Tam Quan Đại Đế và Chùa Việt
Chùa Việt mà cụ thể là chùa ở đồng bằng Bắc bộ là nơi tích hợp nhiều dòng tín ngưỡng dân gian vào không gian thờ tự. Ngoài những ban thờ về công đồng tam, tứ phủ, sơn trang hay Bác Hồ, anh hùng liệt sĩ, tứ ân, hậu Phật, Thánh Tổ…thì không hiếm chùa có thêm ban thờ Tam quan đại đế, đây là dòng thờ mang phong cách Đạo giáo đã xâm nhập vào không gian thờ tự của nhiều chùa đặc biệt là chùa xứ Đoài.
FacebookEmail
Chùa Việt mà cụ thể là chùa ở đồng bằng Bắc bộ là nơi tích hợp nhiều dòng tín ngưỡng dân gian vào không gian thờ tự. Ngoài những ban thờ về công đồng tam, tứ phủ, sơn trang hay Bác Hồ, anh hùng liệt sĩ, tứ ân, hậu Phật, Thánh Tổ…thì không hiếm chùa có thêm ban thờ Tam quan đại đế, đây là dòng thờ mang phong cách Đạo giáo đã xâm nhập vào không gian thờ tự của nhiều chùa đặc biệt là chùa xứ Đoài.
Tác giả: Diệu Hỷ VickyLe
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
“Tam Quan Đại Đế (三官大帝), tức Thiên Quan Đại Đế (天官大帝), còn gọi là Thượng Nguyên Tứ Phước Thiên Quan Nhất Phẩm Tử Vi Đại Đế (上元賜福天官一品紫微大帝), và hai vị kia là Trung Nguyên Xá Tội Địa Quan Nhị Phẩm Thanh Hư Đại Đế (中元赦罪地官二品清虛大帝), Hạ Nguyên Giải Ách Thủy Quan Tam Phẩm Động Âm Đại Đế (下元解厄水官三品洞陰大帝). Từ thời Thượng Cổ, tại Trung Quốc đã có nghi lễ tế trời, đất và nước rồi. Ba vị Đại Đế này được thần cách hóa chỉ dưới
Ngọc Hoàng Thượng Đế (玉皇上帝) một bậc, chuyên chưởng quản việc phúc lộc, tội ác và giải trừ tai ách của con người.”(1)
Qua thực tế khảo sát thì chúng tôi thấy các chùa có thờ Tam Quan Đại Đế chủ yếu tập trung tại các huyện Hoài Đức, Quốc Oai, Đan Phượng, Phúc Thọ của thành phố Hà Nội với hiện trạng như sau:
1. Chùa Linh Tiên Quán, xã Đức Thượng, huyện Hoài Đức, ban thờ tượng tam quan thờ tại đầu đốc bên phải (hữu) của tòa Tiền đường gồm 3 tượng tam quan phong cách thời Mạc thế kỷ XVI -XVII và rất nhiều tượng nhỏ của chư thần tiên. Tượng tam quan ở đây đã chỉnh sửa vẽ thêm râu và sửa mũ mão.
2. Chùa Diên Khánh, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, 3 tượng thờ tại ban thờ dưới gầm của tượng Tam Thế Phật, tượng phong cách thời Nguyễn thế kỷ XIX.
3. Chùa Hương Trai, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức, ban thờ tại đầu đốc bên hữu của tòa Thượng điện gồm 3 tượng, phong cách tượng khoảng cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX.
Ban thờ Tam quan đại đế tại chùa Linh Tiên Quán xã Đức Thượng huyện Hoài Đức, Hà Nội, đây là ngôi chùa đạo quán cổ nhất, có kết cấu thờ tự hoàn chỉnh nhất mang phong cách đạo giáo ở miền bắc. Ảnh của tác giả bài viết.
4. Chùa Pháp Vũ, xã Yên Sở, huyện Hoài Đức, thờ tại điện lớn riêng ở cạnh nhà Tổ trong khuôn viên chùa, trước có hồ nước, thờ tượng tam quan kèm 1 đôi ngưu đầu mã diện.
5. Chùa Kim Lân, xã Đông La, huyện Hoài Đức, thờ 3 tượng tam quan tại gian bên trái (tả) của điện mẫu, tượng rất cổ phong cách thế kỷ XVIII, có lẽ được dồn vào điện Mẫu về sau này.
