Quảng Ninh: Huyện đảo Cô Tô chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 2

Tính đến 21h ngày 22/7, huyện đảo Cô Tô là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 2 tại Quảng Ninh.

Theo thông tin dự báo thời tiết, do ảnh hưởng của bão số 2, đêm nay và ngày mai, thời tiết tỉnh Quảng Ninh phổ biến là nhiều mây, có mưa vừa, mưa to đến rất to. Cảnh báo nguy cơ xảy ra ngập úng ở khu vực trũng thấp ven biển, cửa sông, sạt lở bờ biển,... Cần đề phòng các hiện tượng giông lốc theo gió giật mạnh gây nguy hiểm. Trên đất liền, khu vực miền Đông, miền Tây tỉnh Quảng Ninh và TP Hạ Long có gió bão mạnh cấp 5 - 6, sau tăng lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10.

Đối với vùng biển ngoài khơi, bao gồm huyện đảo Cô Tô, trời phổ biến là nhiều mây, có mưa vừa, mưa to đến rất to; gió mạnh lên cấp 7 - 8, giật cấp 9 - 10; sóng cấp 5 - 6.

Cô Tô là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 2 tại Quảng Ninh. Video ghi lại hình ảnh biển Cô Tô có gió giật cấp 6 - 7 vào chiều muộn 22/7.

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tính đến 21h ngày 22/7, huyện Cô Tô là địa phương chịu ảnh hưởng mạnh nhất của bão số 2 tại Quảng Ninh. Tình hình thời tiết trên địa bàn huyện Cô Tô tại thời điểm này có gió Đông Bắc mạnh cấp 8, trời mưa to, lượng mưa tăng dần. Biển động mạnh, sóng biển, triều cường ngập cầu cảng đi Thanh Lân và Cảng Vụng Tây đảo Trần...

Để ứng phó với bão số 2, ngay từ chiều nay, huyện Cô Tô đã kêu gọi toàn bộ 796 phương tiện tàu, thuyền lớn nhỏ vào neo đậu, tránh trú. Các lực lượng chức năng đã phối hợp tổ chức hỗ trợ các cơ sở kinh doanh du lịch trên các bãi tắm thu dọn tài sản, chằng chống nhà cửa; vận động người dân không ở lại phương tiện và hàng quán bên bờ biển để đảm bảo an toàn. Đồng thời, hướng dẫn, kêu gọi các cơ sở kinh doanh dịch vụ du lịch có phương án đảm bảo an toàn cho khách lưu trú;... Tính đến 16h cùng ngày, trên địa bàn còn có 604 khách du lịch, trong đó có 13 khách quốc tế.

Đồn Biên phòng Đảo Trần hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn từ chiều 22/7.

Đồn Biên phòng Đảo Trần hỗ trợ ngư dân neo đậu tàu thuyền vào nơi tránh trú an toàn từ chiều 22/7.

Cùng thời điểm 21h ngày 22/7, các địa phương khác ở khu vực miền Đông, miền Tây tỉnh Quảng Ninh như Móng Cái, Đầm Hà, Tiên Yên, Ba Chẽ, Đông Triều, Uông Bí... và TP Hạ Long chỉ ghi nhận có mưa nhỏ đến mưa vừa, gió nhẹ.

Cũng ngay từ chiều nay, toàn bộ các địa phương này đều đã tích cực triển khai các biện pháp ứng phó với bão số 2. Điển hình như huyện Vân Đồn kêu gọi 1.526 phương tiện tàu cá di dời vào các nơi tránh trú an toàn; 618 nhà bè NTTS đã được gia cố, chằng chống; người già, trẻ em đã được sơ tán lên bờ;... Toàn huyện có 25 công trình hồ đập đã được các địa phương, đơn vị quản lý chủ động, lập phương án trong tình huống khẩn cấp đối với các hồ chứa trên địa bàn quản lý.

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích kiểm tra công tác quản lý, dự trữ vật tư tại kho dự trữ vật liệu phòng chống lụt bão, thiên tai ở phường Phong Hải (TX Quảng Yên).

Phó Chủ tịch Thường trực HĐND tỉnh Quảng Ninh Vi Ngọc Bích kiểm tra công tác quản lý, dự trữ vật tư tại kho dự trữ vật liệu phòng chống lụt bão, thiên tai ở phường Phong Hải (TX Quảng Yên).

Tại TX Quảng Yên đã kêu gọi toàn bộ 2.351 phương tiện, tàu thuyền đánh bắt thủy sản về nơi trú tránh an toàn tại các bến trong và ngoài tỉnh. Địa phương đã tổ chức các đoàn ra tận nơi sản xuất để kêu gọi, đưa gần 700 lao động thường xuyên có mặt ở ô đầm, bè nuôi thủy sản vào bờ. Bên cạnh đó, từ đêm ngày 21/7 đến nay, Công ty TNHH MTV Thủy lợi Yên Lập đã phối hợp với các xã, phường liên quan tổ chức tiêu tháo nước đệm để giảm thiểu tình trạng ngập úng tại vùng thấp trũng. Đồng thời, địa phương cũng đã chuẩn bị sẵn vật tư, thiết bị dự trữ phục vụ công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn...

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường kiểm tra tại bãi thải mỏ Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu.

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh Nghiêm Xuân Cường kiểm tra tại bãi thải mỏ Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu.

Riêng đối với ngành Than, TKV chỉ đạo các đơn vị cần tập trung khơi thông, nạo vét hệ thống thoát nước; gia cố, chống xói lở các công trình, trong đó lưu ý công trình đập chắn +130 khu vực Tân Dân-Hoành Bồ, công trình kè +110 vỉa 7 và 8 mỏ Hà Tu.

Đối với các đơn vị khai thác lộ thiên, TKV yêu cầu kiểm tra, rà soát kỹ lưỡng bãi thải, khai trường, củng cố các đai tầng thoát nước đảm bảo không để nước chảy qua sườn tầng thải, tầng khai thác, hạn chế tối đa nước xuống moong khai thác.

Riêng các đơn vị khai thác hầm lò yêu cầu các đơn vị kiểm tra, củng cố hệ thống bơm thoát nước, hệ thống cung cấp điện, máy phát điện dự phòng đảm bảo sẵn sàng phát điện khi mất điện lưới.

Bên cạnh đó, TKV yêu cầu thực hiện tốt công tác phối hợp đảm bảo an toàn trong ứng phó với bão và mưa lớn giữa các đơn vị, trong đó lưu ý đến những khu vực trọng yếu như: Lò thoát nước mức +28 mỏ Đèo Nai; bãi thải Đông Cao Sơn từ mức +80 đến mức +210; mương thoát nước Anpha (Công ty CP Than Đèo Nai - Cọc Sáu); chân bãi thải Bàng Nâu (Công ty CP Than Cao Sơn)…

Ngọc Anh

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/quang-ninh-huyen-dao-co-to-chiu-anh-huong-manh-nhat-cua-bao-so-2-10286240.html