Tầm nhìn anh Văn
BPO - Dù bất kỳ từ góc độ quân sự, chính trị, khoa học hay ngoại giao, nói đến Đại tướng Võ Nguyên Giáp, chúng ta đều ngưỡng mộ một con người có trí tuệ mẫn tiệp, tâm đức ngời sáng và tầm vóc phi thường.
Tôi xin mãi gọi Đại tướng là anh Văn như giang sơn Việt dù qua mấy ngàn năm vẫn rực rỡ trẻ mãi.
Những di sản mà anh để lại, càng theo thời gian, ngày càng hiển lộ thêm nhiều giá trị sâu sắc và ý nghĩa to lớn với giang san. Đặc biệt, tầm viễn kiến tư tưởng của Đại tướng với cách mạng nước nhà có ý nghĩa đặc biệt quan trọng, mang giá trị lý luận, thực tiễn vô cùng sâu sắc và vẫn còn nguyên giá trị, dù gần một thế kỷ qua. Và, nhân cách anh đã tạc một tượng đài vĩnh cửu trong lòng nhân dân Việt Nam và bạn bè thế giới.
Nhân kỷ niệm 50 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2025), xin tưởng nhớ anh - vị Tổng Tư lệnh Quân đội nhân dân Việt Nam những năm 1975 hào hùng của dân tộc ta.
Nhìn lại cuộc đời đầy phong phú và oanh liệt của anh, không nghi ngờ gì, ở anh hội tụ, kết tinh và tỏa sáng nhiều phẩm giá: vừa là người thầy, nhà báo vừa là học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vừa là người chiến sĩ cách mạng kiên trung, nhà chỉ huy và nhà lý luận quân sự xuất sắc của Đảng và nhân dân.
Ở bất cứ giai đoạn nào, trên bất cứ lĩnh vực nào: quân sự hay văn hóa, giáo dục hay khoa học - kỹ thuật, anh là người có tầm nhìn rộng lớn, sâu xa về mọi vấn đề của đất nước: từ tầm nhìn về quân sự của nhà chiến lược kiệt xuất đến tầm nhìn về biển đảo đối với Tổ quốc, tầm nhìn chiến lược về khoa học và công nghệ, tầm nhìn về giáo dục, kinh tế… một người lãnh đạo vì đất nước, phụng sự nhân dân.
Ðại tướng Võ Nguyên Giáp - tầm viễn kiến của một nhà chính trị chiến lược xuất sắc
Trên các cương vị Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương, thành viên Ủy ban Khởi nghĩa toàn quốc, thành viên Ủy ban Dân tộc giải phóng Việt Nam, Tư lệnh Việt Nam giải phóng quân, anh đóng góp quan trọng trong các quyết sách, chiến lược của Đảng, chỉ đạo các lực lượng vũ trang, cùng toàn thể dân tộc Việt Nam làm nên cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng 8-1945, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (nay là nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam). Anh là Ủy viên Trung ương Đảng các khóa II, III, IV, V và VI; Ủy viên Bộ Chính trị các khóa II, III và IV; đại biểu Quốc hội từ khóa I đến khóa VII; Chủ tịch danh dự Hội Cựu chiến binh Việt Nam, Hội Khoa học lịch sử Việt Nam...
Trong 9 năm kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, anh trực tiếp chỉ huy nhiều chiến dịch quan trọng. Đặc biệt năm 1954, anh được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh tin tưởng trao quyền trực tiếp chỉ huy các đại đoàn của quân đội và lực lượng tiến công tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, đánh bại đội quân nhà nghề của thực dân Pháp, góp phần cùng toàn Đảng, toàn dân và toàn quân ta làm nên chiến thắng Điện Biên Phủ “lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”, buộc thực dân Pháp phải ký Hiệp định Giơ-ne-vơ ngày 20-7-1954 về đình chỉ chiến tranh, khôi phục hòa bình ở Đông Dương.
Sau khi miền Bắc được giải phóng, anh cùng Trung ương Đảng lãnh đạo toàn dân, toàn quân tiến hành đồng thời 2 nhiệm vụ chiến lược là xây dựng, bảo vệ miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đẩy mạnh cách mạng dân tộc, dân chủ nhân dân ở miền Nam; lần lượt đánh bại các chiến lược chiến tranh của đế quốc Mỹ xâm lược, làm nên những thắng lợi vẻ vang với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử năm 1975, giải phóng hoàn toàn miền Nam, thu non sông về một mối, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội.
