Tầm nhìn và những giải pháp đột phá

Với lợi thế về vị trí địa lý, cùng vai trò trung tâm của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, TP Hồ Chí Minh có nhiều tiềm năng và điều kiện thuận lợi để tạo đột phá phát triển kinh tế biển, đô thị biển theo hướng liên vùng và vươn ra thế giới...

Nhiều lợi thế tạo đột phá

Là thành phố ven biển, TP Hồ Chí Minh luôn duy trì vị trí đầu tàu kinh tế của cả nước. Năm 2020, TP Hồ Chí Minh chiếm tới 37,2% tổng GRDP của các tỉnh, thành phố ven biển, FDI chiếm 25,1% tổng thu hút FDI của các tỉnh, thành phố ven biển và 10,8% cả nước. Các ngành kinh tế biển ở TP Hồ Chí Minh có tốc độ phát triển nhanh, như: Nuôi trồng thủy, hải sản, dầu khí, tài nguyên biển, du lịch biển, vận tải biển... Dù vẫn giữ vai trò đầu tàu cả nước, nhưng quy mô và tốc độ tăng trưởng, chất lượng tăng trưởng nền kinh tế của TP Hồ Chí Minh chưa tương xứng với tiềm năng, vị thế.

Vịnh Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ảnh: XUÂN DUY

Vịnh Cần Giờ có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biển. Ảnh: XUÂN DUY

Theo PGS, TS, Kiến trúc sư Nguyễn Hồng Thục, Chủ tịch Hội đồng Viện Nghiên cứu định cư và Năng lượng bền vững: TP Hồ Chí Minh có nhiều lợi thế lớn để phát triển kinh tế biển và đô thị biển. Thành phố có vị trí chiến lược trên bản đồ hàng hải quốc tế, nằm trên tuyến giao thông xuyên Á và là cửa ngõ tiềm năng kết nối với cảng Busan (Hàn Quốc) và Tokyo (Nhật Bản). Tuy vậy, công suất hàng hải hiện nay chỉ đạt chưa đến một nửa công suất tối đa của hệ thống cảng biển Cái Mép-Thị Vải. Bên cạnh đó, TP Hồ Chí Minh nằm trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam gồm 8 tỉnh, thành phố gần như tạo thành một "bát giác kim cương", ôm lấy lõi tự nhiên là Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ rộng hơn 42.000ha, với nhiều tiềm năng xây dựng và phát triển kinh tế biển, kết nối khu vực và quốc tế.

Đặc biệt, vịnh Cần Giờ là mặt tiền biển duy nhất của TP Hồ Chí Minh-đây chính là lợi thế lớn để huyện Cần Giờ và TP Hồ Chí Minh phát triển kinh tế biển. Trong đó có kinh tế hàng hải, vận tải biển, khai thác nguồn lợi tự nhiên và nuôi trồng thủy, hải sản, cũng như du lịch biển gắn với Khu dự trữ sinh quyển rừng ngập mặn Cần Giờ đã được UNESCO công nhận. Các chuyên gia, nhà quản lý nhận định, vịnh Cần Giờ có tiềm năng tạo đột phá dựa trên mũi nhọn phát triển đô thị biển và cảng biển của TP Hồ Chí Minh trong liên kết vùng Đông Nam Bộ, Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, với động lực chủ đạo là kinh tế biển xanh, kinh tế du lịch sinh thái và đổi mới sáng tạo nhằm tạo nền tảng, đóng vai trò trung tâm trong Chiến lược quốc gia về phát triển bền vững kinh tế biển đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045. Tuy nhiên, những tiềm năng này chưa được tận dụng, kinh tế Cần Giờ vẫn chưa phát triển tương xứng, trong khi đó đời sống của nhiều người dân vẫn còn khó khăn.

