Tầm quan trọng của việc giáo dục trí tuệ cảm xúc cho trẻ
Trí tuệ cảm xúc là vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng tới hạnh phúc và thành công của mỗi cá nhân nói chung và các bạn nhỏ nói riêng.
"Bây giờ bố mẹ hãy cùng thể hiện một cảm xúc được yêu cầu, để các con đoán xem đó là cảm xúc gì? Vui vẻ, giận dữ, hay ngại ngùng, sợ hãi,...? Con nào đoán đúng sẽ nhận được một phần quà nhỏ?".
Trong khi cha mẹ tập trung thể hiện cảm xúc qua nét mặt, hành động thì những đứa trẻ ngồi dưới băn khoăn suy nghĩ, cố gắng nhận diện chúng. Có em đoán trúng, có em nghĩ mãi chưa ra. Hóa ra nhận diện cảm xúc của người khác cũng không đơn giản đâu nhỉ!
Đó chính là một hoạt động diễn ra trong workshop "Nuôi dưỡng trí tuệ cảm xúc và kích hoạt tư duy toàn cầu của thế hệ Alpha" được tổ chức tại trường Phổ thông liên cấp Olympia (Hà Nội) tuần trước. Chương trình có sự tham gia của đông đảo phụ huynh và các bạn mầm non đang chuẩn bị vào lớp 1.
Trong chương trình, dưới sự hướng dẫn của cô Tô Thị Hoan, Thạc sĩ Tâm lý học lâm sàng, Chuyên viên Tâm lý tiểu học của trường, cha mẹ và trẻ đã cùng tham gia nhiều trò chơi để rèn luyện khả năng nhận diện các loại cảm xúc, điều hòa và cân bằng cảm xúc, xây dựng mối quan hệ tích cực.
Trí tuệ cảm xúc - yếu tố đóng vai trò quan trọng với thành công của mỗi người
Trí tuệ cảm xúc là vô cùng quan trọng, có ảnh hưởng tới hạnh phúc và thành công của mỗi cá nhân nói chung và các bạn nhỏ nói riêng. Theo các nghiên cứu khoa học, những người có trí tuệ cảm xúc tốt, bao gồm biết nhận diện và quản lý cảm xúc của bản thân sẽ đưa ra được những quyết định đúng đắn và có kết nối tích cực với xã hội. Từ đó, học thường sống hạnh phúc và có khả năng thành công cao hơn.
Chương trình giảng dạy về cảm xúc RULER, được phát triển vào năm 2005 bởi Marc Brackett, David Caruso và Robin Stern của Trung tâm trí tuệ cảm xúc Đại học Yale chỉ ra 5 bước trong quá trình giáo dục, quản lý cảm xúc, đó là:
- Nhận diện cảm xúc của bản thân và người khác (Recognizing emotions in oneself and others);
- Hiểu được căn nguyên và kết quả của những cảm xúc (Under standing the causes and consequences of emotions);
- Gọi tên chính xác những trải nghiệm về cảm xúc bằng những khái niệm khác nhau (Labeling emotional experiences with an accurate and diverse vocabulary);
- Thể hiện và điều chỉnh những cảm xúc theo cách thúc đẩy sự trưởng thành (Expressing and Regulating emotions in ways that promote growth).
Nói về tầm quan trọng của việc nhận diện cảm xúc (bước đầu tiên trong chương trình RULER), cô Tô Thị Hoan cho hay: "Gọi tên được cảm xúc sẽ giúp việc điều hòa cảm xúc tốt hơn. Đặc biệt với trẻ em, vốn từ vựng còn hạn chế thì người lớn cần cung cấp thêm cho các em từ vựng. Để các em có thể diễn đạt được cảm xúc của mình tốt hơn.
Ở một số trẻ nhỏ có hạn chế về giáo tiếp, khi các em không thể nói ra được cảm xúc khó chịu, mong muốn của bản thân thì rất dễ cáu gắt, có hành vi hung hăng. Một khi các em nói ra được cảm xúc của mình thì thứ nhất, người lớn có thể hỗ trợ khi cần. Thứ hai, nó cũng giúp quá trình điều hòa cảm xúc diễn ra nhanh chóng, dễ dàng hơn".
Để giúp con nhận diện cảm xúc, cha mẹ có vai trò hình mẫu rất quan trọng. Bởi trẻ nhỏ sẽ học qua quá trình quan sát hàng ngày. Cha mẹ không nên chối bỏ mà cần xác nhận cảm xúc của trẻ qua những câu hỏi như: "Con đang buồn à", "con đang khó chịu à",...từ đó giúp trẻ điều hòa cảm xúc. Bên cạnh đó, trong quá trình giao tiếp, tương tác với con, nếu cảm thấy không giữ được bình tĩnh, cha mẹ có thể ưu tiên việc điều hòa cảm xúc trước bằng cách tạm dừng cuộc nói chuyện, rời đi trước,...
Trí tuệ cảm xúc - yếu tố rất được coi trọng tại trường Olympia
Tại trường Phổ thông liên cấp Olympia, các hoạt động giáo dục trí tuệ cảm xúc rất được coi trọng và thể hiện ở từng hoạt động nhỏ. Có thể thấy rõ ở việc, trường có rất nhiều khu "check-in cảm xúc", hay ngày học luôn bắt đầu với câu hỏi: "Hôm nay các con thấy thế nào", cùng những quãng thời gian hít thở, điều hòa cảm xúc giữa giờ học,... Hay chính trong những bài kiểm tra định kỳ, nhà trường cũng có những cách đánh giá đa dạng để khuyến khích cô trò cố gắng chứ không tạo áp lực.
"Sau mỗi 2 tháng học tập, giáo viên các bộ môn luôn có khảo sát về trạng thái tinh thần của học sinh, rồi gửi dữ liệu về Ban giám hiệu (BGH) để BGH gửi cho phòng tâm lý học đường. Nếu phát hiện học sinh có những tâm lý bất ổn, giáo viên, phòng tâm lý học đường sẽ căn cứ theo mức độ cảm xúc để có phương pháp hỗ trợ kịp thời", cô Tô Thị Hoan chia sẻ.
Được biết, ở Olympia, mọi trải nghiệm cảm xúc của học sinh đều được chấp nhận, không có cảm xúc nào là đúng - sai mà chỉ có nhận thức hoặc hành vi phù hợp hay chưa. Học sinh được thoải mái và an tâm bày tỏ những suy nghĩ, cảm xúc của mình với thầy cô, bạn bè thông qua vòng tròn chia sẻ cuối ngày ở lớp chủ nhiệm, các hoạt động tham vấn tâm lý, các bảng rà soát cảm xúc cùng những không gian thư giãn quanh trường.
Bên cạnh đó, phòng Tâm lý học đường Olympia luôn sẵn sàng như một "đường dây nóng" để học sinh hiểu rằng khi con cần là có người lắng nghe và chia sẻ. Hoạt động của học sinh tại trường cũng luôn được giám sát, đảm bảo an toàn bởi Ban quản lý và Ban an toàn trường học. Ngoài ra, nhà trường cũng tổ chức liên tục các chương trình đào tạo, tư vấn cho giáo viên và nhân viên trong trường để nhận biết và ứng phó với các dấu hiệu khó khăn tâm lý của học sinh.
Các hoạt động chia sẻ chia sẻ kiến thức về tâm lý học đường dành cho phụ huynh cũng được nhà trường chú trọng.