Tầm quan trọng của cổng ký số từ xa tập trung trên VNeID

Đây là bước tiến quan trọng trong việc số hóa dữ liệu và quy trình thủ tục hành chính, dịch vụ công, cũng như ứng dụng trong tất cả các giao dịch điện tử hiện nay. Việc triển khai thí điểm giải pháp 'Cổng ký số tập trung trên nền tảng định danh và xác thực điện tử VNeID' (gọi tắt là RS-HUB) góp phần thúc đẩy các giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả và minh bạch – từ dịch vụ công, tài chính, thương mại đến y tế – từng bước xây dựng một xã hội số hiện đại, an toàn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Sự cần thiết triển khai giải pháp RS-HUB

Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (QLHC về TTXH), Bộ Công an cho biết, việc triển khai RS-HUB là một bước đi quan trọng trong quá trình chuyển đổi số của Việt Nam, đặc biệt trong lĩnh vực hành chính công và giao dịch điện tử. Trong đó, đáp ứng nhu cầu thực tế khi sự phát triển của công nghệ thông tin và sự thay đổi hành vi của người dân đã thúc đẩy nhu cầu giao dịch trực tuyến ngày càng tăng. Từ khi đại dịch COVID-19 diễn ra đã làm thay đổi sâu sắc cách thức chúng ta làm việc và giao dịch, qua đó thúc đẩy quá trình số hóa nhanh chóng tại Việt Nam cũng như thế giới. Bên cạnh đó, người dân và doanh nghiệp ngày càng đòi hỏi các dịch vụ công được cung cấp nhanh chóng, tiện lợi và hiệu quả.

Đẩy mạnh chính phủ điện tử, với mục tiêu giảm thiểu các thủ tục giấy tờ, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính giải pháp sẽ trở thành một yếu tố thúc đẩy quá trình số hóa quy trình và số hóa dữ liệu. Giải pháp còn cung cấp dữ liệu chính xác, kịp thời cho các cơ quan quản lý, giúp cải thiện hiệu quả hoạt động của bộ máy Nhà nước. Ngoài ra, mọi giao dịch đều được ghi nhận và lưu trữ, tạo điều kiện thuận lợi cho việc giám sát và kiểm soát.

Các đại biểu ấn nút triển khai thí điểm Cổng ký số từ xa tập trung trên VNeID.

Các đại biểu ấn nút triển khai thí điểm Cổng ký số từ xa tập trung trên VNeID.

Bảo đảm tính pháp lý cho giao dịch điện tử: Chữ ký số được quy định về pháp lý trong các văn bản pháp luật, chính vì thế việc chữ ký số tạo ra trên nền tảng VNeID có giá trị pháp lý tương đương với chữ ký viết tay. Quá đó, đảm bảo tính xác thực, toàn vẹn của thông tin giao dịch, bảo vệ quyền lợi của người tham gia giao dịch; nâng cao khả năng cạnh tranh của quốc gia…; đồng thời kiến tạo xã hội số, tạo điều kiện cho người dân tiếp cận và sử dụng các dịch vụ công trực tuyến một cách dễ dàng, tiết kiệm thời gian và chi phí. Từ đó, thúc đẩy sự thay đổi trong hành vi của người dân, từ giao dịch truyền thống sang giao dịch điện tử, góp phần xây dựng một xã hội hiện đại, văn minh và phát triển bền vững.

Theo Đại tá Ngô Như Cường, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát QLHC về TTXH, tuy nhiên, thực tiễn triển khai chữ ký số hiện nay còn nhiều hạn chế do tính phân tán của các giải pháp, yêu cầu người dùng phải trang bị thiết bị phức tạp, gây khó khăn đặc biệt cho người dân và doanh nghiệp. Việc thiếu vắng một nền tảng tích hợp chung, thống nhất đã hạn chế đáng kể hiệu quả ứng dụng và sự lan tỏa của chữ ký số trong xã hội. Trước bối cảnh đó, việc xây dựng một nền tảng ký số tập trung, đồng bộ và liên kết chặt chẽ với định danh điện tử quốc gia như VNeID không chỉ là giải pháp công nghệ mà còn là chiến lược then chốt, mở ra cơ hội đột phá để thúc đẩy chuyển đổi số toàn diện, an toàn, thuận tiện và hiệu quả trên quy mô toàn quốc.

Do đó, với nhiệm vụ “Đảm bảo 100% các giao dịch của Công dân số được định danh, ký số, xác thực, các hợp đồng điện tử được định danh, ký số” tại Quyết định 06/QĐ-TTg 2022, Trung tâm nghiên cứu, ứng dụng dữ liệu dân cư và căn cước công dân (Trung tâm RAR, thuộc Cục Cảnh sát QLHC về TTXH) đã phối hợp cùng với các đối tác nghiên cứu, phát triển và triển khai thí điểm RS-HUB. Giải pháp này giúp người dân thuận tiện, dễ dàng thực hiện các thủ tục hành chính, dịch vụ công, thương mại điện tử và các nền tảng kinh doanh dịch vụ khác, đồng thời tăng cường bảo vệ an toàn thông tin và giảm thiểu rủi ro gian lận trong các giao dịch điện tử.

