Tâm lý 'bị một lần cho xong' khiến nam thanh niên 7 tháng 3 lần mắc COVID-19
Từng có suy nghĩ ai cũng F0 một lần rồi thôi, cho đến khi bị tái nhiễm COVID-19 đến lần thứ 3, anh Huy mới rút cho mình nhiều bài học quý giá.
Tính đến tối 1/3, số ca mắc COVID-19 ở Việt Nam đã ở mức 3.557.629 ca nhiễm, đứng thứ 30/225 quốc gia và vùng lãnh thổ. Điều này hoặc gây ra sự hoang mang, lo sợ quá mức, hoặc làm nảy sinh thái độ vô cảm, mặc kệ theo kiểu “ai rồi cũng thành F0", hoặc tâm lý chủ quan do đã tiêm vaccine mũi 2, mũi 3.
Quá tam 3 bận
Ngồi trong quán sửa chữa máy tính dù chỉ có một mình nhưng anh Nguyễn Đình Huy (SN 1994, ở Thanh Hóa) vẫn cẩn thận đeo khẩu trang, chốc lát lại lấy lọ nước sát khuẩn rửa tay. Được biết, Huy vừa kết thúc một tuần điều trị COVID-19 lần thứ 3 tại nhà.
"Sau lần tái nhiễm này, tôi cảm thấy sức khỏe có sự suy giảm rõ rệt, trí nhớ giảm sút, mỗi khi vận động thể dục thể thao thường bị thiếu hơi, tụt hơi và có cảm giác chán ăn”, Huy nói.
Chàng trai 28 tuổi nhớ lại, đầu tháng 8/2021, một người bạn trong đội bóng anh tham gia bị nhiễm COVID-19. Giống như mọi người, Huy chủ động mua que test nhanh về thử, kết quả báo dương tính. Anh chủ động khai báo y tế, cách ly tại nhà, kết hợp uống thuốc, tập thể dục thể thao. Sau 3- 4 ngày, các triệu chứng đau đầu, mệt mỏi của Huy giảm hẳn. Ngày thứ 5, kết quả que test báo âm tính. Để yên tâm hơn, anh vẫn tiếp tục cách ly thêm 7 ngày rồi trở lại công việc.
Cho rằng nhiễm COVID-19 một lần sẽ có kháng thể không bị nhiễm lại nữa nên Huy có phần chủ quan hơn. Anh hay đi ăn ngoài cùng bạn bè, nhiều hôm ngồi làm việc trong quán cũng không đeo khẩu trang mặc vợ nhắc nhở.
Sau đó 3 tháng, một khách hàng sửa máy tính tại cửa hàng thông báo dương tính với SARS-CoV-2. Do tiếp xúc gần với bệnh nhân từ sáng đến trưa không đeo khẩu trang nên 3 hôm sau Huy chủ động mua kit test nhanh về thử. "Từ khi nhiễm COVID-19 và điều trị khỏi, tôi luôn tự tin rằng mình có kháng thể, không lo tái nhiễm nữa. Cho đến khi đọc kết quả 2 vạch trên que thử, khiến tôi tá hỏa", anh kể.
Lần thứ 3, khoảng giữa tháng 2/2022, Huy bắt đầu có dấu hiệu sốt cao, ho nhiều, đau đầu, mệt mỏi. "Ban đầu tôi chỉ nghĩ là cảm cúm thông thường, không nghĩ là mình có thể nhiễm COVID-19 đến lần thứ 3. Đến khi nhìn thấy kit test 2 vạch đậm, cả tôi và vợ đều ngỡ ngàng".
Như vậy chỉ trong 7 tháng, anh Huy nhiễm COVID-19 đến 3 lần. Sau một tuần điều trị tại nhà kết hợp uống thuốc, các triệu chứng của anh dần thuyên giảm. Tổng 3 lần điều trị COVID-19, anh chi hết gần 4 triệu bao gồm tiền mua 20 bộ kit test nhanh và các loại thuốc điều trị triệu chứng COVID-19, vitamin bồi bổ. Không chỉ thiệt hại về kinh tế, anh còn cảm nhận được rõ ràng sự thay đổi của sức khỏe.
