Tấm lòng thầy thuốc 'quân hàm xanh'
Hằng năm, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng (BĐBP) tỉnh Điện Biên đều tổ chức các đoàn công tác đưa thầy thuốc 'quân hàm xanh' về cơ sở khám, chữa bệnh cho người dân trên các tuyến biên giới. Hành trang ngoài các loại trang thiết bị, thuốc men, thầy thuốc 'quân hàm xanh' còn đem theo hàng tấn quà là những đồ dùng thiết yếu để chia sẻ với đồng bào dân tộc thiểu số ở địa đầu biên giới trên cực tây của Tổ quốc…
Hôm trước lúc đoàn cán bộ quân y BĐBP Điện Biên lên đường về huyện Mường Nhé, Thiếu tá Hoàng Văn Chương, Chủ nhiệm Quân y (Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên), dành thời gian trao đổi với chúng tôi về kế hoạch, ý nghĩa những chuyến đi về với nhân dân của thầy thuốc “quân hàm xanh”. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ, giữ vững chủ quyền an ninh biên giới, nhiều năm nay, Bộ Chỉ huy BĐBP Điện Biên rất quan tâm thực hiện kế hoạch đưa y, bác sĩ về các khu vực biên giới chăm lo sức khỏe nhân dân, nhất là bộ phận đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, hoàn cảnh khó khăn không có điều kiện về các bệnh viện, trung tâm y tế lớn để thăm khám, chữa trị. Năm nay, theo kế hoạch, Ban Quân y BĐBP Điện Biên sẽ tổ chức hai đoàn về thăm khám và tặng quà nhân dân hai huyện Mường Nhé và Điện Biên. Đoàn cũng khám, chữa bệnh cho người dân bản Na Luông, cụm bản Sốp Hùn, huyện Mường Mày, tỉnh Phoong Sa Ly (nước CHDCND Lào). Ngoài cơ số thuốc dự kiến cấp cho khoảng 2.000 người, đoàn chuẩn bị hàng nghìn phần quà là gạo, mì tôm, bánh kẹo để dành tặng người già, trẻ nhỏ và các gia đình hoàn cảnh khó khăn.
Mới sáng sớm, tại Trạm Y tế xã Sín Thầu (Mường Nhé) đã có hàng trăm người là đồng bào dân tộc Hà Nhì từ các bản: Tá Miếu, Tả Kố Khừ, Pờ Nhù Khồ… tề tựu chờ được thăm khám. Quan sát đoàn người đến chờ khám, chúng tôi nhận thấy có rất đông người già và phụ nữ; họ rất háo hức chờ được thăm bệnh, cấp thuốc. Đứng đầu trong đoàn người chờ khám là ông Pờ Gia Se ở bản Pờ Nhù Khồ. Ông Pờ Gia Se chia sẻ: Nghe tin đoàn bác sĩ quân y BĐBP về khám, phát thuốc cho người dân, sớm nay tôi đã đến từ lúc 5 giờ. Đến đây, tôi gặp người từ các bản Tá Miếu, Sín Thầu, Tả Kố Khừ, cũng về đông lắm. Được khám bệnh, cấp thuốc chữa bệnh đau lưng, tôi mừng lắm.
Cũng trong đoàn người được thầy thuốc “quân hàm xanh” thăm khám ở Sín Thầu hôm ấy, anh Sừng Sừng Sinh, bản Tá Miếu cho biết: Không chỉ được thăm khám bệnh tận tình và cấp thuốc miễn phí, khi đến đây, chúng tôi còn được các y, bác sĩ ân cần động viên, dặn dò mỗi nhà phải giữ gìn vệ sinh môi trường, làm nhà vệ sinh, đào hố rác; từ bỏ các hủ tục để phòng, chống dịch bệnh. Mỗi khi có người nhà ốm đau cần đưa đến các cơ sở y tế thăm khám, điều trị bệnh đúng cách chứ không để người bệnh ở nhà lâu ngày rất nguy hiểm. Được nghe bác sĩ của BĐBP tư vấn, chúng tôi hiểu nhiều điều, nâng cao nhận thức về cách phòng trị bệnh; nếu ốm đau thì ra y tế để khám chứ không nhờ thầy cúng chữa bằng cách “đuổi con ma ốm nữa!”.
Là người nhiều lần tham gia các đoàn khám, chữa bệnh cho nhân dân biên giới, dược sĩ Đào Thị Cúc (Ban Quân y BĐBP Điện Biên) nhớ rất rõ từng lần về cơ sở khám, chữa bệnh. Với chị, mỗi lần đi là một lần thấu hiểu, cảm thương với khó khăn của đồng bào biên giới, nhất là phụ nữ người dân tộc thiểu số bởi họ là những người thiệt thòi hơn cả. Ở vùng cao phải lao động nặng nhọc nhưng phụ nữ dân tộc thiểu số không có điều kiện được thăm khám, tư vấn cách chăm sóc sức khỏe, cho nên nhiều người dù mắc bệnh thông thường mà lại bị biến chứng sang các bệnh nguy hiểm.
Ðến với mảnh đất biên cương ở biên giới, nơi đâu chúng tôi cũng nghe được những câu chuyện cảm động về tình cảm của người lính “quân hàm xanh” và thầy thuốc “quân hàm xanh” với người dân các dân tộc thiểu số. Ngoài nhiệm vụ bảo vệ biên cương, cột mốc của Tổ quốc, trên biên cương, mỗi cán bộ, chiến sĩ BĐBP còn là “sợi dây” gắn kết, san sẻ khó khăn trong cuộc sống đời thường với đồng bào. Phát biểu ý kiến tại lễ trao quà, phát thuốc do đoàn cán bộ quân y BĐBP Điện Biên tổ chức, Bí thư Ðảng ủy xã Sín Thầu Pờ Mỳ Lế bày tỏ lòng biết ơn của đồng bào vùng cao đối với những thầy thuốc “quân hàm xanh” đã không quản khó khăn vượt hàng trăm cây số đến tận các bản biên giới khám bệnh, cấp phát thuốc miễn phí cho nhân dân. Việc làm đó thể hiện tinh thần “tương thân tương ái”, để nhân dân trên khu vực biên giới có thêm nghị lực vượt qua khó khăn và không cảm thấy xa cách, luôn được đón nhận tình cảm, tấm lòng của thầy thuốc “quân hàm xanh”.