Tầm nhìn phát triển du lịch giai đoạn mới của Hà Giang
khai thác tối đa các tiềm năng du lịch, bên cạnh những sản phẩm truyền thống, Hà Giang nghiên cứu và có chiến lược bài bản cho các dự án sản phẩm nghỉ dưỡng cao cấp, tranh thủ thời cơ để bứt phá.
Sức hấp dẫn của du lịch Hà Giang
Là cửa ngõ giao thương quốc tế, cầu nối giữa tỉnh Vân Nam và tỉnh Quảng Tây của Trung Quốc với miền Bắc Việt Nam, giữa các nước ASEAN và Đông Bắc Á, Hà Giang là mảnh đất có lịch sử lâu đời, là nơi quần tụ, sinh sống của 19 dân tộc. Mỗi dân tộc mang những nét văn hóa đặc trưng riêng biệt, tạo nên sự đa dạng về văn hóa của Hà Giang. Tuy nhiên sự giao thoa đó không làm mất đi những nét độc đáo của mỗi dân tộc mà ngược lại hòa vào nhau tạo nên một quần thể đa văn hóa, đậm đà bản sắc dân tộc.
Ở Hà Giang, dân tộc Mông chiếm đa số với hai nhóm chính là: Mông trắng và Mông hoa. Đây cũng là một trong những dân tộc ít bị mai một về văn hóa. Người Mông ở đây thích nghi với đời sống trên các dãy núi cao từ 800m đến 1.700m so với mặt nước biển, thế nên rất nổi tiếng với truyền thống canh tác nương đá, trồng lúa, ngô. Họ còn rất giỏi trong việc đan lát, làm gỗ, dệt vải lanh cho ra đời những trang phục truyền thống độc đáo.
Tỉnh có 91 di sản văn hóa, trong đó có 31 di tích, danh thắng được xếp hạng cấp quốc gia, 30 di tích được xếp hạng cấp tỉnh. Cao nguyên đá Đồng Văn được công nhận nằm trong hệ thống mạng lưới Công viên địa chất toàn cầu. Danh thắng này đã mang lại nhiều giá trị to lớn cho Hà Giang, đặc biệt là về du lịch và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.
Ngoài cao nguyên đá Đồng Văn, tỉnh Hà Giang còn sở hữu nhiều danh lam thắng cảnh làm mê đắm lòng người, những điểm du lịch được khách du lịch trong và ngoài nước yêu thích như: Cột cờ Lũng Cú, huyện Đồng Văn, đèo Mã Pí Lèng, ruộng bậc thang ở Hoàng Su Phì, mùa hoa tam giác mạch huyện Mèo Vạc… Bên cạnh đó, tỉnh Hà Giang còn có nhiều đặc sản nổi tiếng như: Cam sành, chè Shan tuyết cổ thụ, các sản phẩm làm từ hoa tam giác mạch… Nền văn hóa ẩm thực của Hà Giang cũng hết sức đa dạng: cháo Ấu tẩu của người Mông, rêu nướng của dân tộc Tày, bánh chưng gù của người Dao đỏ.
Phát triển du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn
Để thực hiện mục tiêu phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, thời gian qua tỉnh Hà Giang đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để thúc đẩy ngành du lịch, thu hút đầu tư vào địa phương. Với sự chỉ đạo kịp thời và quyết liệt của các cấp lãnh đạo, được sự đồng lòng ủng hộ của nhân dân, ngành Du lịch của Hà Giang đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng.
Trong năm 2022, Hà Giang đã đón hơn 2,2 triệu du khách đến tham quan, trong đó có hơn 80 nghìn người đến từ 136 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Doanh thu đạt 4.536 tỷ đồng, tăng 165% so với năm 2021.
Bên cạnh những điểm đã đạt được, Hà Giang có những chiến lược để thu hút nhà đầu tư với các dự án khu đô thị - du lịch - nghỉ dưỡng cao cấp. Nằm trong Quy hoạch chung đô thị Hà Giang, tỉnh Hà Giang đến năm 2035 được phê duyệt theo Quyết định số 1578/QĐ-TTg ngày 13/10/2020, Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt định hướng phát triển thành phố Hà Giang là đô thị loại II trong giai đoạn đến 2030. Theo đó, Hà Giang sẽ là đô thị xanh với các giá trị về sinh thái, kiến trúc truyền thống, văn hóa bản địa được gìn giữ, phát huy hiệu quả và bền vững.
Hiện nay, tại Hà Giang một số chủ đầu tư lớn trên thị trường đã bắt tay xây dựng khu đô thị nghỉ dưỡng - du lịch - dịch vụ đầu tiên.
Một trong những tiềm năng phát triển du lịch của Hà Giang là dịch vụ du lịch hạng sang. Các khách sạn, resort sang trọng đang được xây dựng sẽ giúp địa phương thu hút ngày một nhiều hơn những du khách có mức chi tiêu cao, có nhu cầu sử dụng những dịch vụ đẳng cấp, tiện nghi. Tệp khách hàng du lịch này sẽ mang đến nguồn thu lớn, mở ra nhiều cơ hội bứt phá cho Hà Giang.
Dù tiềm năng để phát triển của Hà Giang còn rất lớn song quan điểm của lãnh đạo tỉnh là phải trên cơ sở gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc cũng như địa mạo, sự hùng vĩ thiên nhiên ban tặng cho Hà Giang. Thay vì phát triển nóng, Hà Giang ưu tiên phát triển bền vững.
Có thể nói du lịch Hà Giang tuy đi sau nhưng biết đón đầu, tránh những hệ lụy của những địa danh du lịch đã phát triển, tránh việc khách đến một lần và không quay lại. Thay vào đó, tỉnh tập trung thu hút du khách đến lưu trú dài ngày, đến nhiều lần, chi tiêu nhiều hơn và chính du khách sẽ là người giới thiệu, quảng bá du lịch Hà Giang tới bạn bè trong nước và quốc tế.