6. Chùa Đôi Hồi, thôn Thu Quế, thị trấn Phùng, huyện Đan Phượng, thờ tam quan tại đền Tam Phủ rất lớn trong khuôn viên chùa, tượng 3 vị tam quan ở cung cấm, kèm theo 10 vị có giả thuyết cho rằng đó là Thập Điện Diêm Vương và đền này lịch sử cũng từng có tên là Quán Âm Ty, ban đầu là đền thờ thủy thần có ít nhất từ thời Trần trong khuôn viên chùa khi đó tên chùa Đình Giá (ghi dấu thuyền của vua Trần đi trên sông Đáy đến đây thì dừng lại). Đây là chùa có ngôi đền thờ tam quan đại đế chuyên biệt lớn nhất của khu vực xứ Đoài. Ngoài ra đền cũng có 1 đôi tượng ngưu đầu, mã diện đứng chầu ở 2 dãy tả hữu vu. Tượng tam quan ở đây khoảng thế kỷ thứ XVII như niên đại ghi trên bệ đá hoa sen dùng để thờ.
7. Chùa Thiên Phúc hay còn gọi chùa Cả của quần thể khu danh thắng chùa Thầy. xã Sài Sơn huyện Quốc Oai, tam quan đại đế ở đây cũng có đền riêng nằm giữa hồ tên gọi đền Tam Phủ trong thờ 3 tượng rất lớn kích thước hơn cả người thật phong cách thế kỷ XVIII, đền nằm bên tả so với chùa chính, nối với sân trước Tiền đường bởi cầu Nhật Tiên mang kết cấu thượng gia hạ kiều nổi tiếng.
8. Chùa Diên Phúc tên tục là chùa xẻ, thôn Hiệp Hạ. xã Tam Hiệp. huyện Phúc Thọ, ban thờ 3 tượng rất lớn ở bên tả của Thượng điện, 2 đầu hiên của Thượng điện có 2 tượng ngưu đầu mã diện, nối 2 hành lang nhỏ là nơi bày tranh 10 vua Diêm Vương. Đặc biệt bộ tượng tam quan này bằng đất có đắp chi tiết tọa kị tức thú cưỡi của 3 ông gồm rồng của thiên quan, hổ của địa quan và cá chép của thủy quan, khác với các bộ tượng thường thấy thì thủy quan ở đây lại có râu màu trắng có vẻ như ảnh hưởng của các vua thủy phủ trong tín ngưỡng tam tứ phủ.
9. Chùa Bảo Phúc, thôn Giang Xá, xã Đức Giang, huyện Hoài Đức, có đền riêng thờ 3 tượng tam quan ở mé hữu trong khuôn viên chùa nhìn từ chính điện ra, tượng phong cách cuối thế kỷ XIX đầu XX.
10. Chùa Đại Bi tên tục chùa Bãi, thôn Quế Dương, xã Cát Quế, huyện Hoài Đức, tượng 3 ông tam quan cưỡi thú trong Tái Động bên trái (tả) của tòa Thượng điện, 3 tượng này thuộc về dạng chư thiên, chư thần trong tam giới chầu về trung tâm động là cảnh hoàng hậu Maya đang sinh hạ thái tử Tất Đạt Đa. Tượng niên đại khoảng đầu thế kỷ XX.
11. Chùa Diên Phúc, xã Sơn Đồng, huyện Hoài Đức, đền tam phủ thờ tam quan tuy không trong khuôn viên chùa nhưng sát chùa.
12. Chùa Vực, xã Di Trạch, huyện Hoài Đức, chùa này còn 2 pho ngưu đầu mã diện đứng ở tiền đường, tuy không thấy tượng tam quan nhưng tồn nghi có liên quan đến loại hình tín ngưỡng này.
13. Chùa Quảng Nghiêm tên tục chùa Trăm Gian, xã Tiên Phương, huyện Chương Mỹ, hiện bệ thờ ở đầu đốc bên phải (hữu) của tòa Tiền đường còn thờ 1 nhóm rất nhiều các tượng lớn nhỏ, trong đó còn nhận dạng được 1 tượng Thủy quan đại đế cưỡi cá chép kích thước khoảng 10cm, có lẽ trước đây chùa có động Phật bằng đất sơn ta sau này không còn nên các tượng được dỡ ra và thờ tại đây? Bộ tam quan cũng nằm trong động nhưng nay chỉ còn 1 pho, việc dùng tam quan ở động này giống với chùa Đại Bi đã nêu trên. Chùa này đặc trưng hơn các chùa trong nước ở ban thờ Tứ Phủ thánh đế bên hữu chính điện, khái niệm này rất gần với Tam Phủ tam quan đại đế đều là các vua đế coi sóc các phủ.
