'Tam nông' - phát triển và hội nhập. Bài 4.
Bài 4: Tam nông - Chiến lược phát triển bền vững
Phát huy lợi thế, hiệu quả các nguồn lực và khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo. Chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp sang tư duy kinh tế nông nghiệp, sản xuất sản phẩm có giá trị cao, đa dạng theo chuỗi giá trị phù hợp với yêu cầu của thị trường… Đó là những quan điểm phát triển của Chính phủ, tại Quyết định số 150/QĐ-TTg, ngày 28/1/2022, phê duyệt Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Đồng chí Dương Văn An – Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy hỏi thăm nông dân.
Kinh tế tập thể -“tấm phao cứu sinh”
Trải qua thời gian khủng hoảng do Covid-19, một lần nữa, nông nghiệp, nông thôn lại chứng minh nguyên tắc ngàn đời là “phi nông bất ổn”. Nhất là đứng trước “bão” thị trường từ Trung Quốc, hoạt động của kinh tế tập thể trở thành tấm phao cứu sinh hiệu quả về an ninh lương thực, đảm bảo an sinh, sinh kế cho người dân trong mọi hoàn cảnh. “Tấm phao” ấy được thể hiện khá rõ ở Hợp tác xã Thanh long Thuận Tiến (Hàm Thuận Bắc). Ông Trần Đình Trung - Giám đốc hợp tác xã này chia sẻ: HTX hiện có 20 ha và 10 thành viên, cách đây ít năm đã có cơ hội tham gia hội chợ quốc tế trái cây rau củ quả diễn ra tại Cộng hòa liên bang Đức. Sự kiện này giúp sản phẩm thanh long của HTX được các đơn vị xuất khẩu biết đến và đã ký kết nhiều hợp đồng quan trọng xuất khẩu đi các thị trường khó tính như châu Âu, Mỹ, Úc, các siêu thị trong nước.
HTX thanh long Thuận Tiến tham gia trưng bày sản phẩm OCOP.
HTX Thanh long Thuận Tiến hoạt động theo mô hình kinh doanh ủy thác cho thành viên, đã đem lại hiệu quả kinh tế rõ rệt. Sản xuất thanh long an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP với giá cả ổn định, thành viên an tâm sản xuất (bao tiêu khoảng 90% sản phẩm sản xuất ra với giá cả ổn định cả năm). Quan trọng nữa là tạo việc làm cho lao động nhàn rỗi tại địa phương, nhất là nữ giới, thông qua các khâu sản xuất, sơ chế, đóng gói sản phẩm… Trong thời điểm năm 2021 đến nay, do hoạt động sản xuất và tiêu thụ thanh long của tỉnh nói chung gặp nhiều khó khăn, giá vật tư, phân bón gia tăng là yếu tố bất lợi và tác động rất lớn đến người sản xuất. HTX đang kiến nghị các cấp liên quan để được tiếp cận nguồn vốn ngân hàng, phát triển sản xuất, kinh doanh. Song song, tiếp tục lập kế hoạch sản xuất, tìm kiếm khách hàng mới, nhất là khách hàng tiềm năng. Đồng thời, hoàn thiện việc xây dựng thương hiệu, áp dụng chuyển đổi số, đẩy mạnh marketing sản phẩm, tuân thủ nghiêm ngặt việc sản xuất an toàn… Hay như HTX Thanh long sạch Hòa Lệ (Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc) xuyên suốt thời gian bị ảnh hưởng dịch Covid-19 đến nay, vẫn luôn nỗ lực chế biến sâu các sản phẩm từ thanh long như kem, rượu, mứt… HTX cũng tham gia nhiều hội chợ, triển lãm khắp cả nước để quảng bá, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm OCOP, giúp xã viên tiêu thụ sản phẩm và tạo công ăn việc làm cho lao động…
Đoàn ĐBQH tỉnh khảo sát tại HTX thanh long Hàm Minh
Điều cần nhắc đến, ngay sau khi có Nghị quyết 05-NQ/TU của Tỉnh ủy, các ban ngành, địa phương trong tỉnh đã có sự khởi đầu mới mẻ về triển khai nghị quyết, các dự án, mô hình nông nghiệp theo hướng hiện đại, phát triển bền vững được gấp rút triển khai. Đơn cử trong năm 2022, Trung tâm Khuyến nông tỉnh đã xây dựng một số mô hình đảm bảo các mục tiêu của Nghị quyết 05. Nổi bật là mô hình trồng cây dược liệu (cây đinh lăng) đạt tiêu chuẩn VietGAP theo liên kết chuỗi. Hướng tới tạo ra sản phẩm an toàn, bảo đảm đầu ra ổn định cho người sản xuất; tiêu thụ tối thiểu 80% sản phẩm từ mô hình. Đồng thời hướng đến trở thành sản phẩm chủ lực của tỉnh và được công nhận OCOP.
Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị
Song song triển khai thực hiện Nghị quyết số 05- NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh tại các địa phương, vào ngày 23/6/2022, UBND tỉnh tiếp tục ban hành kế hoạch thực hiện chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 của Thủ tướng Chính phủ, với nhiệm vụ đặt ra là hoàn chỉnh cơ cấu sản xuất nông nghiệp gắn với lợi thế cạnh tranh và yêu cầu thị trường. Tổ chức các khâu quan trọng trong sản xuất và nâng cao hiệu quả, đảm bảo phát triển bền vững. Thúc đẩy hợp tác, liên kết, phát triển chuỗi giá trị, các mô hình nông nghiệp tiên tiến. Đồng thời, phát triển kinh tế nông thôn, tạo việc làm và tăng thu nhập cho dân cư nông thôn…
Một trong số các giải pháp chính được đề cập, là tuyên truyền, giáo dục đổi mới tư duy, thống nhất nhận thức và hành động. Trong đó, tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức về chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước về vai trò của nông nghiệp, nông dân, nông thôn trong giai đoạn phát triển mới. Thực hiện chính sách hỗ trợ nông dân tiếp cận thị trường, nguồn vốn, mua sắm máy móc, tích tụ đất đai, áp dụng công nghệ để phát triển theo hướng chuyên nghiệp hóa, tăng quy mô sản xuất và tham gia hợp tác xã, liên kết với doanh nghiệp trong các chuỗi giá trị… Mặt khác, phát huy vai trò của các hiệp hội trong nghiên cứu và mở rộng thị trường.
Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT làm việc với tỉnh về sản xuất và tiêu thụ thanh long
Với thị trường trong nước, kết nối hệ thống chế biến, phân phối với các vùng chuyên canh để đưa nông sản vào các hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại trong nước. Hình thành hệ thống chợ đầu mối gắn với chuỗi logistics ở các vùng. Tạo điều kiện để các đơn vị sản xuất kinh doanh phát triển thương mại điện tử, xây dựng kênh phân phối liên kết trực tiếp giữa vùng sản xuất với thị trường tiêu thụ sản phẩm cuối cùng.
Bộ trưởng Lê Minh Hoan nghe giới thiệu sản phẩm OCOP của Bình Thuận
Với thị trường xuất nhập khẩu, chủ động mở rộng thị trường mới, tránh phụ thuộc vào một vài thị trường. Không khuyến khích hình thức buôn bán tiểu ngạch qua biên giới, thúc đẩy kinh doanh chính ngạch. Ứng dụng công nghệ số để giám sát nguồn cung tại các vùng sản xuất nông nghiệp chính. Hỗ trợ năng lực tiếp cận thị trường cho các doanh nghiệp nhỏ, hợp tác xã và hộ nông dân (đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể, xây dựng chỉ dẫn địa lý, thiết lập mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ bản quyền thương hiệu...).
Phát biểu bế mạc tại Hội nghị lần thứ 5, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII vừa qua, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Chúng ta phải nhận thức thật đầy đủ và đúng đắn hơn nữa về vị trí, vai trò có ý nghĩa chiến lược lâu dài của phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn đối với sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Nhà nước cần phải tiếp tục ưu tiên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Phát triển hài hòa giữa nông thôn và thành thị, giữa các vùng, miền; gắn kết chặt chẽ giữa công nghiệp, dịch vụ với nông nghiệp; giữa phát triển nông thôn bền vững với quá trình đô thị hóa theo hướng "nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh".
Tiếp nối việc thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 7 khóa X “về nông nghiệp, nông dân, nông thôn” và các chính sách liên quan của tỉnh đến phát triển nông nghiệp, sự ra đời Nghị quyết 05-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh (khóa XIV) về phát triển ngành nông nghiệp hiện đại, bền vững, có giá trị gia tăng cao là một chính sách về “tam nông” ở một tầm cao mới, đặc thù của Bình Thuận. Chính sách này đang mở ra một hướng đi, tương lai mới cho nền nông nghiệp địa phương, xứng đáng là 1 trong 3 trụ cột của nền kinh tế tỉnh nhà.
Mục tiêu của tỉnh Bình Thuận trong thực hiện Chiến lược phát triển nông nghiệp và nông thôn bền vững: Tầm nhìn đến năm 2050, Bình Thuận có nền nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao với ngành công nghiệp chế biến nông sản hiện đại, hiệu quả, thân thiện với môi trường. Nông thôn không còn hộ nghèo và trở thành “nơi đáng sống”, văn minh, xanh, sạch, đẹp với điều kiện sống, thu nhập dân cư nông thôn tiệm cận và kết nối chặt chẽ, hài hòa với đô thị.
Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/tam-nong-phat-trien-va-hoi-nhap-bai-4-98930.html