Tầm quan trọng của máu

Hiến máu cứu người là truyền thống 'thương người như thể thương thân' của dân tộc Việt Nam được lưu truyền qua nhiều thế hệ.

Máu là chất lỏng màu đỏ đậm, có độ nhớt cao được tim bơm đến mô và các cơ quan của cơ thể rồi quay trở lại tim là vòng tuần hoàn. Máu lưu thông trong động mạch, tĩnh mạch và mao mạch. Loài người có 4 nhóm máu A, B, AB và O được xác định bởi các kháng nguyên trên tế bào hồng cầu.

Theo Hiệp hội Huyết học Hoa Kỳ, khoảng 7 – 8% tổng trọng lượng cơ thể con người là máu. Lượng máu ở người trưởng thành trung bình khoảng 60ml/kg trọng lượng cơ thể. Cụ thể, với mức cân nặng trung bình thì nam giới có khoảng 5,67 lít máu còn nữ giới khoảng 4,2 lít máu đối với người trưởng thành. Cơ thể nếu mất trên một phần ba tổng lượng máu sẽ rối loạn chức năng nhiều cơ quan, sốc và thậm chí tử vong.

Máu đóng vai trò quan trọng để duy trì sự sống

Bất cứ cơ quan nào của cơ thể cũng cần máu: Trong phổi, máu thu oxy và giải phóng carbon dioxide được vận chuyển từ các mô. Thận loại bỏ nước dư thừa và các chất thải hòa tan. Các chất dinh dưỡng có nguồn gốc từ thực phẩm sẽ đi vào máu sau khi được hấp thụ qua đường tiêu hóa. Các tuyến của hệ thống nội tiết giải phóng chất tiết của chúng vào máu, vận chuyển các hormone này đến các mô để phát huy tác dụng.

Trong quá trình phát triển phôi thai, đầu tiên quá trình tạo máu xuất hiện ở túi noãn hoàng rồi sau đó ở gan. Sau khi trẻ ra đời, quá trình tạo máu chủ yếu xảy ra ở tủy xương (phần tủy đỏ).

Máu mang chất dinh dưỡng, chất điện giải, nội tiết tố, vitamin, kháng thể đến các mô của cơ thể, điều hòa thân nhiệt và cung cấp oxy cho phổi đồng thời mang chất thải và khí cacbonic ra khỏi các mô của cơ thể.

Máu gồm hai thành phần chính là tế bào máu và huyết tương.

Tế bào máu gồm hồng cầu, bạch cầu và tiểu cầu.

Huyết tương gồm kháng thể, các yếu tố đông máu, protein, muối khoáng và nước.

Nguyên tắc chỉ định truyền máu:

Xác định nhóm máu để truyền máu an toàn và phù hợp, bảo đảm tính “đúng và hợp lý”
Truyền theo nguyên tắc: Người nhóm máu nào nhận đúng nhóm máu đó.

Nhóm A nhận từ A; được truyền cho A và AB

Nhóm B nhận từ B; được truyền cho B và AB

Nhóm AB nhận từ AB, có thể nhận từ A hoặc từ B; chỉ được truyền cho AB

Nhóm O chỉ được nhận từ O; được truyền cho tất cả các nhóm

Sơ đồ nguyên tắc truyền máu

Sơ đồ nguyên tắc truyền máu

Khi nào cần truyền máu?

Việc truyền máu phải tuyệt đối có y lệnh từ bác sĩ bằng văn bản ghi trên hồ sơ bệnh án, phải qua nhiều lần xét nghiệm tính hòa hợp trước khi cắm kim truyền cho bệnh nhân; được truyền cho bệnh nhân cấp cứu trong các trường hợp đa chấn thương mất máu nghiêm trọng, thai phụ sinh sản bị băng huyết mất máu nhiều; được truyền cho bệnh nhân phòng mổ trong các cuộc phẫu thuật và trong một số trường hợp mắc bệnh thiếu máu, chảy máu hay rối loạn đông máu.

Các thức ăn dinh dưỡng bổ máu gồm có thịt đỏ (thịt bò, heo, gà, vịt, cừu), hải sản (cá, sò điệp, tôm, cua, hàu), rau củ (củ dền, các rau họ cải, củ cải đường…), hạt (hạnh nhân, điều, óc chó), trái cây (lựu, táo, nho, dâu tây, hồng, anh đào, lê, bơ, dưa hấu), sản phẩm từ sữa (sữa tươi, phô mai, sữa chua, bơ động vật).

Máu khởi nguồn cho sự sống từ lúc hoài thai đến khi tim ngừng đập. Việc tìm hiểu kiến thức về máu giúp chúng ta trân quý sự sống cha mẹ cho và yêu thương mọi người, thêm biết ơn những người đã tình nguyện hiến máu cho sự sống hồi sinh./.

Tài liệu tham khảo

1. Facts about blood. (2019, November19).

https://www.hopkinsmedicine.org/health/wellness-and-prevention/facts-about-blood

2. Schwartz, R. S., & Conley, C. L. (2024, February 22). Blood | Definition, Composition, & Functions. Encyclopedia Britannica.

https://www.britannica.com/science/blood-biochemistry

3. Hematology Glossary (n.d.).

https://www.hematology.org/education/patients/blood-basics

DSCK2. Lý Thị Nhất Định

Nguồn Long An: https://baolongan.vn/tam-quan-trong-cua-mau-a176737.html