Việc xây dựng cổng ký số tập trung trên nền tảng VNeID là bước chuyển đổi số đột phá, lấy phát triển con người, nâng cao chất lượng dân sinh làm trọng tâm. Giải pháp được Cục Cảnh sát QLHC về TTXH xác định là nhiệm vụ chiến lược quan trọng trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia năm 2025.

Phục vụ người dân, doanh nghiệp và cơ quan Nhà nước

Từ 5/5/2025, với sự đồng thuận của lãnh đạo Bộ Công an, Trung tâm RAR đã phối hợp cùng các đối tác, nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng và các đơn vị phát triển phần mềm nghiệp vụ như ngân hàng, bệnh viện để triển khai thí điểm giải pháp RS-HUB. Đến nay, Trung tâm RAR đã kết nối thành công với 5 nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số công cộng gồm VNPT, Viettel, MISA, NACENCOMM và Softdreams, đồng thời hoàn thiện thủ tục kết nối với các đơn vị khác như FPT, BKAV...

Thiếu tá Phan Đức Hiệp, Phó Giám đốc Trung tâm RAR cho hay, tính đến thời điểm công bố thí điểm ngày 22/5, kết quả bước đầu rất khả quan, cụ thể, đã phối hợp tích hợp với các ngân hàng lớn như: Ngân hàng BIDV hoàn thành nghiệp vụ đăng ký vay mua nhà trên nền tảng BIDV Home; Ngân hàng Vietcombank đã thử nghiệm thành công nghiệp vụ giải ngân trực tuyến, đồng thời đang mở rộng triển khai vay thấu chi online và cầm cố giấy tờ có giá; Ngân hàng PvcomBank hoàn tất nghiệp vụ vay thấu chi cá nhân; Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là đơn vị đầu tiên ký số hồ sơ bệnh án cho bệnh nhân, bước đầu hiện thực hóa hồ sơ sức khỏe điện tử có xác thực.

Trao đổi về vấn đề này, bà Phạm Phương Lan, Phó trưởng khối Ngân hàng bán lẻ Ngân hàng BIDV cho biết, chữ ký số được coi là hạ tầng và là một tiện ích số quan trọng để chuyển đổi số quốc gia, được xác định trong khung phát triển của hạ tầng số Việt Nam đã được Chính phủ ban hành. Trong thời gian vừa qua, việc phát triển và sử dụng chữ ký số trong ngành ngân hàng gặp khó khăn do ngân hàng phải kết nối với nhà cung cấp dịch vụ chữ ký số khác nhau; chi phí cấp chữ ký số cao cho người dân, việc xác thực khách hàng thông qua việc xác thực hồ sơ xin cấp chữ ký số thủ công hoặc eKYC có tỷ lệ rủi ro nhất định nên việc phát triển ứng dụng chữ ký số trong ngành ngân hàng vừa qua gặp nhiều khó khăn trong việc triển khai mở rộng và phổ cập cho khách hàng.

Theo bà Phạm Phương Lan, BIDV đánh giá giải pháp cổng ký số tập trung xác thực bằng VNeID là một nền tảng trung gian kết nối tập trung với các nhà cung cấp chữ ký số từ xa và dựa trên việc xác thực tự động khách hàng thông qua dữ liệu thông tin khách hàng tại VNeID. Việc này sẽ mang lại 3 lợi ích quan trọng so với việc kết nối trực tiếp với các giải pháp ký số từ xa như: Việc xác thực chính xác khách hàng nhờ vào thông tin từ VNeID và app VNeID của khách hàng với thao tác đơn giản; tiết kiệm chi phí cho khách hàng do với 1 chữ ký số, khách hàng có thể ký ở tất cả các văn bản trong lĩnh vực ngân hàng và dịch vụ công; ngân hàng có thể kết nối nhiều nhà cung cấp chữ ký số thông qua 1 nền tảng thay vì phải tích hợp với nhiều nhà cung cấp chữ ký số khác nhau.

Cũng theo bà Phạm Phương Lan, BIDV đã phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH để phát triển giải pháp trên ứng dụng BIDV Home trong thời gian rất ngắn (chỉ khoảng 20 ngày). BIDV Home là hệ sinh thái tài chính xanh 100% số hóa phục vụ nhu cầu nhà ở, ôtô điện trên BIDV Home. Bằng việc kết hợp luồng ký số bằng VNeID ở bước đăng ký vay, BIDV đang tạo nên một hành trình số hoàn thiện cho nhu cầu mua nhà của BIDV một cách nhanh chóng, minh bạch và tiện lợi. Trên cơ sở kết quả triển khai thí điểm, chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu mở rộng các bài toán ứng dụng trên các kênh phân phối khác của ngân hàng như kênh quầy, kênh SmartBanking.

