Tầm nhìn chiến lược của Bác Hồ về mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc

Trong thời kỳ gian khó, nghĩa tình đồng bào được nuôi dưỡng và bồi đắp từng ngày. Mỗi học sinh miền Nam đều lấy nhiệm vụ chung làm sứ mệnh để không ngừng phấn đấu, góp phần thống nhất đất nước.

Ngày 21/7/1954, Hiệp định Geneva được ký kết. Trong giai đoạn từ năm 1954 đến năm 1975, theo chủ trương của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Trung ương, hơn 32.000 học sinh miền Nam được chia theo nhiều đợt, theo xe bộ đội, đi tàu thủy, đi bộ vượt dãy Trường Sơn ra miền Bắc học tập. Họ là con em cán bộ, chiến sĩ, đồng bào miền Nam, được chuẩn bị đào tạo thành đội ngũ kế cận cho cách mạng miền Nam, cũng như cho công cuộc xây dựng đất nước sau này.

28 trường học sinh miền Nam đã được thành lập tại nhiều tỉnh như Hà Đông, Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nam và một số tỉnh thành khác, trong đó Hải Phòng và Hà Đông là nhiều nhất với 10 và 12 trường. Ngoài ra còn có một số trại nhi đồng, khu học sinh ở Trung Quốc và một số được gửi đi đào tạo ở Liên Xô, Cộng hòa Dân chủ Đức.

Trong một hoàn cảnh đặc biệt, như mọi trẻ thơ, các em xa nhà rất nhớ gia đình. Điều kiện cuộc sống miền Bắc trong giai đoạn đầu xây dựng chủ nghĩa xã hội những khi ấy cũng đầy chông gai, thử thách. Nhưng cũng trong những năm tháng gian khổ đó, học sinh miền Nam được đồng bào miền Bắc chăm lo, cưu mang đùm bọc như ruột thịt. Các em học tập, tăng gia sản xuất giúp đỡ bà con.

Trong cái khó, nghĩa tình đồng bào được nuôi dưỡng và bồi đắp từng ngày. Mỗi học sinh miền Nam đều lấy nhiệm vụ chung làm sứ mệnh để không ngừng phấn đấu, góp phần thống nhất đất nước.

Có thể khẳng định, mô hình trường học sinh miền Nam trên đất Bắc là mô hình giáo dục thành công trong nền giáo dục và đào tạo cách mạng Việt Nam. Nhiều học sinh trưởng thành về sau đã giữ các cương vị quan trọng của đất nước tại các tỉnh thành miền Nam, là các lãnh đạo cấp cao trong lực lượng công an, quân đội, trở thành nhà khoa học uy tín trong nhiều lĩnh vực, các văn nghệ sỹ tên tuổi, đóng góp cho nghệ thuật nước nhà…

Sau 70 năm, việc đưa học sinh miền Nam ra Bắc học tập vẫn khẳng định quyết sách đúng đắn và tầm nhìn chiến lược của Đảng, Chính phủ, Chủ tịch Hồ Chí Minh trong công cuộc đấu tranh giải phóng miền Nam, đặc biệt là xây dựng lại miền Nam khi nước nhà thống nhất./.

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: https://www.vietnamplus.vn/tam-nhin-chien-luoc-cua-bac-ho-ve-mo-hinh-truong-hoc-sinh-mien-nam-tren-dat-bac-post963702.vnp