Tam quốc diễn nghĩa: Gia Cát Lượng chỉ ra lý do Tào Tháo không xưng đế
Gia Cát Lượng và Tào Tháo đều là những nhân vật lịch sử kiệt xuất của Trung Quốc thời Tam Quốc, và cũng là những nhân vật chính trong Tam quốc diễn nghĩa.
Gia Cát Lượng (181 - 234), tự là Khổng Minh, hiệu là Ngọa Long tiên sinh, là nhà chính trị, nhà quân sự kiệt xuất của Trung Quốc trong thời Tam quốc. Ông làm đến chức Thừa tướng của nhà Thục. Sau khi ông qua đời người đời vinh danh là “vạn đại quân sư” (quân sư nghìn đời).
Trong phim Tam quốc diễn nghĩa 2010, khi Lưu Bị hỏi Gia Cát Lượng Tào Tháo nắm trong tay hùng binh, giữ thiên tử lệnh chư hầu… nhưng cũng không dám soán ngôi xưng đế? Gia Cát Lượng liền đáp: “Tào Tháo không phải không muốn xưng đế, chỉ là trời không cho, thời cơ chưa đến…”.
Việc Tào Tháo không xưng đế, đến nay vẫn là vấn đề khiến nhiều nhà nghiên cứu đau đầu. Bởi Tào Tháo vốn là một nhân vật gây nhiều tranh cãi trong lịch sử Trung Quốc, xuất thân tầm thường nhưng lại là một người có chí hướng, có tham vọng, cùng với sự khôn ngoan của mình, ông đã vùng lên trong loạn Đổng trác những năm cuối thời Đông Hán.
Thời kỳ đỉnh cao quyền lực Tào Tháo nắm trong tay triều đình, kiểm soát cả Hán Hiến Đế nhưng Tào Tháo đã bỏ qua mọi lời khuyên phế vua tự lập triều đại mới, ông đã không bị danh vọng làm mờ mắt. Cho đến lúc chết, Tào Tháo vẫn chỉ là một Ngụy Vương, một Thừa tướng của nhà Đông Hán.
Trong Thuật chí lệnh có đoạn Tào Tháo nói rõ: "Tề Hoàn, Tấn Văn hầu sở dĩ thùy xưng chí kim nhật giả, dĩ kì binh thế quảng đại, do năng phụng sự Chu thất dã", ý muốn nói, Tề Hoàn công và Tấn Văn hầu thân là bá chủ trong "Xuân Thu ngũ bá", sau khi xưng bá vẫn có thể lưu danh ngàn đời đó là bởi họ vẫn luôn tôn phụng nhà Chu. Hàm ý là nếu một trong hai người đó thay thế nhà Chu, thì đã không có kết quả như ngày hôm nay.
Qua đây có thể thấy, dù thế lực của Tào Tháo lúc bấy giờ đang rất to lớn, nhưng ông quyết không muốn làm "gian hùng" cướp Hán mà muốn là một "năng thần" luôn một lòng trung thành với vị vua trẻ. Tất cả điều này đều nói lên rằng Tào Tháo chịu ảnh hưởng sâu sắc của văn hóa Nho giáo, không muốn trở thành tội nhân thiên cổ mà muốn được lưu danh muôn đời.
Tào Tháo cũng từng ban bố tờ Thủ sắc để tự trần tình. Thủ sắc đại ý nói, bản ý ban đầu ông chỉ hy vọng lập chút công danh, nhưng vì gặp thời loạn nên từng bước lên địa vị Thừa tướng; "nếu không có ta thì nhà Hán đã mất". Cuối bài ông nhấn mạnh việc những người nghi ngờ ông muốn cướp ngôi nhà Hán đều là nghĩ sai; ông cũng muốn rời bỏ chức vụ hiện tại cũng không thể, vì đã kết oán với nhiều người, sợ bị hãm hại.
Trong sách Ngụy Thị Xuân Thu của Tôn Thành (nhà sử học thời Đông Tấn, triều đại liền sau thời nhà Ngụy) thì Tào Tháo từng trả lời về việc xưng đế rằng: "Nhược bằng mệnh trời chỉ cho ta làm một Chu Văn Vương nữa mà thôi".
Chu Văn Vương còn gọi là Cơ Xương, một tướng soái dưới thời vua Trụ (vị vua nổi tiếng bạo ngược độc ác và là vị vua cuối cùng thời nhà Thương). Chu Vũ Vương tuy nắm trong tay binh quyền và sự ủng hộ của triều đình nhưng quyết không soán ngôi. Sau này con trai ông mới diệt vua Trụ của nhà Thương, lập ra nhà Chu, đó là Chu Vũ Vương rồi truy tôn Cơ Xương làm Chu Văn Vương.
Quả nhiên, Tào Tháo không phế bỏ vua Hán Hiến Đế mà con trai ông là Tào Phi đã soán ngôi nhà Hán, lập ra nhà Ngụy, đóng đô ở Lạc Dương. Tào Tháo được truy tôn là Thái Tổ Vũ Hoàng Đế, thường gọi là Ngụy Vũ Đế.
Tào Tháo (155-220) là nhà chính trị, quân sự kiệt xuất cuối thời Đông Hán và đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc. Ông là người đặt nền móng hình thành nhà Tào Ngụy thời Tam quốc.
Video: Gia Cát Lượng chỉ lý do Tào Tháo không xưng đế.
Quốc Tiệp (t/h)