Tấm lòng thầy giáo vùng biên
Với mong muốn giúp trẻ em Việt kiều Campuchia trên địa bàn biết đọc, viết, phổ cập đến lớp 3 theo Chương trình giáo dục tiểu học quốc gia, thầy Huỳnh Quốc An - giáo viên Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, xã Vĩnh Bình, huyện Vĩnh Hưng, tỉnh Long An đồng hành cùng 'Lớp học tình thương' hơn 3 năm nay.
Đây là mô hình do Đoàn Thanh niên xã Vĩnh Bình thành lập để dạy cho các em là con của Việt kiều Campuchia đang sinh sống trên địa bàn xã. Bí thư Đoàn xã Vĩnh Bình - Nguyễn Minh Tấn cho biết: “Qua khảo sát, trên địa bàn ấp 2 còn nhiều trẻ em Việt kiều Campuchia chưa được đi học, Đoàn Thanh niên xã đã tham mưu Đảng ủy xã cho chủ trương triển khai, thực hiện mô hình Lớp học tình thương vào năm 2019. Đồng thời, Đoàn xã phối hợp đội ngũ giáo viên Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, trong đó có thầy Quốc An, để tổ chức giảng dạy cho các em”.
Thầy Quốc An, sinh năm 1990, là giáo viên phụ trách phổ cập, giảng dạy bộ môn giáo dục thể chất từ lớp 1-5. Ngoài giờ giảng dạy trên lớp tại Trường Tiểu học và THCS Vĩnh Bình, đều đặn vào 18 giờ hàng ngày, thầy lại đến lớp học tình thương tại trụ sở ấp 2, xã Vĩnh Bình. Ở đây, trẻ em Việt kiều Campuchia có thể thoải mái học tập theo hướng dẫn của thầy Quốc An. Do chênh lệch về độ tuổi, những em có khả năng tiếp cận nhanh sẽ được thầy hướng dẫn thêm các bài học cao hơn; đối với các em tiếp thu chậm, thầy soạn chương trình phù hợp và dạy thêm giờ sau mỗi buổi học.
Thầy Quốc An tâm sự: “Ban đầu, khi nhận dạy cho các em ở lớp học tình thương, tôi chỉ nghĩ là hỗ trợ mô hình của Đoàn Thanh niên xã nên áp dụng theo đúng chương trình giáo dục hiện tại. Tuy nhiên, sau một thời gian giảng dạy, tôi thấy được sự siêng năng, tích cực và niềm háo hức học tập của các em, từ đó tôi tìm tòi, nghiên cứu phương pháp phù hợp để có thể truyền tải kiến thức đến từng em”. Sau những giờ giảng dạy tại trường, thầy Quốc An dành thời gian biên soạn lại chương trình học cho từng nhóm “học sinh” của lớp học tình thương. Hiện tại, hầu hết các em đã quen với cách dạy và từng bước tiến bộ, bắt kịp với chương trình giáo dục tiểu học.
Được biết, lớp học tình thương của xã Vĩnh Bình có 34 trẻ em là con của Việt kiều Campuchia di dân tự do về đây sinh sống nên chưa đủ điều kiện để cấp hộ khẩu thường trú, vì vậy, các em cũng không được đi học. Hàng ngày, đa số các em mưu sinh bằng nghề bán vé số, một số em phụ giúp việc vặt trong gia đình, đến 18 giờ, các em mới có thời gian tham gia lớp học tình thương do Đoàn xã tổ chức.
Em Lê Thị Mãi - học sinh của lớp học tình thương, chia sẻ: “Thầy Quốc An dạy cho chúng con các bài tập đánh vần, làm toán. Đến nay, con đã đọc được hết các bài viết trên sách, biết làm các phép tính cộng, trừ, nhân, chia,... Chúng con rất biết ơn và hứa sẽ học tập thật tốt để không phụ lòng thầy đã dạy cho chúng con”.
Với sự lễ phép, biết chào hỏi khi gặp người lớn của các em, có thể thấy, ngoài việc dạy chữ, truyền đạt kiến thức, thầy Quốc An còn coi trọng giảng dạy đạo đức, kỹ năng sống cho các em. Bằng sự nhiệt huyết, tận tâm với công việc, thầy Quốc An được các phụ huynh, học sinh và người dân trên địa bàn xã yêu quý, kính trọng. Mô hình Lớp học tình thương đã góp phần cùng địa phương thực hiện mục tiêu xóa mù chữ, động viên các em Việt kiều Campuchia cố gắng học tập để có tương lai tươi sáng hơn sau này./.
Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tam-long-thay-giao-vung-bien-a145086.html