Tầm quan trọng của việc xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ kế hoạch hóa gia đình/sức khỏe sinh sản

Các chuyên gia nhận định, công tác xã hội hóa giúp đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa sức khỏe sinh sản/kế hoạch hóa gia đình (SKSS/KHHGĐ) đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Thời gian qua, Việt Nam đã có nhiều nỗ lực trong việc thực hiện cải thiện SKSS/KHHGĐ và tăng cường sử dụng các phương tiện tránh thai hiện đại. Theo đó, số người sử dụng các phương tiện tránh thai tiếp tục tăng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, chúng ta vẫn đang gặp phải những khó khăn nhất định trong việc đảm bảo các phương tiện tránh thai an toàn, chất lượng đáp ứng cho nhu cầu ngày càng cao của người dân.

Thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân. Ảnh TL

Thực hiện xã hội hóa nhằm đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân. Ảnh TL

Theo ông Mai Trung Sơn, Phó Vụ trưởng Vụ Quy mô dân số (Tổng cục DS-KHHGĐ), hiện nay, nhu cầu chưa được đáp ứng về các dịch vụ KHHGĐ cũng như việc sử dụng các phương tiện tránh thai của người dân còn khá lớn. Mặc dù được Chính phủ quan tâm cùng sự nỗ lực của ngành Dân số, nhưng thời điểm hiện tại, vẫn xảy ra tình trạng thiếu phương tiện tránh thai đáp ứng nhu cầu của người dân.

Nguyên nhân là do ngân sách Nhà nước cho chương trình DS-KHHGĐ và phương tiện tránh thai ngày càng giảm. Trong khi đó, nhu cầu của người dân lại tiếp tục tăng, đặc biệt là các phương tiện tránh thai ngắn hạn như bao cao su, viên uống tránh thai.

Vì vậy, các chuyên gia nhận định, xã hội hóa công tác DS – KHHGĐ và chăm sóc SKSS là một giải pháp có tầm quan trọng đặc biệt trong bối cảnh hiện nay, nhất là khi nhu cầu về phương tiện tránh thai, chăm sóc SKSS vẫn còn cao. Điều này giúp đảm bảo chất lượng và đa dạng hóa các phương tiện tránh thai, hàng hóa SKSS/KHHGĐ đáp ứng nhu cầu của người dân.

Hay nói cách khác, để công tác dân số SKSS-KHHGĐ đạt được kết quả bền vững, góp phần thực hiện thành công sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chất lượng dân số ngày càng được cải thiện đạt mức tiên tiến trên thế giới trong giai đoạn hiện nay và tương lai gần cần có những chính sách đẩy mạnh và tăng cường công tác xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ chăm sóc SKSS/KHHGĐ; huy động mọi nguồn lực xã hội tham gia công tác này.

Trên cơ sở đó, ngày 12/3/2015, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án "Xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai và dịch vụ KHHGĐ/SKSS tại khu vực thành thị và nông thôn phát triển giai đoạn 2015-2020" (gọi tắt là Đề án 818) với mục tiêu đáp ứng nhu cầu ngày càng cao và đa dạng về phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS có chất lượng cho người dân nhằm đảm bảo sự công bằng xã hội, sự bền vững của chương trình DS-KHHGĐ.

Việc thực hiện xã hội hóa cung cấp phương tiện tránh thai, hàng hóa và dịch vụ KHHGĐ/SKSS trong công tác DS-KHHGĐ sẽ đem lại nhiều lợi ích như: Tăng cường vai trò lãnh đạo và điều phối của cơ quan quản lý Nhà nước ở các cấp đối với công tác DS-KHHGĐ; đa dạng hóa và nâng cao chất lượng phương tiện tránh thai, các dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ, thỏa mãn được yêu cầu khắt khe của người dân đối với hàng hóa và dịch vụ chăm sóc sức khỏe.

Bên cạnh đó, tối ưu hóa việc sử dụng các nguồn lực xã hội trong công tác DS-KHHGĐ nhờ huy động và tạo điều kiện tối đa cho mọi thành phần kinh tế trong xã hội, đặc biệt là khối doanh nghiệp tư nhân tham gia đóng góp, quản lý, giám sát các hoạt động cung cấp phương tiện tránh thai, dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ.

Đồng thời, đảm bảo quyền lợi cơ bản cho mọi người dân trong việc tiếp cận với phương tiện tránh thai, dịch vụ và hàng hóa SKSS/KHHGĐ có chất lượng cao, phù hợp với khả năng chi trả.

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/tam-quan-trong-cua-viec-xa-hoi-hoa-cung-cap-phuong-tien-tranh-thai-dich-vu-ke-hoach-hoa-gia-dinh-suc-khoe-sinh-san-172211201171830162.htm