Đất nước hòa bình, thống nhất, trên cương vị là Bí thư Quân ủy Trung ương (đến năm 1977), Bộ trưởng Bộ Quốc phòng (đến năm 1980), Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ (từ tháng 1-1980 đến tháng 4-1981), Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (từ tháng 5-1981 đến 12-1986), đồng chí cùng tập thể lãnh đạo Đảng, Nhà nước, quân đội lãnh đạo toàn dân, toàn quân thực hiện 2 nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, tiến hành công cuộc đổi mới đất nước.
Một trong những dấu ấn tư duy và tầm chiến lược đặc biệt, đó là tác phẩm "Vấn đề dân cày", khi anh mới 26 tuổi, đã nghiên cứu và viết cùng đồng chí Trường Chinh năm 1937. Tác phẩm đánh giá cao vai trò của dân cày lúc bấy giờ đối với cách mạng và tiền đồ của đất nước: “...Dân cày thường chiếm số đông trong nhân dân, dân cày là một lực lượng hậu bị khá mạnh của cách mạng, cho nên phàm một cuộc cải tạo xã hội một cách lớn lao phải có dân cày tham gia mới có kết quả”. Và, “khi nào họ được giác ngộ, có tổ chức và có lãnh đạo thì họ có một sức mạnh quật cường to lớn. Lúc đó họ sẵn sàng san phẳng những trở lực trên bước đường tiến thủ của họ và của dân tộc. Song tất cả vấn đề là ở chỗ: Giác ngộ, tổ chức và lãnh đạo được dân cày...". Và, cuộc Cách mạng tháng 8-1945 và 2 cuộc kháng chiến trường kỳ chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, cũng như quá trình đổi mới và hội nhập quốc tế gần 40 năm qua minh chứng cho những luận điểm “Vấn đề dân cày” nhận định về giai cấp nông dân vẫn còn nguyên giá trị.
Đầu những năm 40 của thế kỷ XX, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh dìu dắt, giao nhiệm vụ, anh tích cực hoạt động cách mạng, bám dân, bám địa bàn, xây dựng cơ sở, mở lớp huấn luyện quân sự tại căn cứ địa Cao - Bắc - Lạng. Tháng 12-1944, anh được Lãnh tụ Hồ Chí Minh giao nhiệm vụ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân, tổ chức tiền thân của Quân đội nhân dân Việt Nam. Từ thuở ban đầu chỉ huy 34 chiến sĩ - nông dân cầm súng của Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân (22-12-1944) cho đến vị trí Tổng Tư lệnh các lực lượng vũ trang, anh luôn tỏa sáng một vị tướng trí tuệ, bản lĩnh, khí phách với kẻ thù, nhưng lại rất mực thương yêu binh sĩ. Tâm thế “tướng sĩ một lòng phụ tử” đã đưa Đại tướng trở thành vị tướng trọn vẹn trong tim mỗi người lính.
Từng là một chuyên gia về dân cày, Đại tướng hiểu rằng, người nông dân của thời kỳ mới đã khác với giai đoạn trước. Bên cạnh những thành tựu, họ cũng đang đối mặt với khó khăn, thử thách mới. Trên cương vị Phó Thủ tướng hay Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học Nhà nước, với uy tín và trí tuệ mẫn tiệp của mình, anh đã quy tụ được sự quan tâm, ủng hộ và kính trọng của đội ngũ nhà khoa học trong và ngoài nước, đặc biệt là các nhà khoa học nông nghiệp. Vì vậy, mỗi ý kiến chỉ đạo hay gợi ý của anh về khai thác kinh tế biển, năng lượng thủy triều, đưa khoa học - kỹ thuật vào phát triển nông nghiệp, bảo vệ môi trường để phát triển bền vững và nhiều lĩnh vực khác… vẫn mang tầm chiến lược, thậm chí có những ý tưởng sớm hàng chục năm.
Anh sớm nhìn thấy những giá trị to lớn của biển Đông về kinh tế, quốc phòng, an ninh và thẳng thắn nhìn nhận, chúng ta còn chưa chú trọng phát triển kinh tế biển, thiếu tư duy tiến ra biển. Anh nói: “Phải đặc biệt chú trọng kết hợp kinh tế với quốc phòng và an ninh… Việc phân bố lực lượng sản xuất, phân bố lại lao động, phát triển kinh tế biển của các ngành, địa phương phải theo sự bố trí chiến lược thống nhất, nhằm làm chủ cả về kinh tế và quốc phòng. Thế bố trí về mặt địa bàn vừa tạo điều kiện khai thác toàn diện và tổng hợp các nguồn tài nguyên vừa hình thành một thế trận liên hoàn có chiều sâu, thuận lợi cho tác chiến”.
