĩ chuyên ngành đạo diễn và sáng tác nhạc, Hùng luôn nghĩ mình cũng nên làm gì đó để góp sức cùng Sài Gòn chống dịch. Qua bao ngày suy tư, ấp ủ, Hùng đã sáng tác ra nhiều bài hát để động viên những chiến sĩ áo trắng, những chiến sĩ tình nguyện ngày đêm trên trận tuyến đầy cam go, thử thách này. Chỉ trong thời gian ngắn, Hùng đã cho ra đời nhiều tác phẩm làm lay động bao con tim. Những bài hát này đã được nhiều ca sĩ thẩm thấu đem đến các bệnh viện dã chiến, các khu cách ly, động viên đội ngũ y, bác sĩ quên đi mệt mỏi, tập trung trí lực giành lại tính mạng và sức khỏe cho người dân TP. Hồ Chí Minh… “Tôi có vài cuộc hẹn”, “Thương nhớ Sài Gòn” là 2 trong 4 ca khúc hay được nhiều ca sĩ chọn biểu diễn trong những đêm hát phục vụ tại các bệnh viện dã chiến…

Quả thật trong cơn đại dịch này, mọi sự đóng góp dù nhiều, dù ít vẫn đáng quý, đáng trân trọng. Người có của thì đóng góp của, không có thì đóng góp công sức, trí tuệ. Những sản phẩm tinh thần vẫn là món quà vô giá trong cuộc chiến chống dịch bệnh Covid-19. Bình Phước anh hùng, sản sinh ra những con người chân chất, thật thà, bình dị nhưng có tấm lòng rộng lượng, bao dung. Bình Phước có dòng Sông Bé chảy qua, từ đó nhạc sĩ Đặng Quang Vinh đã từ lâu cho ra đời bài hát “Khúc hát từ một dòng sông”, trong đó có đoạn: “… là Sông Bé nhưng lòng sông rất rộng…”! Đó cũng là tấm lòng của người dân Bình Phước trong cuộc chiến với đại dịch này.

Minh Hoàng

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/9/125871/tam-long-nguoi-binh-phuoc-trong-tam-dich-tp-ho-chi-minh