14. Chùa Đình Quán tên tục chùa Bà Bông, tổ dân phố số 4, phường Phúc Diễn, quận Bắc Từ Liêm (đây cũng là địa bàn giáp ranh huyện Hoài Đức), ban thờ tượng tam quan hiện ở bên phải (hữu) của Tiền đường, phong cách thế kỷ XIX, XX. Hiện vật cổ nhất chùa hiện nay là tấm bia trùng tu chùa Bà Bông ở bên phải (hữu) sân chùa nhìn từ trong ra, bia niên hệu Quang Hưng (1578-1599)(2) do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan (1528- 1613) viết.
Qua những nghiên cứu, quan sát thực tế về các ví dụ cụ thể trên chúng tôi nhận định về các nguyên nhân mà dòng tín ngưỡng này len lỏi vào chùa Việt như sau:
– Nguyên nhân do vốn là đạo quán chuyển sang chùa như ở trường hợp chùa Quán Linh Tiên hay cấu trúc phức hợp Chùa-Quán như chùa Đôi Hồi – Quán Âm Ty, trong trường hợp này cũng phải kể thêm các chùa thuộc vùng văn hóa có nhiều đạo quán lớn, tuy không phải là đạo quán cũ cải sang chùa nhưng vẫn tiếp nhận như ví dụ chùa Diên Khánh, Bảo Phúc, Pháp Vũ, Hương Trai. Địa bàn tập chung chủ yếu của dạng này là huyện Hoài Đức nơi có hệ thống công trình Đạo giáo nổi tiếng gọi là Đan Sơn Tứ Quán (quán Linh Tiên thôn Cao Xá Thượng xã Đức Thượng, quán Lão Quân thôn Lưu xá xã Đức Giang, quán Viên Dương thôn Phú Đa xã Đức Thượng, quán Diễm Xá xã Đắc đất hiện nay đã dựng đình còn chùa quán chuyển đi) và nhất điện tức là quán Hống nay thuộc thị trấn Trạm Trôi.
Ban thờ Tam quan đại đế tại chùa Linh Tiên Quán xã Đức Thượng huyện Hoài Đức, Hà Nội, đây là ngôi chùa đạo quán cổ nhất, có kết cấu thờ tự hoàn chỉnh nhất mang phong cách đạo giáo ở miền bắc. Ảnh của tác giả bài viết.
Cũng cần nói thêm rằng trên địa bàn Hà Nội có ít nhất 2 hệ thống chùa, quán liên quan đến đạo giáo như các chùa Kim Cổ, Huyền Thiên, đền Quán Thánh, Bích Câu… tại các quận nội thành, hay chùa Sổ, đền chùa Văn Quán huyện Thanh Oai, quán Lâm Dương ở Đa sĩ Hà Đông nhưng ở đó vai trò Tam quan đại đế rất mờ nhạt. Sở dĩ hệ thống chùa quán ở Hoài Đức có tín ngưỡng tam quan đại đế đặc trưng cũng có lẽ vì niên đại của hệ thống này sớm, theo truyền thuyết ở Linh Tiên quán và Viên Dương quán thì đạo giáo và đạo quán ở đây có ít nhất từ thời của Lữ Gia (191TCN- 110TCN) thừa tướng nhà Triệu nước Nam Việt tương đương nhà Hán ở phương bắc. Theo Tam giáo nguyên lưu sưu thần đại toàn “Thời Hán, Trương Thiên Sư đã lấy “Tam Quan thủ thư” 三官手书 để răn đạo chúng: con người sở dĩ sinh bệnh là do gây ra tội nghiệt. Vì vậy sau khi bị bệnh, cần phải đem tên tuổi của người bệnh viết thành 3 bài văn, một bài dâng lên trời, một bài chôn dưới đất, một bài ném xuống nước, hướng đến Thiên Quan, Địa Quan, Thủy Quan cầu tiêu tai giáng phúc.”(3) Tức là từ thời kỳ đầu đạo giáo sùng bái bùa chú, cúng kính có thể tung lên trời, chôn xuống đất, thả xuống nước tiền đề của tín ngưỡng tam quan, đây cũng là thời kỳ mà các hệ thần Tam Thanh hay Huyền Thiên Chân Vũ chưa hoàn thiện và thịnh hành chính vì vậy hệ chùa quán tại Hoài Đức cổ hơn các quận nội đô và vùng Thanh Oai, Hà Đông nên còn ảnh hưởng rõ bởi tín ngưỡng cổ của đạo giáo này.
