Chiều tối 1/1, giàn khoan cọc nhồi bê tông được chuyển đến hiện trường xảy ra tai nạn. Theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, dùng giàn khoan cọc nhồi để làm loãng địa chất, sau đó dùng xe cẩu tải trọng 50 tấn nhổ cọc bê tông là phương án có thể thực hiện được để đưa nạn nhân lên mặt đất.
Tuy nhiên, trong quá trình khoan cọc nhồi khiến trụ bê tông bị lệch nhẹ. Nguyên nhân tình trạng này được cho là áp lực lớn từ hệ thống khoan cọc nhồi, khiến trụ bê tông xây cầu bị dịch chuyển. Ngay lập tức, việc cứu nạn tạm ngừng lại.
Trụ bê tông nơi bé Hạo Nam rơi xuống có chiều dài 35 m, được ghép từ 3 đoạn trụ, hình thành 2 mối nối tiếp xúc ngoài. Do tác động của cọc khoan nhồi, một trong ba đoạn của trụ bê tông 35 m bị lệch. Điều này đồng nghĩa với một trong hai mối nối hình thành trụ bê tông cũng bị lệch kết cấu. Trong ảnh là giàn khoan cọc nhồi bê tông tại hiện trường đêm 1/1.
"Nếu tiếp tục khoan cọc nhồi, trụ bê tông sẽ bị lệch nhiều hơn. Việc này có thể dẫn đến tình trạng đứt gãy trụ bê tông, khiến công tác cứu nạn gặp rất nhiều khó khăn", một thành viên trong tổ cứu nạn cho biết.
Lực lượng đảm bảo an ninh và người nhà bé Thái Lý Hạo Nam túc trực gần hiện trường. Trưa 31/12, Nam cùng bạn đến khu vực trên để nhặt sắt thì bị lọt xuống trụ bê tông của công trường thi công cầu Rọc Sen. Trụ bê tông này rỗng bên trong, đường kính 25 cm, đã đóng xuống đất sâu khoảng 35 m.
Anh Thái Văn Tấn Tài (cha bé Hạo Nam) thất thần quan sát đội cứu nạn làm việc. Theo người thân của anh Tài, kể từ lúc con trai gặp nạn, anh hầu như không thể ngủ. Ngoài ra, người đàn ông này thường xúc động mạnh khi nói về tình trạng của con trai.
Sau khi việc khoan cọc nhồi tạm dừng lại, nhiều thành viên trong đội cứu nạn vẫn có mặt tại hiện trường để chờ phương án chỉ đạo từ cấp trên.
Đêm 1/1, nhiều người dân địa phương đến gần khu vực bé Hạo Nam bị rơi xuống trụ bê tông để theo dõi diễn biến công tác cứu nạn.
Sau khi phương án dùng giàn khoan cọc nhồi để cứu nạn tạm dừng, nhiều người bày tỏ sự thất vọng và lo lắng cho tình trạng của nạn nhân.
Hơn 23h ngày 1/1, nhiều máy móc hỗ trợ cho công tác cứu nạn tiếp tục được các lực lượng chuyển vào hiện trường. Cũng theo ông Lê Hoàng Bảo, Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tỉnh Đồng Tháp, việc cứu nạn bằng hệ thống khoan cọc nhồi chưa thực hiện được. Tuy nhiên, ngành chức năng vẫn tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp tối ưu hơn. Trước mắt, các lực lượng vẫn trưng dụng hệ thống khoan cọc nhồi hiện hữu để thực hiện công tác cứu nạn.
Khu vực xảy ra vụ tai nạn ở xã Phú Lợi, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp. Ảnh: Google Maps.
Hoàng Giám - Trương Khởi