Sau 3 lần mắc COVID-19, chàng trai trẻ cẩn trọng hơn khi giao tiếp với khách hàng. Lúc nào trên bàn làm việc của anh cũng có một chai sát khuẩn tay. Huy kết hợp súc miệng, rửa mũi bằng nước muối hai lần sáng - tối đế giảm nguy cơ lây nhiễm. "Tôi mong rằng những ai đã và đang có suy nghĩ giống tôi trước đây rằng bị một lần cho xong, bị một lần rồi sẽ có kháng thể thì cần phải thay đổi ngay lập tức”, anh Huy nhắn nhủ.
Giống như anh Huy, hai tháng sau khi khỏi COVID-19, anh Tuấn Anh (32 tuổi, ở Hưng Yên) ho nhẹ kèm đau rát họng, xét nghiệm kết quả dương tính COVID-19. "Tôi cảm thấy khá lo lắng, không hiểu sao có thể mắc COVID-19 đến hai lần trong vòng 3 tháng", anh nói.
Đầu tháng 11/2021, anh Tuấn Anh nhiễm COVID-19 từ đồng nghiệp. 14 ngày sau, anh không còn các triệu chứng COVID-19, cơ thể khỏe mạnh. Vài ngày trước, vợ anh cùng một vài đồng nghiệp của anh dương tính. Hôm 22/2, Tuấn Anh xuất hiện triệu chứng tương tự nhiễm COVID-19 lần 1 như đau đầu, mệt mỏi, chán ăn... test nhanh rồi xét nghiệm PCR kết quả đều dương tính. Tuấn Anh cho rằng nguồn lây nhiễm có thể đến từ vợ của mình.
Sai lầm khi coi nhẹ nguy cơ tái nhiễm
Bác sĩ Trương Hữu Khanh, Phó Chủ tịch thường trực Hội Truyền nhiễm TP.HCM cho biết, những người từng nhiễm COVID-19 hoàn toàn có khả năng tái nhiễm. Sau khi khỏi COVID-19, cơ thể sẽ sản sinh ra kháng thể để chống lại sự xâm nhập của virus. Tuy nhiên, lượng kháng thể sinh ra của mỗi người khác nhau, phụ thuộc vào cơ địa, sức khỏe hiện tại. Vì vậy, nếu kháng thể không đủ mạnh, người khỏi bệnh khi tiếp xúc F0 mang biến chủng mới sẽ có nguy cơ tái nhiễm.
"Người nhiễm rồi có thể tái nhiễm bình thường, nhưng lần tái nhiễm sẽ nhẹ hơn nhiều, như cảm cúm thông thường. Chúng ta đang gặp một số trường hợp tái nhiễm trước đây nhiễm chủng Delta, đến hiện tại có thể họ nhiễm chủng mới - Omicron."
Trung tâm Dự phòng và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US CDC) cũng khuyến cáo, vaccine ngừa COVID-19 giúp cơ thể con người phát triển khả năng miễn dịch chống lại virus gây bệnh nhưng không có loại vaccine nào có hiệu lực bảo vệ 100%.
Sau khi tiêm chủng vẫn còn một tỷ lệ nhất định các trường hợp mắc bệnh và có thể lây cho người khác. Tình trạng lây nhiễm ở người đã được tiêm vaccine đầy đủ được gọi là "lây nhiễm đột phá sau tiêm vaccine" (post vaccination breakthrough infections) và đã được trù liệu trước.
Để ngăn chặn COVID-19, bao gồm cả tình trạng tái nhiễm các biến chủng mới, bảo vệ những người thuộc nhóm nguy cơ cao, Việt Nam và nhiều quốc gia đang triển khai tiêm mũi vaccine thứ ba.
Bên cạnh đó, các chuyên gia, bác sĩ khuyến cáo người dân cần bình tĩnh, nâng cao ý thức tự giữ gìn cho bản thân và bảo vệ sức khỏe của người thân, của cộng đồng từ phía người dân cũng như sự điều chỉnh hợp lý trong cách phòng, chống dịch từ phía các cơ quan chức năng.