TS.BS Nguyễn Đức Long, Giám đốc Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn cho biết, thực hiện công văn của Cục Cảnh sát QLHC về TTXH về việc phối hợp triển khai thí điểm giải pháp RS-HUB, Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn chính thức triển khai chữ ký số người bệnh tại bảng kê chi phí điều trị.Việc triển khai chữ ký số cho bệnh nhân mang lại nhiều lợi ích thiết thực. Thông tin cá nhân của người bệnh được bảo mật tốt hơn, hạn chế tối đa nguy cơ giả mạo hay sử dụng sai mục đích. Ngoài ra, việc gắn chữ ký số với bảng kê chi phí điều trị tạo điều kiện thuận lợi cho người bệnh trong việc quản lý thông tin điều trị, đặc biệt là trong các trường hợp tái khám định kỳ hoặc thanh toán không dùng tiền mặt. Việc ứng dụng chữ ký số còn góp phần minh bạch hóa chi phí khám, chữa bệnh, xác thực người bệnh thực tế sử dụng dịch vụ, nhằm đẩy mạnh chuyển đổi số, giảm thiểu thủ tục hành chính và nâng cao trải nghiệm cho người bệnh như giấy cam kết phẫu thuật, điều trị theo yêu cầu, bảng công khai khám, chữa bệnh và các tài liệu y tế khác có chữ ký người bệnh.

Bảo đảm tính pháp lý trong các giao dịch số

Cục Cảnh sát QLHC về TTXH nêu rõ, RS-HUB không chỉ là lời giải công nghệ cho những điểm nghẽn trong triển khai chữ ký số hiện nay, mà còn là nền tảng công nghệ quan trọng hỗ trợ triển khai đồng bộ các hoạt động chuyển đổi số trên phạm vi toàn quốc. Việc thí điểm triển khai nền tảng này trong năm 2025 là bước đi mang tính chiến lược, thể hiện rõ quyết tâm của Bộ Công an trong việc hiện thực hóa các mục tiêu tại Quyết định 06 của Thủ tướng Chính phủ và Chiến lược phát triển Chính phủ số. Hệ thống RS-HUB sẽ đóng vai trò hạt nhân trong việc thúc đẩy các giao dịch điện tử an toàn, hiệu quả và minh bạch - từ dịch vụ công, tài chính, thương mại đến y tế - từng bước xây dựng niềm tin số và nền tảng pháp lý vững chắc cho một xã hội số hiện đại, an toàn, lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm.

Thời gian tới, để bảo đảm việc triển khai đạt chất lượng, hiệu quả, đồng thời duy trì sự an toàn, ổn định của hệ thống RS-HUB, các Cục, Vụ, cơ quan quản lý Nhà nước phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định pháp luật thuộc lĩnh vực quản lý có liên quan đến chữ ký số và định danh điện tử nhằm đẩy mạnh ứng dụng chữ ký số trong giải quyết thủ tục hành chính, hồ sơ điện tử và bảo đảm tính pháp lý trong các giao dịch số.

Đối với các nhà cung cấp dịch vụ chứng thực chữ ký số, phối hợp tích hợp giải pháp ký số tập trung, chủ động phối hợp kỹ thuật với Trung tâm RAR và Cục Cảnh sát QLHC về TTXH để kết nối hệ thống cung cấp dịch vụ vào nền tảng RS-HUB. Đảm bảo cung cấp dịch vụ ổn định, tương thích và đáp ứng yêu cầu bảo mật theo quy định; xây dựng các gói giải pháp phù hợp với từng nhóm người dùng (cơ quan Nhà nước, tổ chức, cá nhân), đảm bảo tính khả thi khi mở rộng triển khai trên phạm vi toàn quốc; các đơn vị ứng dụng - ngân hàng, bệnh viện, doanh nghiệp, tổ chức cung cấp dịch vụ số phối hợp với Cục Cảnh sát QLHC về TTXH để được hướng dẫn tích hợp, vận hành thử nghiệm giải pháp trong các quy trình nghiệp vụ cụ thể như: mở tài khoản, ký hợp đồng số, đăng ký khám, chữa bệnh, thanh toán điện tử… Chủ động triển khai các biện pháp bảo vệ dữ liệu, phòng ngừa rủi ro lừa đảo trong giao dịch số. Tăng cường phối hợp chia sẻ thông tin cảnh báo với Bộ Công an để đảm bảo an toàn hệ thống và quyền lợi người sử dụng.

Có thể nói, RS-HUB sẽ mang lại giá trị thực chất, phục vụ hiệu quả người dân, doanh nghiệp và các cơ quan Nhà nước trong tiến trình chuyển đổi số quốc gia.

Minh Hiền

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/hoat-dong-ll-cand/tam-quan-trong-cua-cong-ky-so-tu-xa-tap-trung-tren-vneid-i769637/