Tâm lý sợ sai, chưa bố trí ngân sách, giải ngân hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động còn rất chậm
Chiều 4/7, tại buổi họp báo Chính phủ tháng 6, Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội Lê Văn Thanh thông tin, ngay trong ngày đầu tiên, đã giải ngân hơn 70 tỷ đồng hỗ trợ tiền thuê nhà cho 13.541 người lao động tại 15 tỉnh, thành. Tuy nhiên, mới chỉ đạt khoảng 1% do doanh nghiệp sợ sai, địa phương chờ hướng dẫn, chưa bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương dẫn đến tốc độ giải ngân rất chậm.
Tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 6/2022, dưới sự chủ trì của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn, nhiều vấn đề về kinh tế, xã hội đã được Bộ trưởng Trần Văn Sơn và đại diện lãnh đạo các Bộ, ngành thông tin cụ thể. Đáng chú ý là những nội dung liên quan đến kết quả hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động đã được Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Lê Văn Thanh trả lời rất rõ ràng.
Theo đó, ngày 28/3/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg về việc hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động. Ngày 1/4/2022, ngay sau khi có Quyết định 08 của Thủ tướng Chính phủ thì Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã tham mưu Thủ tướng Chính phủ ban hành Công điện số 431 ngày 19/5/2022 về tăng cường biện pháp triển khai hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động sử dụng bảo hiểm xã hội. Thủ tướng đã yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định số 08 và ngày 31/5/2022, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã có văn bản yêu cầu các địa phương triển khai Quyết định 08 này.
Trước đó, Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã phối hợp với Bộ Tài chính tham mưu trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 791 ngày 3/7/2022 về nguyên tắc hỗ trợ từ ngân sách Trung ương cho địa phương thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà. Đây là quyết định rất cụ thể về nguồn kinh phí từ ngân sách Trung ương để hỗ trợ hoàn toàn tiền thuê nhà này.
Đồng thời Bộ Lao động thương binh và Xã hội đã phối hợp chặt chẽ với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình triển khai. Bộ Công an cũng đã chỉ đạo các lực lượng chức năng ở địa phương hướng dẫn, cập nhật cơ sở dữ liệu để tránh việc trùng lặp. Hiện nay các cơ quan và địa phương đã đồng loạt triển khai vấn đề này.
Tính đến ngày hôm nay (4/7), theo báo cáo của các Sở Lao động thương binh và Xã hội, các tỉnh, thành phố, đã tiếp nhận hồ sơ của 13.880 doanh nghiệp để hỗ trợ cho 558.024 lao động với kinh phí hỗ trợ hơn 357 tỷ đồng tại 45 địa phương. Các địa phương đã phê duyệt cho 280.954 lao động với tổng kinh phí là 209 tỷ đồng tại 38 địa phương. Đã có 15 địa phương giải ngân cho 13.541 lao động với kinh phí là hơn 70 tỷ đồng.
Vì mới có Quyết định 791 nên hôm nay các địa phương mới giải ngân. Dự kiến trong tháng 7 này sẽ phấn đấu cơ bản hoàn thành việc hỗ trợ này. Theo quy định chậm nhất là ngày 15/8/2022, phải hoàn thành toàn bộ việc hỗ trợ.
“Như vậy, so với việc hỗ trợ thì tỷ lệ này còn rất thấp (hơn 1%), nguyên nhân là do các địa phương đang chờ hướng dẫn tại Quyết định 791, mặc dù đã phê duyệt nhưng chưa bố trí kinh phí từ ngân sách Trung ương để trả. Ngoài ra, một số địa phương cũng sợ làm sai nên yêu cầu phải có xác nhận. Trong yêu cầu thì chỉ cần có xác nhận của chủ nhà trọ nhưng nhiều nơi còn yêu cầu cả chính quyền địa phương cấp xã, phường phải xác nhận. Cái này chúng tôi đã có văn bản hướng dẫn rồi. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp cũng sợ sai cho nên nộp danh sách cho Bảo hiểm Xã hội làm còn chậm. Về vấn đề này, chúng tôi đã yêu cầu các doanh nghiệp, đặc biệt là các tổ chức công đoàn, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phối hợp với liên đoàn lao động các địa phương để đẩy mạnh đôn đốc các doanh nghiệp nhanh chóng lập danh sách để phía Bảo hiểm Xã hội phê duyệt”, Thứ trưởng Lê Văn Thanh thông tin.
Bên cạnh đó, nhiều người lao động chưa nắm kỹ tình hình nên chưa nộp đơn để các doanh nghiệp phê duyệt. Như vậy, sau khi có Quyết định 791 ngày 3/7/2022, Bộ tiếp tục đôn đốc các địa phương giải ngân nhanh hơn để đạt theo yêu cầu đã đề ra là hỗ trợ 6.600 tỷ đồng để cho 3,4 triệu lao động.