Tầm nhìn quy hoạch
Quy hoạch luôn phải đi trước một bước, tạo tiền đề xây dựng kế hoạch ngắn hạn, trung hạn và dài hạn nhằm đáp ứng chiến lược phát triển đô thị bền vững. Quy hoạch bị phá vỡ sẽ tạo ra những hệ lụy cho đô thị, mà người dân sinh sống tại đó chịu ảnh hưởng trước tiên.
Vấn đề này không mới, nhưng một lần nữa được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra tại Hội nghị Đánh giá tình hình thực hiện nhiệm vụ 5 năm (2016 - 2020) và định hướng mục tiêu, nhiệm vụ, giải pháp thực hiện 5 năm (2021 - 2025) và năm 2021 của ngành xây dựng cuối tuần qua. Thủ tướng Chính phủ đã chỉ ra một số vấn đề còn hạn chế của ngành xây dựng khi phát triển chưa tương xứng tiềm năng. Đơn cử như nhà ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh chưa đạt mục tiêu đề ra. Tại các TP lớn vẫn có tình trạng khan hiếm nhà ở, đặc biệt là phân khúc nhà ở cho người lao động, công nhân khu công nghiệp.
Đáng lưu ý, khi nhắc tới vấn đề quy hoạch, Thủ tướng cho rằng, bên cạnh một số đồ án quy hoạch tốt, vẫn còn một số đề án chất lượng thấp, tầm nhìn dự báo chưa hợp lý. Thậm chí một số nơi còn làm quy hoạch vội vàng, các phương án quy hoạch chưa được tính toán cụ thể. Rõ nhất là tình trạng dồn quá nhiều nhà cao tầng vào khu trung tâm làm tắc nghẽn giao thông. Trong khi đó, việc di dời các cơ quan ra khỏi nội đô chưa được bao nhiêu.
Một số địa phương cho phép điều chỉnh quy hoạch chưa chặt chẽ. Thậm chí có tình trạng chủ đầu tư và cơ quan quản lý ở địa phương xé nát quy hoạch đã có. Thủ tướng thẳng thắn chỉ ra ví dụ ở Khu đô thị Linh Đàm (Hà Nội), từng được ví là khu đô thị kiểu mẫu nhưng nay đã bị lấp đầy, quá tải.
Rõ ràng, đây là bài học đối với công tác quy hoạch, giám sát và thực hiện quy hoạch. Trong quá trình đô thị hóa, đặc biệt ở những năm trở lại đây, có xảy ra tình trạng “quy hoạch tự phát”. Theo các chuyên gia, đây là vấn đề mang nhiều rắc rối có tính đặc thù của đô thị Việt Nam. Giá đất quá cao nên vì lợi ích trước mắt mà từ DN đến cá nhân có đất tìm đủ cách lách luật, hoặc xé rào xây dựng không quan tâm đến quy hoạch bộ mặt đô thị. Việc phá vỡ quy hoạch, kiến trúc đã làm thiệt hại cho phát triển đô thị, nhưng những thiệt hại của chủ đầu tư hoặc cá nhân khi công trình bị xử lý cũng rất lớn. Ví như công trình 8B Lê Trực. Do đó, việc tăng cường công tác quản lý quy hoạch đô thị, đặc biệt là trật tự xây dựng, kỷ cương và văn minh đô thị cần phải thực hiện nghiêm ngặt hơn. Để tạo dựng những đô thị phát triển văn minh, bền vững, tại hội nghị của ngành xây dựng nêu trên, Thủ tướng Chính phủ đã gửi đi một thông điệp cứng rắn: “Tôi ủng hộ khởi tố lãnh đạo DN làm sai, nhưng cũng phải khởi tố cả các cán bộ tiếp tay xé nát quy hoạch”. Và nhắc đến việc làm thế nào để cân bằng xây dựng nông thôn mới và phát triển đô thị tương lai, Thủ tướng nhấn mạnh không để tình trạng đập phá xây dựng tràn lan. Do đó, cần có quy hoạch bài bản với tầm nhìn lâu dài.
Khi được hỏi, nhiều chuyên gia cho biết, tầm nhìn quy hoạch về thực chất là tầm nhìn phát triển có tính dự báo khoa học khả thi cao. Tầm nhìn quy hoạch mang ý nghĩa cho sự phát triển dài hạn và bền vững hàng trăm năm thậm chí hàng nghìn năm sau, bởi phải phải dựa vào điều kiện tự nhiên, kinh tế và chính trị, văn hóa, sinh thái... của nơi được quy hoạch.
Và một chuyên gia không quên nhấn mạnh rằng: "Để có tầm nhìn và chất lượng quy hoạch, trước khi xây dựng quy hoạch cần điều tra, khảo sát kỹ lưỡng, đặc biệt phải có một đội ngũ làm công tác quy hoạch chuyên nghiệp, một hội đồng thẩm định khách quan, khoa học, công tâm, vì lợi ích chung, không bị chi phối bởi “nhóm lợi ích” hoặc vì lợi ích trước mắt của ngành, của địa phương...".
Nguồn KTĐT: http://kinhtedothi.vn/tam-nhin-quy-hoach-405446.html