Tâm lý tiêu dùng thay đổi, doanh nghiệp tìm cách thích nghi và kích cầu

Kinh tế khó khăn, người tiêu dùng có xu hướng thắt chặt chi tiêu. Do đó, doanh nghiệp phải thay đổi, cung cấp các giải pháp phù hợp cho người tiêu dùng.

Người tiêu dùng thắt chặt “hầu bao”

Theo số liệu được dẫn ra tại “Diễn đàn xu hướng tiêu dùng Việt Nam” được tổ chức mới đây, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành tháng 5/2024 ước đạt 519,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, nhóm hàng lương thực, thực phẩm tăng 9,9%; đồ dùng, dụng cụ, trang thiết bị gia đình tăng 9,0%; may mặc tăng 9,3%; dịch vụ lưu trú, ăn uống tăng 17,0%; du lịch lữ hành tăng 34,3%.

Đánh giá về tình hình tiêu dùng trên thị trường, TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh (BCSI) cho hay, thời gian qua, chúng ta chứng kiến những điều chỉnh đáng kể trong tiêu dùng. Người dân có xu hướng cắt giảm mức chi tiêu không cần thiết, hạn chế mua hàng, nhất là thay đổi phương thức và lựa chọn xoay sở với ngân sách thu hẹp hơn so với trước đây.

Điều đáng lo, Việt Nam đang giai đoạn phục hồi, còn khá khó khăn. Tốc độ tăng tiêu dùng giảm khá mạnh trong khi đây là động lực quan trọng của tăng trưởng kinh tế. “Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 giảm nhẹ 0,1% so với tháng trước do nhu cầu tiêu dùng, đi lại của người dân giảm sau kỳ nghỉ lễ dài của tháng trước. Tăng trưởng tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 5/2024 chủ yếu nhờ vào nguồn thu từ du khách nước ngoài tăng đến hơn 34% so với cùng kỳ” - ông Thành nhấn mạnh.

Diễn đàn xu hướng tiêu dùng Việt Nam do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức

Diễn đàn xu hướng tiêu dùng Việt Nam do Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh tổ chức

Chia sẻ về vấn đề này, bà Đặng Thúy Hà, Giám đốc khu vực miền Bắc, Công ty TNHH NielsenIQ Việt Nam - cho biết, các nghiên cứu người tiêu dùng 2024 của NielsenIQ cho thấy, người tiêu dùng khu vực châu Á - Thái Bình Dương đang gặp áp lực về việc chi phí sinh hoạt tăng, dẫn tới việc người tiêu dùng cắt giảm chi tiêu các mặt hàng tùy ý để cân bằng chi tiêu cho các mặt hàng thiết yếu, đồng thời đưa ra những quyết định mua sắm cẩn trọng hơn. Theo đó, 89% người tiêu dùng tìm kiếm mức giá thấp hơn, 72% giảm tổng chi tiêu.

Ở Việt Nam, theo NielsenIQ, 36% người tiêu dùng lo ngại về tình hình suy thoái kinh tế và 25% lo ngại về việc mất an ninh, mất việc làm. Họ cũng cảm nhận được tác động của lạm phát thông qua việc tăng giá bán hàng hóa. Người trẻ (18-25 tuổi) cải thiện tình hình tài chính bằng cách tăng thu nhập và chi tiêu tiết kiệm hơn, nhóm người lớn tuổi (46 - 55 tuổi) có xu hướng cắt giảm chi tiêu cho các mặt hàng không cần thiết. 62% người tiêu dùng Việt Nam cũng lựa chọn nấu ăn tại nhà nhiều hơn.

Theo ông Tạ Mạnh Cường - Trưởng Phòng Xúc tiến thương mại, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương, nhân tố tác động đến tiêu dùng bao gồm: Độ tuổi, giới tính, ngành nghề, thu nhập, văn hóa - xã hội, công nghệ, xúc tiến thương mại, chính sách - pháp luật“Có những nhân tố mang tính thời điểm, có những nhân tố ổn định phải cần thời gian dài để đánh giá. Tùy mức độ quan tâm của nhà quản lý, doanh nghiệp mà chúng ta đánh giá các nhân tố tác động tiêu dùng để đáp ứng…” - đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết.

Bên cạnh đó, các chuyên gia cũng nhận định, tuy người tiêu dùng đang giảm tần suất mua sắm, nhưng lại mua tại nhiều kênh hơn với mức chi tiêu trung bình cho mỗi lần mua sắm cũng tăng lên. Điều này khiến việc thu hút và xây dựng lòng trung thành của khách hàng trở nên khó khăn hơn.

Bà Nguyễn Phương Nga - Giám đốc Khối kinh doanh Kantar Việt Nam chia sẻ, xu hướng mua sắm hiện đại và đa kênh khiến cho các nhà sản xuất ngày càng khó thu hút người mua và giữ chân họ. Các nhãn hiệu lớn cũng gặp khó khăn trong việc tăng trưởng.

