Tâm nguyện của già làng Bríu Pố
Bà con Cơ Tu thôn Arớh, xã Lăng, huyện Tây Giang (cũ), nay là xã Tây Giang, TP Đà Nẵng rất tự hào về già Bríu Pố của thôn mình. Già nhiều năm làm cán bộ xã, không chỉ là người đi đầu trong việc phát triển kinh tế, đưa cây ba kích - một loại dược liệu quý từ rừng về trồng trên nương rãy xóa được cái đói, đuổi được cái nghèo, già Bríu Pố còn đi đầu trong tuyên truyền, hướng dẫn cho bà con biết yêu quý, gìn giữ và phát huy bản sắc văn hóa của dân tộc mình trên dãy Trường Sơn...

Công an các xã Tây Giang, A Vương đến thăm hỏi, động viên già làng Bríu Pố.
Già Bríu Pố - Người Cơ Tu minh triết
Gặp già làng Bríu Pố vào một chiều trung tuần tháng 7-2025, già tâm sự, sinh ra và lớn lên trên quê hương miền biên giới giàu truyền thống cách mạng, năm 1960, vừa tròn 12 tuổi, Bríu Pố được Đảng và Nhà nước đưa ra miền bắc học tập, trở thành “hạt giống đỏ” để khi thống nhất đất nước sẽ trở về xây dựng, phát triển quê hương. Năm 1977, sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Sư phạm Thái Nguyên, Bríu Pố khăn gói trở về quê nhà với khát vọng được đóng góp công sức của mình để xây dựng quê hương.
Là người Cơ Tu đầu tiên có bằng cử nhân, lại là một thầy giáo, Bríu Pố được phân công về công tác tại Phòng Giáo dục huyện Hiên (cũ), làm hiệu trưởng một trường phổ thông của huyện, nhưng trăn trở “bà con quê mình vẫn đang đói chữ…!”, ông xin về công tác tại xã Lăng… Được bà con tín nhiệm và sự động viên, ủng hộ của chính quyền, năm 1989 Bríu Pố được bầu làm Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã. Suốt mấy chục năm làm cán bộ, thấy đời sống bà con vẫn nghèo khó, cơ cực, Bríu Pố day dứt vô cùng. Ông luôn trăn trở phải làm thế nào để giúp bà con xóa được cái đói, đuổi được cái nghèo. “Tôi luôn tâm niệm lời Bác Hồ dạy rằng, đói nghèo là giặc. Vậy nên bà con ta cần phải quyết tâm đánh thắng giặc đói nghèo. Mà nói miết bà con khó hình dung nên phải làm bằng thực tế thì bà con mới tin và nghe theo”- già Bríu Pố tâm sự.
Năm 2006, đoàn cán bộ Nông Lâm nghiệp Trung ương do Tiến sĩ Nguyễn Văn Trại dẫn đầu lên công tác, đi thực tế rừng Tây Giang, phát hiện tại đây có rất nhiều giống cây ba kích tím, một loại dược liệu quý. Bríu Pố nhận ra đây chính loại cây mà bà con trong làng vẫn thường đi nhổ, hái trong rừng về đổi gạo, thực phẩm tiêu dùng hàng ngày. Ông chợt nảy ra suy nghĩ, đây là giống cây rừng ở vùng đất quê mình, vậy thì có thể mang về trồng ở đất rãy nhà mình. Nghĩ vậy, ông nhổ mang về trồng thử 100 gốc.
