Tầm nhìn vượt thời đại trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Sau 55 năm, những lời căn dặn trong bản Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn còn vẹn nguyên giá trị và tiếp tục là kim chỉ nam cho xây dựng, phát triển đất nước.

 Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh đang làm việc. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Với những lời căn dặn sâu sắc, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một văn bản vô giá được ví như một kế hoạch, một chương trình hành động của toàn Đảng, toàn dân về sự nghiệp xây dựng đất nước sau chiến tranh.

Những lời căn dặn để xây dựng, phát triển đất nước

Di chúc Chủ tịch Hồ Chí Minh công bố vào năm 1969. Thời điểm ấy, đất nước ta đang trong cuộc đấu tranh chống Mỹ, thống nhất đất nước. Dù vậy, Bác đã có một dự cảm lớn về chiến thắng tất yếu của quân và dân ta. Mở đầu Di chúc, Bác viết: "Cuộc chống Mỹ, cứu nước của nhân dân ta dù phải kinh qua gian khổ, hy sinh nhiều hơn nữa, song nhất định thắng lợi hoàn toàn. Đó là một điều chắc chắn".

Từ đó, Người đã để lại những lời căn dặn với từng lĩnh vực, bàn về xây dựng xã hội Xã hội Chủ nghĩa ở Việt Nam. Di chúc là phác thảo lý luận sự nghiệp đổi mới ở nước ta.

 Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.

Chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh. Ảnh: Tạp chí Tuyên giáo.

Nhà báo Dương Thành Truyền là tác giả cuốn Di chúc của Bác Hồ - Một giáo trình Tiếng Việt độc đáo. Khi tìm hiểu về lịch sử ra đời của văn bản đặc biệt này, nhà báo Dương Thành Truyền nhận thấy trong bản Di chúc năm 1968, phần 2, Bác đã viết những lời căn dặn để xây dựng, phát triển đất nước.

Đó là những đoạn nói về những công việc cần làm sau khi cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của Nhân dân ta hoàn toàn thắng lợi, như chỉnh đốn lại Đảng, quan tâm gia đình liệt sĩ, thương bệnh binh, chăm sóc đời sống của các tầng lớp nhân dân, miễn thuế nông nghiệp một năm cho các hợp tác xã nông nghiệp, xây dựng lại thành phố và làng mạc, khôi phục và phát triển kinh tế, văn hóa, củng cố quốc phòng...

“Rõ ràng, hơn 50 năm trước, Bác đã nghĩ đến và nhấn mạnh ‘việc cần phải làm trước tiên’ vào thời điểm ngay khi cuộc chống Mỹ cứu nước hoàn thành thắng lợi”, nhà báo Dương Thành Truyền nói.

Bên cạnh vấn đề chỉnh đốn Đảng, với mỗi đối tượng, Bác lại có những lời căn dặn khác nhau. Chẳng hạn, với Đoàn viên và thanh niên, Bác viết: “Đảng cần phải chǎm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người thừa kế xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa ‘hồng’ vừa ‘chuyên”. Với Nhân dân lao động, Người lại nhấn mạnh: “Đảng cần phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế và vǎn hóa, nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội - cho rằng những lời căn dặn trong Di chúc còn chỉ ra những nền tảng của tương lai đất nước như giáo dục đạo đức và tinh thần đoàn kết.

“Bác đã khẳng định rằng giáo dục đạo đức, tinh thần đoàn kết là nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của đất nước. Giáo dục đạo đức là hành trình rèn luyện tâm hồn, bồi đắp nhân cách cho thế hệ mai sau, giúp họ trở thành những con người sống có trách nhiệm, biết yêu thương và cống hiến”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Bên cạnh đó, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận thấy trong bản Di chúc, Bác Hồ đã nhắc nhở việc bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa truyền thống, những di sản quý báu mà thế hệ trước đã để lại. Đặc biệt trong bối cảnh hội nhập, gìn giữ bản sắc dân tộc chính là bảo vệ cội nguồn sức mạnh, điểm tựa của xã hội.

Với GS.TS Trình Quang Phú, Di chúc còn mang tính giáo dục cao đối với thế hệ trẻ về trách nhiệm với đất nước. Ông cho rằng, thế hệ trẻ cần học tập từ Di chúc về tinh thần đoàn kết, yêu thương đồng bào và sống có trách nhiệm. Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập hiện nay, những bài học cơ bản này càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.