– Ngoài các nguyên nhân do địa lý, công dụng trước khi chuyển sang chùa thì yếu tố thời đại cũng tác động đến việc dung nạp tín ngưỡng này ví dụ chùa Thầy huyện Quốc Oai tuy không gần lắm với trung tâm Đạo giáo nhưng vẫn có tam quan đại đế có lẽ vì thế kỷ XVI, XVII hay xuất hiện các chùa dạng Tam giáo nên những dòng thờ đạo giáo dễ được cấy ghép vào không gian thờ tự, chính cầu Nhật Tiên của đền Tam Phủ ở chùa Thầy có lịch sử khoảng năm 1602 tương truyền do trạng Bùng Phùng Khắc Khoan cúng Tượng ngưu đầu được coi yếu tố bộ thuộc hành sai của tam quan, tại chùa xẻ, Hiệp Thuận, Phúc Thọ, Hà Nội và ông là người có tư tưởng tam giáo.(4) Một nơi khác cũng do ông trùng tu là chùa Đình Quán hiện còn bia ông viết như đã nêu trên cũng có thờ tam quan đại đế càng chứng minh sự liên hệ này.
– Ở trường hợp chùa Xẻ và chùa Đồi Hồi thì ghi nhận đây có dòng thầy cúng nhiều đời trông nom, và tam quan đại đế cũng là đối tượng quan trọng trong thờ cúng của các thầy pháp nên chùa nào ngày xưa chưa có sư lại liên quan đến các thầy Thống, thầy pháp thì hệ tín ngưỡng này cũng dễ len lỏi vào.
– Nguyên nhân do sự tương đồng về các ngày lễ, ngày vía cũng rất đáng quan tâm! “Truyền thuyết kể rằng: vào thời cổ có một chàng trai họ Trần, rất khôi ngô tuấn tú, 3 cô gái con của long vương đều yêu chàng. Về sau 3 long nữ được gả cho chàng trai họ Trần này, đồng thời 3 cô lần lượt sinh ra 3 người con vào rằm tháng Giêng, rằm tháng 7 và rằm tháng 10. Ba người con này đều thần thông quảng đại, pháp lực vô biên, nên Nguyên Thủy Thiên Tôn phong cho người con cả là Thượng Nguyên Nhất Phẩm Cửu Khí Thiên Quan Tứ Phúc Tử Vi Đại Đế, phong cho người con thứ hai là Trung Nguyên Nhị Phẩm Thất Khí Địa Quan Xá Tội Thanh Hư Đại Đế, phong cho người con thứ ba là Hạ Nguyên Tam Phẩm Ngũ Khí Thủy Quan Giải Ách Động Âm Đại Đế. Do bởi họ sinh vào 3 ngày: Thượng nguyên, Trung nguyên và Hạ nguyên nên gọi chung là Tam Nguyên Đại Đế.”(5) Như vậy trong 3 ngày lễ của tam quan gồm rằm của 3 tháng 1, 7, 10 âm lịch thì có đến 2 ngày trùng với các lễ của nhà chùa. Đó là ngày rằm tháng giêng hay lễ Thượng nguyên vía tứ phúc Thiên Quan đại đế, ngày này cũng là lễ lớn bên nhà chùa Việt Nam, dân gian có câu “lễ cả năm không bằng lễ rằm tháng giêng”, dịp đầu năm mới cát tường cũng là vía đức Di Lặc vị Phật của tương lai. Ngày lễ thứ 2 là ngày lễ Trung Nguyên rằm tháng 7 của ông xá tội Địa Quan đại đế trùng với lễ Vu Lan của Phật giáo, đây cũng là điểm đan xen khá phức tạp và có lẽ là ngày gắn kết quan trọng nhất của hệ tam quan đối với chùa Việt.