Cây không phụ công người chăm sóc, một thời gian đã nảy mầm xanh tốt, ra bông ra trái. Thừa thắng xông lên, Bríu Pố đưa cây về trồng kín hơn 1,5 ha rãy. Thời điểm ấy, nhiều người nói ông bị “điên”, cho rằng đấy là giống cây “trời” chỉ sống được hoang dã, còn người chỉ trồng được lúa, ngô, khoai, sắn thôi… Nhưng khi rãy ba kích của Bríu Pố lên xanh tốt, sau 3 năm đã thu hoạch bán ra thị trường với giá hơn 500 nghìn đồng một kg, nhiều người bắt đầu tìm đến ông để học hỏi. Bríu Pố nhiệt tình hướng dẫn, động viên bà con làm theo, rồi chính quyền cũng ủng hộ, giúp người dân vốn mua cây giống, cách chăm sóc, bao tiêu sản phẩm, cây ba kích đã thực sự là cây xóa đói, giảm nghèo cho bà con Cơ Tu Tây Giang. Đến nay, khi hỏi về cây ba kích, bà con Cơ Tu đều tự hào kể về công lao của Bríu Pố trong việc bảo tồn giống cây quý, giúp người dân vượt qua khó khăn, nghèo đói…
Không chỉ đi đầu trong việc phát triển kinh tế cải thiện đời sống, Bríu Pố luôn trăn trở về việc giữ gìn bản sắc văn hóa đồng bào Cơ Tu. Già làng thổ lộ, là người con của quê hương được Nhà nước chăm lo cho ăn học đàng hoàng, lại là cán bộ, đảng viên, trước thực tế của sự xâm nhập văn hóa ngoại lai khiến các giá trị văn hóa bản địa bị phai nhạt, thậm chí biến mất…, Bríu Pố day dứt, trăn trở nhiều lắm. Theo đó, từ năm 2000, già Bríu Pố đã âm thầm bắt tay vào thực hiện cuốn sách tâm huyết của đời mình với tựa đề “Thứ Cơ Tu phải gìn giữ, phát huy, trao truyền”. Cuốn sách gồm 12 phần, sưu tầm, ghi chép lại lịch sử, ngôn ngữ, phong tục, tập quán, kiến trúc, văn hóa… những câu chuyện kể của các già làng về đời sống đồng bào Cơ Tu.
Tâm nguyện của già làng Bríu Pố
Suốt hơn 20 năm qua, Bríu Pố dành nhiều thời gian, gửi gắm nhiều tâm huyết cho cuốn sách đặc biệt ấy. Già Bríu Pố dự định, cuối năm 2025 sẽ xuất bản sách với mong muốn đây sẽ là tài liệu hữu ích giúp các thế hệ sau thêm sự hiểu biết và tự hào hơn về giá trị văn hóa của dân tộc Cơ Tu trên đại ngàn Trường Sơn, để từ đó có trách nhiệm trong việc bảo tồn, giữ gìn và phát huy hiệu quả các giá trị văn hóa ấy trong đời sống, góp phần xây dựng quê hương ngày càng giàu đẹp…Ấy nhưng, chuyện buồn, không may bỗng ập đến…!
Đêm 13-7 vừa qua, một sự cố hỏa hoạn đã xảy ra tại nhà già Bríu Pố, không những gây thiệt hại về tài sản, nhà cửa, mà quý giá hơn theo như lời thổ lộ của già, toàn bộ bản thảo cuốn sách văn hóa chuẩn bị xuất bản đã bị cháy rụi. Ông Bhling Mia - Bí thư Đảng ủy xã Tây Giang cho biết, bà con Cơ Tu có phong tục tích trữ củi, thứ củi bằng cây chuồn để trên gác bếp lâu năm, chỉ một tia lửa nhỏ là có thể cháy bùng.
Sự cố tại nhà già Bríu Pố thật đáng tiếc, chỉ là một sự bất cẩn, thật buồn…! Nhưng già Bríu Pố không buồn. Già bảo, ổn định lại nhà cửa, sẽ viết lại sách. Tập bản thảo được viết trong 20 năm, nên tất cả những nội dung, giá trị trong đó đã in sâu trong ký ức, trong trái tim của già Bríu Pố. Già tự hứa trong tâm nguyện, phải viết lại và hoàn thành cuốn sách “Thứ Cơ Tu phải gìn giữ, phát huy, trao truyền”.
Trong những ngày qua, chính quyền, các Ban ngành, đoàn thể, lực lượng Công an, quân đội đã đến thăm hỏi, động viên gia đình già làng Bríu Pố…Trước sự quan tâm, động viên chân tình ấy càng thôi thúc già làng Bríu Pố phải bắt tay vào công việc, thực hiện tâm nguyện của mình với quê hương, với bà con Cơ Tu trên dãy Trường Sơn.
Nguồn CAĐN: https://cadn.com.vn/tam-nguyen-cua-gia-lang-briu-po-post316384.html