Còn theo ông Tạ Mạnh Cường, sự thay đổi trong thị phần của các kênh mua sắm từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại trực tuyến hiện đại, đặc biệt là ở thành thị đã và đang trở thành cơ hội, thách thức đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cần linh hoạt thích nghi và sáng tạo các giải pháp “kích cầu” tiêu dùng

Trong bối cảnh đó, các chuyên gia cho rằng, doanh nghiệp cũng phải thay đổi chiến lược để tiếp cận người tiêu dùng hiệu quả hơn, cung cấp các giải pháp phù hợp và tạo sự hài lòng cho người tiêu dùng.

Thấu hiểu người tiêu dùng là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

Thấu hiểu người tiêu dùng là chìa khóa để doanh nghiệp phát triển bền vững

Đưa ra giải pháp về vấn đề này, bà Nguyễn Phương Nga phân tích, dù đã có những cải thiện đáng kể, 5/10 người tiêu dùng cho rằng nền kinh tế Việt Nam đang gặp khó khăn và tình hình này sẽ kéo dài ít nhất từ 6 tháng tới 1 năm nữa.

“Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng xem việc tìm kiếm ưu đãi trực tuyến như một cách hiệu quả để cắt giảm chi tiêu cho việc mua sắm hàng tạp hóa. Vì thế, doanh nghiệp cần quan tâm và khai thác hiệu quả kênh thương mại điện tử để gia tăng doanh số” - bà Nga nhấn mạnh.

Có thể thấy, hiện nay kênh bán lẻ đã có sự thay đổi từ các kênh truyền thống sang nền tảng thương mại và trực tuyến hiện đại, đặc biệt ở thành thị. Theo Kantar, kênh online hiện đang đóng góp 8% vào tổng giá trị thị trường FMCG và dự kiến tăng thêm 2 điểm thị phần trong 2 năm tới. Điều này mở ra cơ hội cho các thương hiệu, nhất là thương hiệu nhỏ tiếp cận nhiều người mua sắm hơn một cách nhanh chóng.

Đặc biệt kênh trực tuyến ở nông thôn ngày càng tiếp cận thêm nhiều người mua mới, tăng gần 10% số hộ gia đình mỗi năm. Đây là cơ hội cho các nhà sản xuất tiếp cận với người mua sắm nông thôn một cách nhanh chóng và thuyết phục họ mua sản phẩm. Song, doanh nghiệp không chỉ nên theo dõi xu hướng mà việc xây dựng chiến lược đa kênh cho từng ngành hàng, nhãn hàng là vô cùng quan trọng.

Đưa ra khuyến nghị để doanh nghiệp tăng trưởng bền vững, bà Đặng Thúy Hà cho rằng, các doanh nghiệp cần linh hoạt, nhanh chóng thích nghi, đổi mới và đánh giá lại chiến lược kinh doanh để phù hợp với những nhu cầu và xu hướng nhu cầu tiêu dùng hiện nay.

“Doanh nghiệp cần gần gũi hơn với người tiêu dùng và cần phải ưu tiên các sản phẩm thiết yếu để phù hợp với người tiêu dùng khi mà họ đang thận trọng trong việc mua sắm. Sản phẩm phải đi với sự thấu hiểu người tiêu dùng, “thực đơn” của chúng ta sẽ thiết kế cho phù hợp” - đại diện NielsenIQ khu vực miền Bắc chia sẻ.

Bên cạnh đó, theo ông Võ Trí Thành, việc bám sát các nguồn dữ liệu nghiên cứu thị trường uy tín, với những phân tích cụ thể, sâu sát các biến động trong hành vi người tiêu dùng chắc chắn sẽ giúp doanh nghiệp tìm ra lời giải đúng cho bài toán trên, từ đó gia tăng sức cạnh tranh, bứt phá thành công.

Trong khi đó, ở khía cạnh khác, ông Tạ Mạnh Cường khuyến nghị các doanh nghiệp cần nắm bắt được các quy định, chính sách, pháp luật trong nước, quốc tế về tiêu dùng; xác định xu hướng, hành vi tiêu dùng theo từng ngành hàng. Đặc biệt, cần chú trọng thiết kế, phát triển sản phẩm và xây dựng và phát triển thương hiệu.

Kéo theo đó, để nhanh chóng nắm bắt hành vi khách hàng, ông Lê Hùng Cường, Phó Tổng Giám đốc FPT Digital khuyên doanh nghiệp nên tận dụng sự phát triển của các công nghệ mới để tạo ra các cơ hội chuyển đổi hoạt động bán lẻ.

Đơn cử như việc sử dụng dữ liệu giúp doanh nghiệp siêu cá nhân hóa bán lẻ, cho phép hoạt động mua sắm có thể tương tác theo thời gian thực và đề xuất sản phẩm phù hợp nhất của khách hàng, tăng khả năng mua hàng, giảm tỉ lệ hoàn hàng...

Thêm vào đó, các chuyên gia cũng nhấn mạnh về yếu tố con người. Doanh nghiệp cần có các kế hoạch đào tạo, truyền thông nhận thức về chuyển đổi số cho nhân sự ngay từ giai đoạn đầu, đồng thời định hướng xây dựng văn hóa số xuyên suốt trong doanh nghiệp.

Ngân Thương

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/tam-ly-tieu-dung-thay-doi-doanh-nghiep-tim-cach-thich-nghi-va-kich-cau-327219.html