Như trên chúng tôi đã đề cập qua khảo sát thực tế tại di tích thì ghi nhận rất nhiều chùa có sứ giả ngưu đầu mã diện làm bộ thuộc cho tam quan như tại chùa Đồi Hồi, Pháp Vũ, Diên Phúc…cũng tại Đôi Hồi và phần nào đó tại Diên Phúc (chùa Xẻ) thì thấy hệ tam quan gắn với thập điện diêm vương. Cụm từ xá tội Địa Quan nó tương tự như khái niệm ngày rằm tháng 7 xá tội vong nhân được dùng trong chùa Việt, ở đây có sự nhập nhèm vay mượn các khái niệm Đạo giáo của dân gian, nhà chùa hay dùng các cụm từ : hương linh, chân linh, thần thức cho người đã khuất chứ thực tế không gọi là Vong, ngày lễ rằm tháng 7 tại các chùa cũng là dịp chẩn tế, người sống cố gắng tụng kinh, trì chú làm phúc, cúng dường, phóng sinh… đúng pháp để hồi hướng chư hương linh siêu thoát chứ không phải ai đó xá tội, tha tội. Có lẽ sự vay mượn này cũng xuất phát do bởi trùng ngày xá tội của địa quan trong tam quan đại đế, chứng tỏ cũng có sự gắn kết của hệ tín ngưỡng này vào chùa chiền từ khá sớm ít nhất là về mặt ngày lễ chứ chưa nói đến cấu trúc thờ tự. Việc phối thờ Diêm Vương các vị hay được tạc tượng bên chùa vào đền của tam quan cũng cho thấy sự giao thoa này, hình như dân gian cố gắn liên kết khái niệm Âm Phủ của Diêm Vương với Địa Phủ của Trung Nguyên Địa Quan.
– Trong trường hợp của chùa Đại Bi, chùa Trăm Gian thì tam quan đại đế vào chùa đơn thuần do yếu tố mỹ thuật dân gian khi đó người ta mô tả tam giới từ các cõi ngục đến nhân gian, thiên giới, từ đồng bằng đến miền núi, từ con người đến động vật… đều là đối tượng được mô tả nên tam quan đại đế cũng xuất hiện như những yếu tố thần tiên chung chung chứ không mang khái niệm chuyên biệt về đạo giáo hay hòa quện của tam giáo mà chỉ đơn thuần là nhận thức nôm na của người dân.
Xuất hiện không hiếm tại các ngôi chùa tại xứ Đoài, tín ngưỡng tam quan đại đế là minh chứng của quá trình vận động tương tác giữa Phật giáo với Đạo giáo, giữa chức năng chùa chiền với chức năng đạo quán… Nó cũng là nét đặc sắc của vùng miền của phía tây thủ đô Hà Nội nhưng mặt khác cũng cần được nhận thức một cách hệ thống, rõ ràng về lịch sử, nội hàm để tránh bị ngộ nhận và xen tạp với Phật giáo chính thống.
Tác giả: Diệu Hỷ VickyLe
Tạp chí Nghiên cứu Phật học Số tháng 11/2023
***
CHÚ THÍCH:
(1) Theo Từ điển Phật học onlie https://phatgiao.org.vn/tu-dien-phat-hoc-online/thien-quan-k5512.html
(2) https://vfs.vn/chua-dinh-quan-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-noi-tieng-tai-ha-noi/
(3) Dịch từ nguyên tác Trung văn 三官大帝赐福,赦罪,消灾 Trong quyển 道经故事 Biên soạn: Dương Ngọc Huy 杨玉辉 Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002. Huỳnh Chương Hưng 11/4/2013 https://www.chuonghung.com/2013/04/dich-thuat-tam-quan-ai-e- tu-phuc-xa-toi.html
(4) Luận án triết học Tư tưởng dung thông nho, Phật, đạo của Nguyễn Bỉnh Khiêm, Phùng Khắc Khoan và Nguyễn Dữ trg 27,31 tác giả Vũ Phú Dưỡng, Viện hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam. https://tailieumau.vn/luan-van-tu-tuong-nho-phat-cua-nguyen- binh-khiem-nguyen-du/
(5) Dịch từ nguyên tác Trung văn TAM QUAN ĐẠI ĐẾ TỨ PHÚC, XÁ TỘI, TIÊU TAI Trong quyển ĐẠO KINH CỐ SỰ Biên soạn: Dương Ngọc Huy Tứ Xuyên văn nghệ xuất bản xã, 2002. Huỳnh Chương Hưng 11/4/2013 https://www.chuonghung.com/2013/04/ dich-thuat-tam-quan-ai-e-tu-phuc-xa-toi.html
Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/tam-quan-dai-de-va-chua-viet.html