Trọn vẹn cuộc đời hoạt động cách mạng của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã cho thấy, dưới sự lãnh đạo của Đảng, trực tiếp là Chủ tịch Hồ Chí Minh, tư duy chiến lược của một nhà chính trị kiệt xuất hết sức phong phú, để lại những bài học vô cùng quý giá, giúp chúng ta vận dụng vào các lĩnh vực kinh tế, văn hóa, xã hội chứ không chỉ riêng trong lĩnh vực quân sự, vị trí anh đảm trách buổi đầu tiên.
Anh Văn - nhà quân sự chiến lược thiên tài, vị tướng “huyền thoại” của chiến tranh nhân dân
Trở thành “huyền thoại” ngay khi còn sống, bởi những chiến công đi vào lịch sử của cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc và thống nhất đất nước, Đại tướng, Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp không những nhận được sự yêu mến, cảm phục của bạn bè quốc tế mà còn từ chính sự thừa nhận của nhiều tướng lĩnh đối phương.
Đó là điều xưa nay hiếm thấy.
Từ cuối năm 1941, anh về Cao Bằng, được Lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc giao nhiệm vụ làm công tác vận động quần chúng, xây dựng các tổ chức cách mạng ở vùng căn cứ địa. Ngày 22-12-1944, tại khu rừng Trần Hưng Đạo thuộc châu Nguyên Bình, tỉnh Cao Bằng, đồng chí Võ Nguyên Giáp chủ trì lễ thành lập Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân.
Anh tham mưu chọn Tân Trào, Sơn Dương (Tuyên Quang) là nơi làm việc của cơ quan Trung ương. Tại đây, Lãnh tụ Hồ Chí Minh cùng Trung ương Đảng đã lãnh đạo, chỉ đạo cuộc Tổng khởi nghĩa tháng 8-1945 thành công, Nhà nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa ra đời vào ngày 2-9-1945. Tuy nhiên, với dã tâm cướp nước ta một lần nữa, thực dân Pháp đã nhanh chóng thỏa hiệp với phát xít Nhật quay trở lại xâm lược Việt Nam lần thứ hai.
Anh là Đại tướng, Tổng Tư lệnh đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam. Đảm nhiệm trọng trách lớn lao khi mới 37 tuổi; song bằng ý chí và nghị lực phi thường, sự phấn đấu không ngừng nghỉ, anh hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, xứng đáng với sự tin tưởng của Đảng, Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam. Với 30 năm là Tổng Tư lệnh Quân đội, Bí thư Quân ủy Trung ương, anh là nhà quân sự xuất chúng, nhà lãnh đạo có uy tín lớn của Đảng, Nhà nước và nhân dân ta; được cán bộ, chiến sĩ yêu mến, kính trọng, suy tôn là “Người anh cả” của quân đội.
Trong Chiến dịch Điện Biên Phủ, dưới tài thao lược của Đại tướng Võ Nguyên Giáp, sau 56 ngày đêm anh dũng chiến đấu, quân và dân ta đã đập tan tập đoàn cứ điểm Điện Biên Phủ, kết thúc thắng lợi cuộc kháng chiến trường kỳ chống thực dân Pháp.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, trên cương vị là Tổng Tư lệnh, đồng chí là người có nhiều công lao trong việc xây dựng quân đội nhân dân tiến lên chính quy, hiện đại, xây dựng các quân chủng phòng không - không quân, hải quân, binh chủng đặc công, xây dựng đường Trường Sơn - đường Hồ Chí Minh trên bộ và đường Hồ Chí Minh trên biển chi viện kịp thời cho tiền tuyến lớn miền Nam. Đặc biệt, trong giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến, anh đề xuất khẩn trương thành lập các quân đoàn chủ lực (Quân đoàn 1, 2, 3 và 4) để tạo sức mạnh tổng hợp, đáp ứng yêu cầu tác chiến hiệp đồng các quân, binh chủng, thực hiện những trận đánh lớn. Cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân 1975 với đỉnh cao là Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử chứng minh đề xuất của anh là sáng tạo, kịp thời và chính xác, phù hợp với tình hình, điều kiện lịch sử lúc bấy giờ.
còn nữa
Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/1/171936/tam-nhin-anh-van