“Yêu đất nước, yêu đồng bào, đùm bọc lẫn nhau, đó là những tư tưởng lớn đã được truyền tải trong Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh”, GS.TS Trình Quang Phú nói.

Di chúc là lời kêu gọi đoàn kết

Theo GS.TS Trình Quang Phú, trong tất cả tác phẩm và tư liệu Chủ tịch Hồ Chí Minh để lại, Di chúc có một vị trí đặc biệt.

Đối với tác giả Từ làng Sen đến bến Nhà Rồng, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là một lời kêu gọi mạnh mẽ về đoàn kết dân tộc. Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh viết: "Đoàn kết là một truyền thống cực kỳ quý báu của Đảng và của dân ta. Các đồng chí từ Trung ương đến các chi bộ cần giữ gìn sự đoàn kết nhất trí của Đảng như giữ gìn con ngươi của mắt mình”.

Đây là thông điệp cốt lõi mà Bác muốn truyền tải, không chỉ cho thế hệ của mình mà còn cho các thế hệ mai sau. Sự đoàn kết mà Hồ Chí Minh kêu gọi không chỉ dừng lại ở phạm vi quốc gia mà còn mở rộng ra phạm vi quốc tế.

“Đoàn kết không chỉ là một yếu tố quan trọng trong cuộc chiến giành độc lập, mà còn là một yếu tố thiết yếu để xây dựng một xã hội vững mạnh và phát triển bền vững”, GS.TS Trình Quang Phú nói.

 Các cháu học sinh giỏi quây quần nghe Bác Hồ kể chuyện nhân dịp mừng thọ Người năm 1959. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Các cháu học sinh giỏi quây quần nghe Bác Hồ kể chuyện nhân dịp mừng thọ Người năm 1959. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ Quốc gia III.

Khi tìm hiểu các bản Di chúc được Bác viết năm 1965, nhà báo Dương Thành Truyền chỉ ra sự đặc biệt trong việc viết hoa từ “Tổ quốc”. Trong bản Di chúc năm 1965, từ “Tổ quốc” xuất hiện ba lần, bản năm 1968 lần một có hai từ, bản năm 1968 lần hai và bản năm 1969 mỗi bản có một từ. Tất cả từ Tổ quốc Bác đều viết hoa vừa mang ý nghĩa đề cao “Tổ quốc trên hết”, vừa mang nét nghĩa cá thể hóa “Tổ quốc ta”.

“Việc viết hoa từ ‘Tổ quốc’ trong các bản Di chúc càng thể hiện sự tôn kính và ý nghĩa cao cả mà Bác dành cho Tổ quốc. Từ ‘Tổ quốc’ được viết hoa như một sự khẳng định: ‘Tổ quốc ta!’ - một biểu tượng của lòng yêu nước và sự đoàn kết dân tộc”, nhà báo Dương Thành Truyền nói.

Tinh thần đoàn kết được nhắc lại nhiều lần trong Di chúc, bởi đoàn kết là nền tảng để giữ vững và lan tỏa những giá trị văn hóa cốt lõi của dân tộc. Khi tất cả thành phần trong xã hội cùng chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa, nền văn hóa Việt Nam sẽ không ngừng được làm phong phú và trở nên đa dạng hơn.

“Tinh thần đoàn kết toàn dân tộc, được Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh nhiều lần trong Di chúc của Người, không chỉ là một giá trị truyền thống quý báu mà còn là động lực mạnh mẽ thúc đẩy sự phát triển của văn hóa và đất nước trong bối cảnh hiện nay”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho biết.

Sau 55 năm, Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn vẹn nguyên giá trị, thể hiện tinh thần thời đại và là kim chỉ nam cho những nỗ lực xây dựng đất nước. Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh là văn kiện lịch sử vô giá kết tinh những tinh hoa đạo đức và tâm hồn cao đẹp, những nội dung cơ bản, cốt yếu của tư tưởng Hồ Chí Minh, vạch ra phương hướng phát triển cho cách mạng Việt Nam hôm nay và tương lai.

Đức Huy

Nguồn Znews: https://znews.vn/tam-nhin-vuot-thoi-dai-trong-di-chuc-chu-tich-ho-chi-minh-post1494438.html