Tầm quan trọng của báo chí, truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Sáng ngày 25/6/2024, tại Hà Nội, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững, Bộ Công Thương tổ chức tọa đàm 'Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả: Từ hoạch định chính sách đến hành động và vai trò của báo chí, truyền thông'.

Tọa đàm là hoạt động thuộc dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (gọi tắt là VLEEP II). Dự án do Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững – Bộ Công Thương phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (Gọi tắt là USIAD) triển khai. Đây là tọa đàm đầu tiên trong chuỗi hoạt động chia sẻ chuyên môn tác nghiệp báo chí trong lĩnh vực Sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả (SDNL TK&HQ) và lĩnh vực Năng lượng bền vững. Tọa đàm được tổ chức theo hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Tham gia chia sẻ tại tọa đàm có các chuyên gia ông Lê Anh Tuấn - Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại học Điện lực; ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam; ông Đào Nhật Đình - Hội đồng Khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam. Ông Hà Đăng Sơn - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu năng lượng sạch và tăng trưởng xanh (Liên hiệp các Hội Khoa học kỹ thuật Việt Nam) tham gia trực tuyến.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm.

Ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) phát biểu tại tọa đàm.

Phát biểu tại Tọa đàm, ông Trịnh Quốc Vũ - Phó Vụ trưởng Vụ TKNL & PTBV (Bộ Công Thương) nhấn mạnh cho biết, Việt Nam là quốc gia có quy mô nền kinh tế đang tăng nhanh với tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm từ 6 - 7% trong vòng vài thập kỷ gần đây. Trong giai đoạn 2020 - 2023, mặc dù tình hình kinh tế, chính trị thế giới có nhiều biến động phức tạp, nền kinh tế Việt Nam đã có sự phục hồi và phát triển khả quan so với nhiều nền kinh tế trên thế giới. Kéo theo đó, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam trong những năm tới dự báo sẽ tiếp tục tăng nhanh để đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế và dân sinh.

Trong bối cảnh đó, công tác sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là cần thiết và quan trọng. Đây là chính sách nhất quán của Đảng và Nhà nước trong nhiều năm qua. Ngày 8/6/2023, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ thị số 20 về công tác thực hiện tiết kiệm điện giai đoạn 2023-2025. Đặc biệt, ngày 14/2/2024, Thủ tướng Chính phủ có Chỉ thị 05 về đảm bảo cung ứng điện, than, dầu khí để đảm bảo điện cho năm 2024.

Trong 12 nhóm giải pháp lớn, Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh vai trò của công tác tiết kiệm điện, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Coi sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là vấn đề quan trọng, cấp bách, góp phần đảm bảo đủ nguồn điện cho phát triển kinh tế và đời sống xã hội trước mắt, cũng như lâu dài.

Khái niệm của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Ông Nguyễn Anh Tuấn - Phó Chủ tịch thường trực Hiệp hội Năng lượng Việt Nam cho biết, khái niệm sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là sử dụng và tổ chức sử dụng một cách hợp lý để giảm tiêu hao năng lượng nhưng vẫn đạt được các mục tiêu đề ra. Khái niệm này bao hàm cả tiết kiệm và sử dụng, tức là sử dụng một cách hợp lý, chứ không phải không dùng. Khái niệm có hai ý nghĩa rõ ràng, bao quát đầy đủ và không thể rút ngắn.

Ông Đào Nhật Đình - Chuyên gia năng lượng và môi trường, Hội đồng Khoa học, Tạp chí Năng lượng Việt Nam chia sẻ thêm: "Đối với người Việt, nếu chỉ nhấn mạnh về hiệu quả thì chưa đủ, nên chữ "tiết kiệm" sẽ đánh ngay về tác dụng, “hiệu quả” đánh giá chung về nền kinh tế. Thường các nền kinh tế giàu sẽ đánh vào hiệu quả hơn các nền kinh tế nghèo, tiết kiệm đánh trực tiếp vào lợi ích của chúng ta".

Ông Lê Anh Tuấn, Phụ trách Khoa Kinh tế và Quản lý, Trường Đại Học Điện lực cho rằng, với nền kinh tế thị trường thì ưu tiên tính hiệu quả hơn, hiệu quả chứ không phải cắt bớt. Với nền kinh tế của Việt Nam thì nên sử dụng tiết kiệm điện, cần cân bằng giữa tiết kiệm và hiệu quả. Trong quá tình làm việc giữa Trường và Bộ Công Thương, tiết kiệm và hiệu quả cũng nhận được sự chú ý từ nhiều địa phương, nhưng cần truyền thông tốt hơn, công tác tiết kiệm năng lượng vẫn hơi trầm lắng. Giảm được năng lượng tiêu thụ là giảm được phần nguồn.