Nền kinh tế hướng ra biển

Tại Hội thảo “TP Hồ Chí Minh-Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp UBND TP Hồ Chí Minh vừa tổ chức cuối tháng 3 tại TP Hồ Chí Minh, nhiều chuyên gia, nhà quản lý, nhà khoa học cho rằng, tương lai của TP Hồ Chí Minh là nền kinh tế hướng ra biển. Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Võ Văn Hoan, Phó chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh nhấn mạnh: Định hướng chiến lược để TP Hồ Chí Minh cất cánh, có kinh tế cảng biển và chuỗi đô thị biển phát triển mạnh mẽ, kết nối quốc tế và khu vực đã trở thành nhu cầu tất yếu và cấp thiết của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố. Trong tương lai, thành phố xác định dồn lực phát triển về phía vịnh Cần Giờ theo định hướng bảo tồn giá trị môi trường sinh thái, nhân văn, phát huy hiệu quả và bền vững tiềm năng và động lực phát triển, liên kết vùng kết nối với các tỉnh lân cận, từng bước liên kết với các nước trong khu vực và quốc tế. Cụ thể, vùng biển Cần Giờ sẽ kết nối với vùng biển phía đông và phía tây của các địa phương lân cận, như: TP Vũng Tàu, hệ thống cảng Cái Mép-Thị Vải (Bà Rịa-Vũng Tàu), các khu đô thị mới hiện đại và Cảng hàng không quốc tế Long Thành (Đồng Nai), huyện Gò Công Đông (Tiền Giang), cảng Hiệp Phước...

Để TP Hồ Chí Minh đạt được mục tiêu phát triển kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị tầm vóc quốc tế vịnh Cần Giờ-Vũng Tàu-Gò Công, PGS, TS Lưu Thế Anh, Viện trưởng Viện Tài nguyên và Môi trường (Đại học Quốc gia Hà Nội) cho rằng: Thành phố cần tập trung tạo cơ chế liên kết vùng để xây dựng vị thế quốc tế, đồng thời giữ vững vai trò “nhạc trưởng” trong liên kết vùng với các tỉnh lân cận và là đầu mối giao thương quốc tế của Đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên và Nam Trung Bộ. Mô hình phát triển trong tương lai gần của TP Hồ Chí Minh cần đặt kết nối vùng một cách quyết liệt để phát triển kinh tế biển, cảng biển, logistics gắn với chuỗi đô thị biển mang tầm vóc quốc tế tại vịnh Cần Giờ. Trong thực hiện các chính sách về phát triển liên kết vùng cũng đòi hỏi có những đổi mới trong cơ chế phối hợp giữa các địa phương hướng đến nâng cao lợi thế cạnh tranh vùng.

Cũng tại Hội thảo “TP Hồ Chí Minh-Tầm nhìn kinh tế biển kết nối chuỗi đô thị quốc tế”, GS, TSKH Hoàng Văn Huây, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học-Công nghệ, khẳng định: Đưa vào phát triển kinh tế biển vịnh Cần Giờ là cảng và đô thị lấn biển cần áp dụng những công nghệ biển hiện đại nhất thế giới để bảo đảm vùng TP Hồ Chí Minh trở thành thành phố cảng cửa ngõ lớn của thế giới và bảo đảm các quan điểm của đô thị sinh thái chung cho những tỉnh tiếp giáp rừng ngập mặn, cần những cơ chế liên kết vùng để đồng thuận với các tỉnh trong vùng. Bên cạnh đó, nhiều chuyên gia tại hội thảo cũng cho rằng, cần quan tâm đến việc kiểm soát và bảo vệ môi trường để phát triển bền vững, không gây ra tác động môi trường bất lợi cho sự phát triển chung, phát triển lâu dài.

Tiềm năng phát triển kinh tế biển của TP Hồ Chí Minh là rất lớn. Do đó, TP Hồ Chí Minh cần tầm nhìn cũng như giải pháp hiệu quả để tận dụng những lợi thế trên làm động lực cho thành phố và các tỉnh lân cận phát triển nhanh và bền vững, kết nối với khu vực và quốc tế.

HOÀNG NGÂN

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/kinh-te/cac-van-de/tam-nhin-va-nhung-giai-phap-dot-pha-656917