Tâm lý kinh doanh ngành sản xuất thấp kỷ lục vì Covid-19
Mặc dù dịch Covid-19 trong nước đã được kiểm soát giúp các nhà sản xuất tạm thời lạc quan, nhưng tâm lý kinh doanh vẫn thấp do các lo ngại Covid-19 sẽ kéo dài trên toàn cầu.
Chỉ số nhà quản trị mua hàng toàn phần lĩnh vực sản xuất của Việt Nam (PMI) do IHS Markit công bố đã tăng 10 điểm trong tháng 5, đạt 42,7 điểm so với mức thấp kỷ lục 32,7 điểm của tháng 4. Mặc dù cho thấy các điều kiện kinh doanh suy giảm nhẹ hơn nhiều so với tháng trước, dữ liệu mới nhất cho thấy sức khỏe của ngành sản xuất tiếp tục suy giảm nhanh, Nikkei đánh giá.
Khi Covid-19 được kiểm soát ở Việt Nam, các nhà sản xuất đã tạm thời lạc quan rằng sản lượng sẽ tăng trong năm tới. Tâm lý tích cực này đã xuất hiện sau triển vọng tiêu cực của tháng trước. Tuy nhiên, tâm lý kinh doanh vẫn ở mức thấp thứ hai kể từ tháng 4/2012 với những lo ngại rằng ảnh hưởng của đại dịch sẽ kéo dài.
Tình trạng gián đoạn do đại dịch Covid-19 khiến sản lượng ngành sản xuất suy giảm 6 tháng liên tiếp nhưng mức độ của tháng 5 giảm nhẹ hơn nhiều so với tháng trước đó khi một số công ty đã khôi phục lại hoạt động.
Xu hướng tương tự cũng được thấy ở số lượng đơn đặt hàng mới với tốc độ suy giảm nhanh nhưng đã chậm lại so với mức kỷ lục trong tháng 4. Một số người trả lời khảo sát cho biết nhu cầu với lượng đơn đặt hàng xuất khẩu mới đã giảm và giảm nhanh hơn tốc độ của tổng đơn đặt hàng mới.
Số lượng đơn đặt hàng mới tiếp tục giảm mạnh dẫn đến năng lực sản xuất chưa được sử dụng hết. Kết quả là các nhà sản xuất vẫn thận trọng trong việc tuyển dụng, thường không thay thế ngay những công nhân đã nghỉ việc. Số lượng nhân sự đã giảm tháng thứ tư liên tiếp.
Các nhà sản xuất cũng tiếp tục giảm hoạt động mua hàng và giảm lượng tồn kho cả hàng mua và hàng thành phẩm với tốc độ giảm chậm lại so với tháng 4. Sự gián đoạn chuỗi cung ứng do dịch Covid-19 vẫn là đặc điểm nổi bật của khảo sát trong tháng 5 với thời gian giao hàng của người bán tiếp tục kéo dài đáng kể. Các thành viên nhóm khảo sát cho biết rất khó kiếm được các mặt hàng nhập khẩu.
Tình trạng khan hiếm một số loại nguyên vật liệu đã tạo thêm áp lực chi phí đầu vào trong tháng. Giá cả đầu vào giảm tháng thứ hai liên tiếp, nhưng chỉ là giảm nhẹ. Ở những nơi giảm chi phí đầu vào, những người trả lời khảo sát thường cho nguyên nhân là do giá dầu giảm.
Andrew Harker, Giám đốc kinh tế tại IHS Markit, đánh giá thành công của Việt Nam trong việc đưa đại dịch Covid-19 vào tầm kiểm soát cho phép nền kinh tế có thể bắt đầu chặng đường hồi phục. Tuy nhiên, dữ liệu PMI của tháng 5 cho thấy con đường sẽ còn dài khi lĩnh vực sản xuất vẫn suy giảm vào thời điểm giữa quý II của năm dù mức giảm nhẹ hơn nhiều so với mức kỷ lục của tháng 4.
Quá trình tăng trưởng trở lại có thể sẽ diễn ra từ từ với sự hỗ trợ ít ỏi từ thị trường nước ngoài, ít nhất là trong tương lai gần khi đại dịch tiếp tục ảnh hưởng đến nhiều khu vực trên thế giới.