Tầm quan trọng của truyền thông về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Trong Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả và các quy định, chính sách về năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đều có các nội dung về tuyên truyền, giáo dục để thực hiện các giải pháp tiết kiệm điện. Quan điểm của nhà quản lý là cần tuyên truyền cho tất cả các đối tượng, bao gồm cả các cơ sở sử dụng năng lượng trọng điểm.

Thông qua chương trình mục tiêu quốc gia, Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững đang nỗ lực đẩy mạnh công tác truyền thông và đánh giá rất cao vai trò của mạng lưới tuyên truyền trong việc đồng hành cùng các cơ quan quản lý. Thông qua các cuộc tọa đàm như thế này rất muốn lắng nghe khó khăn, thách thức để tìm ra các giải pháp hiệu quả để truyền thông, thu hút sự quan tâm của cộng đồng và đạt được các kết quả của Chương trình VNEEP3.

Cần tăng cường công tác tuyên truyền sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả

Khách mời tọa đàm là các chuyên gia, nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Khách mời tọa đàm là các chuyên gia, nhà báo có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực năng lượng và sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.

Ông Đào Nhật Đình cho rằng, trên con đường tăng trưởng, sử dụng điện là điều không tránh khỏi. Do đó cần tuyên truyền để làm sao sử dụng điện hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn. Tuyên truyền cần có các biểu tượng cụ thể như sử dụng sản phẩm có dán nhãn năng lượng, không nghe những quảng cáo thổi phồng về thiết bị không tiêu tốn điện,…. Qua công tác tuyên truyền sẽ có định hướng tốt hơn về việc mua sắm thiết bị điện và sử dụng thiết bị điện.

Ông Nguyễn Anh Tuấn cho biết, Chương trình VNEEP3 đã có mục tiêu tiết kiệm rõ ràng, các con số nghe có vẻ trừu tượng nhưng hợp lý. Năm 2022, điện chiếm 28,7% năng lượng cuối cùng, than 27%.... Điện hóa ngày càng lớn do xu thế chuyển dịch năng lượng, TKĐ là lõi của sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Hiểu ý nghĩa của các con số tiết kiệm để nhìn ra mức độ tăng trưởng.

"Hiện nay, người dân đã nâng cao ý thức sử dụng năng lượng, từ đó cho thấy vai trò của truyền thông. Mặc dù thiết bị đã nhiều hơn ngày xưa nhưng giá trị sử dụng lại hiệu quả hơn ngày xưa", ông Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ.

Ông Lê Anh Tuấn cho biết, Trường Đại học Điện lực cũng có nhiều đánh giá về hiệu quả sử dụng năng lượng, hành vi sử dụng. Đây là tiền đề để xây dựng văn hóa sử dụng năng lượng. Để hình thành văn hóa này thì truyền thông có vai trò quan trọng. Công nghệ là một phần quan trọng nhưng nếu không nhận ra tầm quan trong của việc làm thì khó có thể ứng dụng công nghệ.

Từ giai đoạn đầu tiên của Chương trình VNEEP3, vai trò truyền thông được đánh giá rất cao. Quảng bá nhiều chương trình năng lượng, thiết bị năng lượng. Nhà trường cũng đưa những nội dung vào tọa đàm, chương trình đào tạo của nhà trường.

Nhãn TKNL là đối tượng tuyền thông hiệu quả đối với người tiêu dùng. Ở một số nước, nhãn không thể hiện hành vi tiêu dùng nhưng cơ quan quản lý năng lượng sẽ xây dựng được các tiêu chuẩn quản lý rất tốt. Biến suy nghĩ thành hành động, làm cho hiệu quả Chương trình.

Vụ Tiết kiệm năng lượng và Phát triển bền vững (Bộ Công Thương) cho biết, trong chương trình phối hợp với Cơ quan phát triển quốc tế Hoa Kỳ (USAID) triển khai dự án Chương trình Năng lượng phát thải thấp Việt Nam II (Gọi tắt là VLEEP II), Chiến lược truyền thông về năng lượng bền vững giai đoạn đến năm 2030 đã được xây dựng.

Qua nghiên cứu, đánh giá cùng với kết quả thực hiện khảo sát đối với đối tượng là các phóng viên, nhà báo, trong thời gian tới, các buổi tọa đàm, tập huấn nhằm phổ biến chủ trương, chính sách, định hướng triển khai và những giải pháp về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả đến phóng viên, nhà báo sẽ được triển khai thường xuyên và sâu rộng hơn.

Lan Anh

Nguồn Tạp chí Công thương: https://tapchicongthuong.vn/tam-quan-trong-cua-bao-chi--truyen-thong-ve-su-dung-nang-luong-tiet-kiem-va-hieu-qua-122820.htm