Tam quốc diễn nghĩa: Lai lịch đáng gờm của nhân vật thuyết phục Lưu Bị tiếp nhận Từ Châu, nhận xét Viên Thuật là 'xương khô trong mả'
Thời Tam quốc khi quần hùng hỗn chiến, Lưu Bị rất cần một chỗ đứng. Tuy nhiên, Đào Khiêm đã nhiều lần nhường Từ Châu, Lưu Bị vẫn nhất quyết không nhận. Sau này, được Khổng Dung và nhiều người thuyết phục Lưu Bị mới chấp nhận.
Giải cứu Từ Châu
Khi Lưu Bị đang nhậm chức dưới quyền của Công Tôn Toản, Tào Tháo lấy danh nghĩa báo thù cho cha, mang binh đi đánh Từ Châu. Đào Khiêm nhận thấy thực lực của mình không đủ để chống lại đại quân Tào Tháo, liền cho người cầu cứu thứ sử Thanh Châu là Điền Khải - thủ hạ của Công Tôn Toản ở U Châu.
Điền Khải lúc đó đang bị Viên Thiệu đánh, bèn báo cáo cho Công Tôn Toản - người đang tranh giành Hà Bắc với Viên Thiệu. Toản sai Lưu Bị cùng Quan Vũ và Trương Phi đi cứu Thanh Châu. Nghe Đào Khiêm cầu cứu, Khải lại sai Lưu Bị cầm quân đi cứu Từ Châu trước. Lưu Bị nhân cơ hội đã mượn một nhánh quân của Công Tôn Toản, lấy danh nghĩa cứu viện giúp Từ Châu để ra đi.
Lưu Bị có 4000 quân, chiêu hàng được vài ngàn nạn dân Ô Hoàn, rồi lại được Đào Khiêm cấp 4000 quân nữa, có hơn 1 vạn người, cùng Đào Khiêm thế thủ trước đội quân của Tào Tháo. Sau khi trận binh hỏa qua đi, Đào Khiêm rất cảm tạ Lưu Bị đã cứu giúp và Lưu Bị đã bỏ Điền Khải ở lại Từ Châu với Đào Khiêm.
Khổng Dung thuyết phục Lưu Bị tiếp nhận Từ Châu
Năm 194, không lâu sau khi Từ Châu được giải vây, Đào Khiêm ốm nặng, quyết định tiến cử Lưu Bị làm Từ châu mục thay mình, nên dâng biểu lên Hán Hiến Đế. Lưu Bị khiêm nhường, sợ mình sức yếu không giữ được nên từ tạ. Vì vậy Đào Khiêm dâng biểu tiến cử Lưu Bị làm thứ sử Dự Châu, đóng quân ở Tiểu Bái gần Hạ Bì (trung tâm Từ Châu).
Không lâu sau trước khi mất Đào Khiêm dặn các thủ hạ My Chúc, Trần Đăng đón Lưu Bị về Từ Châu, hết sức giúp Lưu Bị rồi qua đời. My Trúc và Trần Đăng làm theo, nhưng Lưu Bị vẫn từ chối, đề nghị trao Từ Châu cho Viên Thuật là người có danh vọng cao hơn, lúc đó đang xưng là Từ Châu Bá. Khổng Dung cũng tham gia thuyết phục Lưu Bị, cho rằng Viên Thuật không hề có thực lực, không lâu sẽ diệt vong. Cuối cùng Lưu Bị nhận lời tiếp quản Từ châu, nhận chức Từ Châu Mục.
Nhưng cũng có tài liệu cho rằng Lưu Bị nhận lời nhận chức Từ Châu Mục ngay khi Đào Khiêm còn sống. Khi Lưu Bị từ chối và tiến cử Viên Thuật, Khổng Dung cũng có mặt và cho rằng Viên Thuật là “xương khô trong mả”. Cuối cùng Lưu Bị nhận lời.
Chỉ tiếc rằng mảnh đất đặt chân quý báu ấy không lâu sau đó đã bị Lã Bố cướp mất. Chính sự kiện này đã đẩy Lưu Bị vào tình thế phải "luồn cúi" ở cạnh Lã Bố. Việc Lã Bố đánh úp Từ Châu đã khiến Lưu Bị từ vai vế của người làm chủ buộc phải trở thành một kẻ "ăn nhờ ở đậu" để có được "miếng đất cắm dùi".
Trong Tam quốc diễn nghĩa của La Quán Trung kể rằng Tào Tháo nhận xét Viên Thuật là “xương khô trong mả” lúc uống rượu luận anh hùng với Lưu Bị ở Hứa Xương. Thực tế là người nhận xét Viên Thuật là Khổng Dung khi nhận xét ai là người xứng đáng lĩnh Từ Châu.
Khổng Dung là hậu duệ đời thứ 20 của Khổng Tử
Khổng Dung (153 - 208) tự là Văn Cử, là cháu 20 đời của Khổng Tử. Ông sinh ra tại nước Lỗ, nổi tiếng học giỏi, được nhiều người biết đến. Cha ông là Khổng Tuyệt Minh làm thợ dệt, chết lúc ông năm tuổi, mẹ ông là Khổng Tuyệt An là một nữ thợ làm bánh. Ông là quan nhà Đông Hán và quân phiệt đầu thời Tam quốc trong lịch sử Trung Quốc.
Khổng Dung nổi tiếng với tài thơ văn, là một trong Kiến An thất tử (bảy danh sĩ thời Hán Hiến Đế, niên hiệu Kiến An bao gồm: Khổng Dung, Vương Xán, Trần Lâm, Lưu Trinh, Từ Cán, Nguyễn Vũ, Ứng Sướng). Ông sáng tác nhiều thơ. Sau khi ông bị giết, Tào Phi thu thập được 25 bài thơ của ông đưa vào sách. Nhưng phần lớn những bài thơ này nay đã thất truyền, chỉ còn 5 bài được truyền lại tới ngày nay.
Video: Lưu Bị cứu Từ Châu.
Quốc Tiệp (t/h)